Quân đội Nhân dân

Báo Quân đội gọi báo lề trái là 'rác rưởi'

Báo QĐND nhận định blog không
phải một lực lượng báo chí
Cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng tiếp tục tấn công các blog cá nhân , gọi đây là 'chiến tranh thông tin theo kiểu du kích'.

Hai tuần sau khi có bài viết đả phá các trang thông tin trên mạng internet và các blog cá nhân đã 'Vô tình phát tán luồng gió độc', báo Quân đội Nhân dân đăng tiếp bài của tác giả Nguyễn Văn Minh tựa đề 'Báo chí lề trái hay là “rác rưởi" trên internet?'.


Nội dung của bài báo ra ngày Chủ nhật 31/07 tiếp tục chỉ trích việc mà báo này nói là "một số blogger để blog của mình thành nơi gây hại cho xã hội".

Cây bút Nguyễn Văn Minh viết một số người đã có sự phân chia "nguy hiểm" khi "tự xếp các trang web, blog phản động cũng là một lực lượng báo chí".

"Bằng hình ảnh ẩn dụ 'lề trái và lề phải', họ cho rằng, lực lượng này đối lập hoàn toàn với hệ thống báo chí Việt Nam và đang tiến hành một 'cuộc chiến tranh thông tin' theo kiểu 'du kích'.

Báo Quân đội Nhân dân nhận xét rằng nhiều trang blog cá nhân hiện nay đã có nội dung và trình bày không khác gì một tờ báo điện tử, thế nhưng với khung luật pháp hiện hành, chúng không thể được coi là báo điện tử.

"Luật pháp Việt Nam hiện chưa cho phép báo chí tư nhân. Các trang web, blog nói trên cũng không phải là cơ quan ngôn luận của một đoàn thể, lực lượng xã hội nào ở Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận thì không thể coi là hoạt động báo chí ở Việt Nam."

Vi phạm và xử lý

Trên thực tế, nhiều trang blog cá nhân nhất là các trang tổng hợp thông tin, hiện nay có số lượng truy cập khá đông đảo không thua kém nhiều báo điện tử chính thống loại nhỏ.

Tuy nhiên, với định nghĩa 'lề phải và lề trái' mà thực chất do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đưa ra, các trang blog cá nhân do không có cơ quan chủ quản nên được tự do đăng tải thông tin hơn.

Điều này, theo bài viết của Nguyễn Văn Minh trên Quân đội Nhân dân, nhiều khi đã bị lợi dụng và "một số trang web cá nhân, blog do vi phạm pháp luật đã bị xử lý".

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đặt tên cho khái niệm 'lề phải, lề trái'

Các vi phạm này được mô tả là: "Hầu hết các thông tin họ thu thập và đưa lên blog của mình đều gắn với tư tưởng bất mãn, giọng điệu hằn học. Không ít thông tin nhằm mục đích tuyên truyền chống phá Nhà nước".

Báo Quân đội Nhân dân nói "ở Việt Nam không ai bị hạn chế trong việc lập blog và thông tin cho báo chí", thế nhưng cũng như các quốc gia khác, "không ai có thể nhân danh tự do ngôn luận mà đưa thông tin xấu độc, gây hại cho xã hội và cộng đồng".

Báo này khẳng định, thông tin ngay cả trên các trang mạng cũng sẽ bị hạn chế nếu mang nội dung "kích động chống Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết toàn dân"; hay "tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định...."

Bài viết bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam siết chặt kiểm soát internet và đưa ra các dẫn chứng như nay Việt Nam có trên 27 triệu người sử dụng ineternet, Facebook đã có 3,5 triệu thành viên...

Tác giả Nguyễn Văn Minh khẳng định:"Cái gọi là "báo chí lề trái" thực chất chỉ là một thứ "rác rưởi" trên xa lộ thông tin toàn cầu internet".

Tuy nhiên bài báo cũng chưa đưa ra được giải thích thấu đáo cho sự thành công không thể không thừa nhận của nhiều trang mạng cá nhân, vốn cung cấp thông tin nhanh nhạy và tự do trong dòng chảy siết của thông tin toàn cầu.

Ngay cả những trang mạng bị tường lửa và ngăn chặn truy cập cũng vẫn thu hút lượng độc giả nhất định.

Việt Nam hiện là một trong mười quốc gia bị tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) liệt vào danh sách 'Kẻ thù của internet'.

Theo RSF, Việt Nam hiện giam giữ số lượng công dân mạng nhiều thứ hai thế giới, với 17 người hiện đang chịu án tù.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam bắt giữ các blogger, những người chỉ "chia sẻ quan điểm trên mạng internet một cách hòa bình".
Quân đội Nhân dân

Không có nhận xét nào: