Trọng Thành

Libya : sự sụp đổ của một bạo chúa

Tuần báo Le Nouvel Observateur với tựa đề « Libya : sự sụp đổ của một bạo chúa », chú ý đến biến cố diễn ra cách nay gần một tuần tại khu vực Bắc Phi. Chế độ của đại tá Kadhafi, sau 42 năm tồn tại, đã tan rã.

Đêm Chủ nhật qua ngày thứ Hai tuần trước, cựu lãnh đạo Kadhafi qua đài phát thanh đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng, hối thúc dân
chúng thủ đô Tripoli ra đường chống lại quân nổi dậy. Le Nouvel Observateur ví von, đây là « tiếng gầm rú điên cuồng cuối cùng của con thú dữ đang cơn hấp hối, bị dồn vào góc của tòa lâu đài bọc thép ». 24 tiếng đồng hồ sau, số phận của nhà độc tài còn chưa biết rõ, nhưng số phận của Tripoli và chế độ Kadhafi thì rõ như ban ngày. Sau 42 năm tồn tại, chế độ này đã rơi vào tay quân nổi dậy chỉ trong chưa đầy một ngày. Chiến sự tại chỗ cho thấy, những gì diễn ra trong sa mạc Libya quả là vô cùng bất ngờ đối với các nhà cầm quân.

Thực tế là, cách đây 6 tháng, khi bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Libya, các tướng lĩnh Nato đã từng hy vọng kết thúc chiến tranh trong vòng một vài tuần. Họ đã không tính đến sức kháng cự mạnh mẽ của chế độ Kadhafi và sự chia rẽ trong hàng ngũ nổi dậy và năng lực tác chiến yếu kém của quân khởi nghĩa. Tuy nhiên, trong những ngày sau cùng, lực lượng nổi dậy đã chia cắt được quân đội chính phủ, cắt toàn bộ các đường tiếp nhiên liệu, phong tỏa các trục đường và chiếm lĩnh các đô thị chiến lược. Sự chiến thắng của quân nổi dậy đặc biệt nhờ công của bộ tộc Zintan, vốn nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Ý, đã chọc thủng được mặt trận phía Tây, trong khi về phía Đông, quân nổi dậy vẫn còn bị cầm chân rất xa Tripoli, tại thành phố Brega.

Chính bộ tộc Zintan đã tung các chiến binh quả cảm của họ vào chiến dịch Tripoli, một số theo hướng từ biển vào, một số đi bằng đường bộ. Không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào, họ đã chiếm lĩnh từng khu phố một dưới sự hoan hô của dân chúng. Các cuộc oanh kích của Nato, sự nổi dậy của dân chúng thủ đô và sự phân rã trong hàng ngũ chế độ cũng là những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi này.

Những khó khăn của giai đoạn "hậu Kahdafi"

Trên thực tế, vài ngày trước khi Tripoli sụp đổ, các cuộc đàm phán bí mật giữa hai phía đã diễn ra tại Tunisia, dưới sự chủ trì của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc. Thoạt tiên, phe nổi dậy đã chấp nhận để ông Kadhafi ở lại Libya, nếu từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên sau đó, đối lập đã rút lại đề nghị này, vì bị từ chối. Trước chiến dịch chiếm lĩnh Tripoli, nguyên thủ các nước phương Tây đã lo ngại, sự ra đi đột ngột hay cái chết của nhà độc tài có thể tạo ra một tình trạng trống rỗng quyền lực đột ngột khiến đất nước rơi vào hỗn loạn. Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở khi có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phân hóa cao độ trong nội bộ phe nổi dậy, với việc tổng tham mưu trưởng bị một phe nhóm trong chính quyền chuyển tiếp hạ sát và việc chính quyền của đối lập buộc phải giải tán sau đó ít lâu.

Câu hỏi đặt ra là, liệu chính quyền chuyển tiếp có khả năng điều hành được đất nước Libya hậu Kadhafi hay không ? Ông Patrick Haimzadeh, nguyên là một nhà ngoại giao làm việc tại Tripoli, tác giả cuốn sách « Nội tình chế độ Kadhafi », cho biết các tham vọng quyền lực của các nhóm nổi dậy, trong đó có bộ tộc thiện chiến Zintan, vừa đóng góp phần quyết định vào chiến thắng. Các lực lượng Hồi giáo triệt để, vốn bị đàn áp dưới chế độ Kadhafi cũng sẽ trỗi dậy nhanh chóng để khẳng định vị trí của họ trong chính quyền mới … Các chuyên gia quân sự phương Tây lo ngại nhiều vũ khí hiện đại của chế độ Kadhafi có thể lọt vào tay lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Hiện tại, chính quyền chuyển tiếp Libya đã ghi nhận luật Charia Hồi giáo là nền tảng của Hiến pháp Libya mới. Le Nouvel Observateur đặt câu hỏi, phải chăng làm như vậy chính quyền nổi dậy muốn dành được sự ủng hộ của lực lượng Hồi giáo triệt để ? Liệu « những người chủ mới » của Libya có biết cách tránh được các bạo lực đẫm máu sau khi nắm trọn quyền lực ? Liệu họ có khả năng tạo lập được hòa bình, sau khi giành thắng lợi trong chiến tranh ?

Kế hoạch quá độ bí mật thời "hậu Kadhafi"

Cũng về sự chuyển tiếp chế độ đang diễn ra tại Libya, tuần san Courrier International có bài : « Đừng lặp lại các sai lầm như ở Irak », trích từ tờ The Times. Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để tránh sự hỗn loạn trong giai đoạn chuyển tiếp, Courrier International cho biết, lực lượng nổi dậy đã hoạch định một « kế hoạch quá độ bí mật ».

Bài báo cho biết, ngay trước khi chiến thắng, quân nổi dậy và lực lượng liên quân đã dự kiến thành lập một đơn vị đặc biệt gồm 10.000 đến 15.000 người, để bảo vệ trật tự trị an của Tripoli, mà trong lực lượng này không có ai thuộc phe đối lập miền Đông Libya.

Ngược lại với Irak, hiện không có một chính quyền cách mạng nào có thể quản lý toàn bộ đất nước thay thế cho chính quyền Kadhafi, thay vào đó, theo kế hoạch quá độ bí mật kể trên, tại Tripoli sẽ có « các đại biểu chính trị của các phe nhóm », cũng như những nhân viên an ninh không dính dáng đến chế độ cũ.

Sự chia rẽ giữa hai vùng Đông và Tây Libya hết sức sâu đậm. Trong sáu tháng chiến tranh vừa qua, Libya thực tế đã tách thành hai miền Đông Tây, với hai chính quyền riêng rẽ. Việc hội nhập hai bộ máy này có thể gây ra nhiều xung đột.

Vụ thủ tiêu tổng tham mưu trưởng quân nổi dậy, tướng Younis, bị nhiều người nghi ngờ là do chủ trương của chủ tịch Ủy ban hành pháp của chính quyền chuyển tiếp. Theo đánh giá của một nhà ngoại giao phương Tây, tướng Younis sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ tại miền Tây, sau khi chiến tranh kết thúc, và đó là lý do khiến cuộc đấu tranh giành giật quyền lực trong nội bộ quân nổi dậy đã diễn ra trước khi đối lập giành được thắng lợi.

Giới phân tích nhấn mạnh, rất cần phải giữ lại tại chỗ các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, chiếm tới 90% thu nhập quốc gia. Mọi hành động thanh trừng từ phía chính quyền cách mạng sẽ gây ra các rối loạn. Ví dụ, trong trường hợp Irak, hàng trăm nghìn binh sĩ trở nên không nghề nghiệp, sau khi chế độ Sadam Hussein sụp đổ, đã trở thành những kẻ reo rắc khủng bố trên khắp nước này.

Liệu kế hoạch chuyển tiếp bí mật có khả năng tạo ra sự đoàn kết trong đất nước Libya mới ?
Bachar Al-Assad, nhà lãnh đạo năm lần « lỡ hẹn » với cải cách dân chủ
Syria, một điểm nóng khác tại thế giới Hồi giáo là chủ đề một bài báo khác trên Courrier International : « Bachar Al-Assad, nhà lãnh đạo liên tục lỡ hẹn ».

Tại Syria, các đàn áp đẫm máu tiếp tục với con số hơn 2.000 người thiệt mạng. Courrier International dựng lại chân dung của tổng thống Syria Al-Assad qua các cơ hội cải cách mà lãnh đạo Syria đã bỏ lỡ trong thập kỷ qua.

Bản thân ông Al-Assad không phải là một nhà độc tài như kiểu Saddam Hussein, đại tá Kadhafi, hay Moubarak. Ông Al-Assad không ham quyền lực như các lãnh đạo kể trên. Le Courrier International nhận định : việc ông Al-Assad trở thành nhà độc tài là nằm ngoài ý muốn của ông.

Tổng thống Syria vốn theo học ngành trị liệu nhãn khoa tại Luân Đôn, nhưng đam mê thực sự của ông là tin học. Năm 1989, ông là một trong những người sáng lập ra tổ chức Syrian Computer Society, chuyên về các công nghệ Internet. Vào thời điểm Syria bắt đầu hội nhập vào thế giới, vào năm 2000, chính ông Al-Assad đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập Internet.

Điểm nổi bật của giai đoạn dân chủ hóa được mệnh danh là « mùa xuân Damas » năm 2001 là sự nở rộ các cuộc tranh luận nơi công cộng và sự phát triển ý thức chính trị trong xã hội. Chính ông Al-Assad đã khuyến khích dân chúng trong những việc này. Tuy nhiên, khi quá trình dân chủ hóa mạnh lên, cảnh sát đã can thiệp, bắt bớ, lực lượng an ninh ngầm lại tiếp tục kiểm soát đời sống xã hội. Ông Al-Assad lần đầu tiên đưa ra một quyết định đi ngược lại quá trình cải cách chính trị đang hình thành.

Bốn năm sau, ông Al-Assad đã thành công trong việc đặt những người thân cận vào các chức vụ lãnh đạo quân đội và an ninh. Lực lượng an ninh chìm lần đầu tiên bị giảm bớt quyền lực. Nền kinh tế được nới lỏng khỏi các kiểm soát. Tuy nhiên, dự luật về chế độ đa nguyên chính trị, cũng như các dự án cải cách đã không được tiến hành. Các cải cách nho nhỏ được thực hiện thực ra chỉ là một số nhượng bộ nhằm củng cố sự thống trị của đảng cầm quyền. Tổng thống Syria lần thứ hai lỡ hẹn với cải cách.

Vào năm 2007, Syria bước vào giai đoạn sôi sục tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Ông Al-Assad trở thành một người đại diện cho các quyền lợi của thế giới Ả Rập. Theo Courrier International, đây là thời điểm lý tưởng để tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Nhưng một lần nữa tổng thống Syria đã không nắm lấy cơ hội dân chủ hóa, mà chỉ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không có sự tham gia của đối lập.

[...] Lần thứ năm này, ông Al-Assad cũng đã có cơ hội để đưa ra các cải cách triệt để ngay từ đầu cuộc phản kháng. Đáng lẽ ra, ông đã có thể trở thành người ủng hộ cho những thay đổi dân chủ và tiến hành đối thoại với những người biểu tình, thay vì bắn vào họ. Nhưng tổng thống Al-Assad đã không làm được điều này.
Trọng Thành

Không có nhận xét nào: