TS Nguyễn Ngọc Trường

Dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng là một bước tiến
SGTT.VN Thứ sáu, ngày 22 tháng bảy năm 2011- Sau các cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc, ngày 21.7, các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc đã thông qua văn bản 8 điểm hướng dẫn thực thi DOC: “Theo cách tiếp cận từng bước một theo từng điều khoản của DOC”; “việc tham gia vào các hoạt động hoặc dự án nên được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện”; “ban đầu được thực hiện những biện pháp xây dựng niềm tin”; “việc thực hiện sẽ được báo cáo hàng năm” lên các bộ trưởng...

Một số quan chức ngoại giao tham gia cuộc họp Bali nhận xét văn bản mang tính chung chung; không có khung sườn nào để trực tiếp giải quyết tranh chấp ở khu vực vốn được cho là có nhiều dầu lửa và khí đốt. Ngoại trưởng Del Rosario cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều đến mức “nếu chúng ta (ASEAN) ký bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc, điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Một nhà ngoại giao ASEAN cho rằng chính sự năng động của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc đối thoại với ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trước mắt, việc đạt được thoả thuận về bản hướng dẫn thực thi DOC cho dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng là một bước tiến. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp trưởng đoàn SOM Trung Quốc tại Bali, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương nêu rõ Washington hoan nghênh và ủng hộ toàn bộ tiến trình này. Có nguồn tin cho rằng Mỹ muốn một kế hoạch ngoại giao phòng ngừa để tạo ra khuôn khổ phòng ngừa xung đột thông qua tại hội nghị ARF lần này và Mỹ sẽ tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông trên cơ sở kế hoạch đó.

Ngày 24.7, tại diễn đàn ARF, vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được đẩy lên hàng đầu chương trình nghị sự. Mặc dù bản quy tắc 8 điểm giúp “dắt một con trâu lớn qua rào”, phần nào tháo ngòi căng thẳng, nhưng theo Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, bước tiếp theo của thoả thuận là thương lượng COC.

Tại Đông Nam Á, không ai ảo tưởng rằng cuộc tranh chấp lớn ở Biển Đông lại nhờ mấy thoả thuận nhỏ mà được tháo ngòi trước việc Trung Quốc không ngừng củng cố sự hiện diện trên các đảo mà họ kiểm soát. Một khi tàu sân bay đi vào hoạt động và giàn khoan dầu biển khơi hoàn thành cuộc thử nghiệm nay mai, không có lý gì họ không gia tăng áp lực để giải quyết trên thế mạnh. Đây là điều ngay cả những nước có thái độ thận trọng như Malaysia và Indonesia cũng lo ngại viễn cảnh với cơn khát dầu, Trung Quốc sẽ dùng Trường Sa làm bàn đạp tràn xuống phía Nam. Sự kiên nhẫn phải đồng hành cùng thái độ kiên quyết.

Vì vậy, Philippines, như lời ngoại trưởng Del Rosario, “chắc chắn sẽ đưa vụ tranh chấp ra trước toà án Quốc tế về Luật biển, ngay cả trường hợp Trung Quốc không muốn tham gia... để có được một sự phân xử vĩnh viễn hoặc tạm thời”. Mỹ hỗ trợ Manila tàu chiến và kỹ thuật quân sự để Philippines tự bảo vệ vùng biển của mình.

Thái độ các nước lớn khác sẽ còn chuyển biến. Một nguồn tin Ấn Độ cho hay “trong tương lai gần” hải quân Ấn Độ sẽ đưa nhiều tàu khu trục loại CMD trang bị tên lửa tự động tìm mục tiêu “bố trí thường trực” tại Biển Đông, để tham gia bảo vệ an ninh cho con đường hàng hải huyết mạch. Nga ít được chú ý trong tranh chấp Biển Đông, nhưng mới đây tuyên bố hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò khai thác dầu khí tại vùng biển này. Theo Đại Công báo, rất nhiều dấu hiệu cho thấy trong tương lai không xa, Nga sẽ trở thành một yếu tố quan trọng khác trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Người ta thường nói, một nền hoà bình xấu còn hơn một cuộc chiến tranh tốt. Việt Nam, một quốc gia sinh tồn cùng biển tiếp tục tìm kiếm bất kỳ thoả thuận song phương và đa phương nào có thể được, để giải quyết bằng con đường hoà bình các tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc phá thế cô lập

Sau gần hai tháng, dư luận Trung Quốc đã xuất hiện ý kiến kêu gọi đàm phán giải quyết ổn thoả cuộc “khủng hoảng Nam Hải”, phù hợp lợi ích của tất cả các bên tranh chấp. Có người nói, chính sách Nam Hải với tư cách là một bộ phận trong ngoại giao láng giềng hữu nghị đã không hiệu quả khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động. Một học giả viết trên báo Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng xu thế quốc tế hoá vấn đề Nam Hải đã cơ bản hình thành, cần thoát ra khỏi truyền thống bàn cãi sáo mòn, nghiên cứu kỹ lập trường của các nước tuyên bố chủ quyền ở Nam Hải.

Các học giả Trung Quốc tại Hong Kong cũng góp nhiều tiếng nói. Tờ Khai Phóng nhận xét Trung Quốc rơi vào thế cô lập chưa từng có, tự ví là “đã bị vây đánh”; nỗ lực mười năm ngoại giao châu Á đã bị huỷ trong một ngày. Việc tự vạch đường chữ U hay nêu “lợi ích cốt lõi” đều là chuyện “mua dây buộc mình”. Còn Đại Công báo viết, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể tiếp tục “gác lại” nữa, cần thông qua cơ chế đàm phán để xác lập mô hình hợp tác mà các bên có thể chấp nhận được.

8 điểm hướng dẫn thực thi DOC

1. Việc thực thi DOC nên được thực hiện theo cách tiếp cận từng bước theo các điều khoản của DOC

2. Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC

3. Việc thực thi các hoạt động, dự án theo quy định tại DOC nên được xác định rõ ràng

4. Sự tham gia vào các hoạt động, dự án nên được thực hiện trên cơ sở tự nguyện

5. Hoạt động ban đầu theo phạm vi của DOC nên được thực hiện bằng biện pháp xây dựng lòng tin

6. Quyết định để thực hiện các biện pháp cụ thể hoặc hoạt động của DOC nên dựa trên sự đồng thuận giữa các bên có liên quan, và dẫn đến việc thực hiện cuối cùng một Quy tắc ứng xử (COC)

7. Trong việc thực hiện các dự án đã thoả thuận theo DOC, các dịch vụ của các chuyên gia và người nổi tiếng, nếu cần thiết, sẽ được tìm kiếm để cung cấp cho các dự án có liên quan

8. Tiến độ thực hiện các hoạt động đã thoả thuận, và các dự án thuộc DOC sẽ được báo cáo hàng năm cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC)

(theo Jakarta Post)
TS Nguyễn Ngọc Trường

Không có nhận xét nào: