Người Việt trồng cần sa bị bắt tại Pháp
Tiếp theo Ba Lan, Canada, Hoa Kỳ và Úc, lại thêm một vụ trồng cần sa của người Việt bị khám phá tại Pháp.
Cảnh sát Pháp đã phát hiện một khu trồng cần sa do người Việt điều khiển tại vùng La Courneuve hôm 08/2/2011. AFP photo
Tình cờ bị phát hiện
Thứ ba ngày 8 tháng 2 vừa qua, cảnh sát Pháp đã khám phá được một khu trồng cần sa qui mô do người Việt điều khiển.
Trong dịp truy tầm những người nhập cư bất hợp pháp tại vùng La Courneuve, thuộc thành phố Seine Saint Denis, ngoại ô Paris, nơi có nhiều dân ngoại quốc ở và nổi tiếng là vùng mất an ninh. Thật tình cờ, cảnh sát đã khám phá một ngôi nhà được xử dụng để trồng cần sa ở ngay trong khu may mặc của vùng này. Nông trại này có khoảng 700 cây cần sa được trồng trong chậu dưới ánh sáng nhân tạo và hệ thống tưới nước tự động.
Căn nhà được đóng bằng một loại cửa 2 lớp để ngăn mùi cần sa có thể lan tỏa ra ngoài. Chính vì loại cửa đặc biệt ở một khu dân cư nghèo này đã gây ra sự chú ý của cảnh sát. Thế nên, thay vì tìm được những « người sống bất hợp pháp », cảnh sát đã khám phá ra những « cây cần sa được trồng bất hợp pháp ».
Căn nhà 150 m² gồm 5 phòng được biến thành một nông trại trồng cần sa này có thể cho phép thu hoạch từ 800 kg đến một tấn cần sa mỗi năm. Giống cần sa này có thể thu hoạch 3-4 lần một năm. Mỗi lần thu hoạch có thể cho 1 tấn cần sa. Và như thế, mỗi năm thu nhập từ nguồn này có thể lên đến hơn 3 triệu euros.
Theo báo Paris Match, khi cảnh sát đột nhập vào thì có 1 người thoát chạy, nhưng đã nhanh chóng bị bắt lại, tổng cộng là 11 người bị bắt giữ, tất cả đều là người Việt Nam.
Đồng thời, cảnh sát cũng tìm thấy 24 kilo ma túy đã được chế biến xong.
Từ một vụ điều tra người nhập cư trái phép từ Việt Nam sang Anh mà 2 trạm đầu là Đức và Pháp, tình cờ cảnh sát đã khám phá ra một nông trại trồng cần sa với những hệ thống hiện đại.
Ông Christian Lambert
Trả lời báo chí và truyền hình, ông Christian Lambert, trưởng ban Trung tâm điều tra các đường dây Ma Túy cho biết :
"Từ một vụ điều tra người nhập cư trái phép từ Việt Nam sang Anh mà 2 trạm đầu là Đức và Pháp, tình cờ cảnh sát đã khám phá ra một nông trại trồng cần sa với những hệ thống hiện đại. Đây là 1 nông trại được đánh giá là chuyên nghiệp ở mức độ kỹ nghệ, thiết bị bởi 1 loại cửa 2 lớp để ngăn cản mùi cần sa lan tỏa ra ngoài.
Bước vào là nơi trồng cần sa. Kế tiếp là nơi dùng để chế biến cần sa và quản lý chất thải. Loại chất thải này rất độc hại cho sức khỏe của cư dân sống chung quanh.
Đây là một loại cần sa đã được thay đổi Gen để có thể tăng lượng cần sa thu hoạch lên đến 30% và hơn nữa.
Với 1 hệ thống trang bị hiện đại như vậy, chúng tôi đã lượng định là cần phải có 1 ngân khoản khoảng 400 ngàn euros. Được biết số tiền này được lấy từ tiền do đường dây tổ chức người nhập cư bất hợp pháp cung cấp."
Ai tổ chức trồng cần sa ?
Từ trước đến nay vẫn thường xuyên có những đường dây tổ chức đưa người từ Việt Nam theo nhiều ngõ đến Nga, sau đó sang Cộng hòa Czech, Ba Lan, Đức, từ đó đến Pháp. Những người này tập trung ở miền Bắc của nước Pháp, trốn trong rừng Téteghem, Grande Synthe, từ đó họ chờ đến đêm để « nhảy bãi » qua cảng Pas de Calais để sang Anh. Có khi họ phải chờ hàng tuần, hàng tháng trong những khu rừng lạnh lẽo này.
Cần sa trồng lậu bị cảnh sát phát hiện và chuyển lên xe tải ở La Courneuve (Seine-Saint-Denis) hôm 08/2/2011. AFP photo
Những người này đều là những người đi lậu, không giấy tờ, không hình ảnh, không có gì để chứng nhận xuất xứ của họ bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ đã xé hết tất cả giấy tờ mang theo để khi bị cảnh sát bắt thì sẽ không biết họ xuất xứ từ đâu mà trả về. Những người này ở Anh đều được gọi bằng một tên chung là " người rơm ".
Ký giả Huỳnh Tâm, người đã theo dõi và tiếp xúc với " người rơm " trong hơn hai năm qua cho biết những kinh nghiệm của ông như sau:
"Có những tổ chức môi giới tổ chức người trồng cần sa, chẳng hạn họ trồng cần sa ở Ba Lan, Đức, ở Anh .v.v….Họ đi như vậy thì phải tốn bao nhiêu tiền ? Thật tình đi như vậy họ không có tiền mà họ có gia sản. Họ cầm cái gia sản đó thế chấp tại một ngân hàng với cái giá là 15 ngàn hoặc 20 ngàn euros. Họ mới lấy số tiền đó họ đi.
Họ đi đường bộ từ Trung quốc rồi họ đi qua Nga rồi họ đi qua Tiệp khắc hay Ba lan, rồi họ mới tới Đức, tới Pháp rồi họ mới qua Anh.
Cái số người này muốn qua Anh thì họ phải ghé qua Pháp. Ghé qua Pháp thì họ không có chỗ để ở, bắt buộc họ phải ở rừng hay các jardin (vườn) ở Paris hay họ ngủ ở dưới hầm métro (xe điện ngầm) Paris. Hoặc là cũng có 1 tổ chức đưa người ở tập trung chẳng hạn 50 người , 30 người, 20 người ở Lognes chẳng hạn.
Tất cả những cái mà tôi mà tôi nói vừa rồi thì tôi tiếp xúc hết và đi tìm tới từng địa chỉ một và tiếp xúc họ thì mình mới hiểu được rất là nhiều.
Những người đi lao động bất hợp pháp đó, họ đi từ miền Bắc hay là giữa miền Trung và miền Bắc Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Phần đông là họ đi với chương trình lao động bất hợp pháp."
Qua những kinh nghiệm khi tiếp xúc với những người nhập cư bất hợp pháp, ký giả Huỳnh Tâm cho rằng nhóm người vừa bị bắt hôm thứ ba ( 8/2/2011 ) vừa qua tại La Courneuve cũng thuộc nhóm " người rơm " chứ không phải là người Việt tị nạn sinh sống lâu đời tại Pháp.
Ký giả Huỳnh Tâm nói :
"Tôi được nghe tin là ở banlieu ( ngoại ô ) Paris mình có bắt được 1 ổ trồng cần sa. Thực ra những người trồng cần sa này có thể cũng ở trong số người nhập cư bất hợp pháp trồng thôi."
Tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các tổ chức môi giới, mơ ước của những người rơm này là kiếm được một số tiền lớn trong thời gian ngắn nhất để có thể trả hết nợ nần và sau đó là giấc mơ đổi đời, nhưng con đường để thực hiện giấc mộng đổi đời ấy tràn đầy chông gai và cái giá phải trả thì vô cùng đắt.
Sau những chiến dịch dẹp sạch các lều trại trong rừng Téteghem và các vùng phụ cận. Con đường đến Anh quốc đã trở nên khó khăn và nhiều nguy hiểm nên các tổ chức trồng cần sa đã chuyển sang Đông âu và Tây Âu. Ông François Thierry - giám đốc trung tâm điều tra các đường dây Ma Túy tại Pháp- nói : " Do sự kiểm soát gắt gao các đường dây buôn bán ma túy của cảnh sát, hiện nay cần sa không chỉ được nhập từ nước ngoài mà còn được sản xuất tại chỗ ".
Nguồn :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét