Nam Giao

Libya về đâu ?


Trong tuần qua, những điểm nóng trên thế giới vẫn là Trung Đông và Bắc Phi. Tại Trung Đông cuộc cách mạng hoa lài vẫn còn ảnh huởng mạnh, tiếp tục nổ lớn tại Yemen, Syria, Jordan, Bahrain... tuy có khựng lại vì bị ảnh hưởng bởi cuộc biến động quân sự lớn tại Libya.
Làn sóng chống TT Saleh của Yemen càng ngày càng dữ dội. Biểu tình xảy ra khắp nơi. Tuần vừa qua, người ta ước tính có cả triệu người dân xuống đường. Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ngày càng trầm trọng hơn. Máu đã đổ quá nhiều, nhưng nhà độc tài Saled, vẫn cố đấm ăn xôi y như ông Gaddafi của xứ Libya, thề sẽ ở lại tới giọt máu cuối cùng.
Trong khi đó tại Syria, mặc dù nội các của chính phủ này đã từ chức, nhưng người dân vẫn đòi TT Assad phải ra đi, chấm dứt chế độ độc tài. Tình hình chính trị tại quốc gia này cũng đang rối ren như tơ vò. Biểu tình đã và đang lan tràn khắp nước, những vụ đàn áp dữ dội đã xảy ra. Cuộc diện biến chuyển khó lường. Thế nhưng, người ta tin rằng chính phủ độc tài của 2 quốc gia này trước sau cũng phải sụp đổ theo đà tiến của cuộc cách mạng Hoa Lài.
Người dân Jordan cũng đang nổi dậy, Bahrain vẫn chưa yên... nghĩa là Trung Đông và những cuộc nổi dậy liên tục của người dân vẫn chưa lung lay chế độ độc tài ở các nước này, nhưng trước sau người dân cũng sẽ chiến thắng, đó là sức mạnh quần chúng (people power). Điều mà cả thế giới sợ rối loạn nhất đó là quốc gia Saudi Arabia, một nước cung cấp “vàng đen” nhiều nhất cho cả thế giới tiêu dùng. Nếu xảy ra loạn lạc, đám khủng bố lợi dụng phá hoại làm ngưng trệ việc sản xuất dầu thô, thì giá xăng của thế giới sẽ vọt lên cao cỡ $10/gal. Chắc chắn kinh tế các nước kỹ nghệ sẽ suy sụp và cuộc chiến tranh năng lượng sẽ xảy ra ngay! Đó là lý do Hoàng Gia của xứ giàu có này đang ve vuốt người dân, mở kho giúp đỡ người nghèo và hứa hẹn sẽ cải tổ hệ thống cai trị.
LIBYA ĐI VỀ ĐÂU?
Điểm nóng nhất trên thế giới hiện nay vẫn là cuộc chiến tại LIBYA. Kể từ ngày 19-3-2011, chấp hành nghị quyết 1973 của HĐBA-LHQ, Liên Quân của NATO và Hoa Kỳ đã sử dụng hỏa lực hải quân và không quân rầm rộ oanh tạc, bắn phá các mục tiêu quân sự của quân đội Libya, để vô hiệu hóa hỏa lực của nhà độc tài Gaddafi, ngăn chận việc tàn sát thường dân, tính đến nay đã gần 3 tuần lễ với kết quả:
1) Vùng cấm bay đã được thiết lập. NATO và Hoa Kỳ đã làm chủ vòm trời Libya. Lực lượng không quân của Gaddafi hoàn toàn bị tê liệt, không một phi cơ quân sự nào của ông Gaddafi có thể cất cánh.
2) Sự thiệt hại về quân cụ, chiến cụ của Gaddafi được ghi nhận khoảng 30%. Về nhân mạng, chưa có con số chính xác, nhưng đài truyền hình của Libya loan tin hàng trăm người đã chết và bị thương, đa số là thường dân bị trúng hỏa tiễn Tomahawk và máy bay ném bom (?).
3) Phía Liên Quân không có thiệt hại về nhân mạng. Chỉ có một phản lực cơ F-15 của Hoa Kỳ bị rơi vì trở ngại kỹ thuật, phi công an toàn sau khi bung dù và được cứu thoát.
4) Về chiến phí của Liên Quân tốn khoảng $100 triệu đô mỗi ngày trong 2 tuần đầu, nhưng nay thì đã giảm, chỉ còn những phi vụ yểm trợ cho quân cách mạng và chận đứng quân của Gaddafi tiến đánh các thành phố sản xuất dầu hỏa do quân cách mạng trấn thủ, như Brega, Benghazi, Misrata và một số thành phố khác đang giao tranh ác liệt.
5) Sau chiến dịch Odyssey Dawn, để thực thi vòm trời cấm bay, duy trì các phi đội tuần tiễu, Liên Quân sẽ tốn khoảng từ $50 đến $75 triệu đô mỗi tuần.
Các diễn biến mới nhất về cuộc chiến Libya
1) Hoa Kỳ đã chuyển giao trận chiến Libya cho NATO năm ngày sau chiến dịch Odyssey Dawn mở màn. NATO đã bổ nhiệm tướng Charles Bouchard của quân đội Canada làm tư lệnh chiến trường. Chính giới thắc mắc, ngay cả các cựu tướng lãnh của Hoa Kỳ, cũng đặt dấu hỏi tại sao Hoa Kỳ không chủ động cuộc chiến này? Tại sao TT Obama lại có thái độ lừng khừng, bất nhất ngay từ khi Liên Hiệp Quốc họp bàn về cách thức đối phó Gaddafi trước tình trạng đàn áp đẩm máu người dân tại Libya? Các lời bàn chung chung được ghi nhận:
a) Obama đang phải đối đầu với nền kinh tế khó khăn. Tình trạng thất nghiệp vẫn còn chưa giải quyết. Đảng Cộng Hòa đang nỗ lực để khóa tay tổng thống về những chi tiêu và chuẩn chi vung vít.
b) Hai chiến trường tại Iraq và A Phú Hãn vẫn còn là gánh nặng, tốn kém tiền bạc, nhân mạng đã làm cho người Hoa Kỳ chán nản.
c) TT Obama bắt đầu vận động cho nhiệm kỳ hai (2012), sợ sẽ thất cử nếu sa lầy vào cuộc chiến Libya.
d)Và cuối cùng, một điều rất quan trọng, là sợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo, nhất là al Qeada sẽ lợi dụng cuộc cách mạng tại Libya để làm bàn đạp cướp chính quyền trong tương lai, hoặc ảnh hưởng mạnh trong chính phủ mới thì nguy to, “tránh vỏ dưa, đạp vỏ dừa”, coi như một đại họa cho sự nghiệp của TT Obama.
2) Chiến dịch Odyssey Dawn của Liên Quân thành công về mặt tiêu diệt hỏa lực chủ yếu về phòng không, làm tê liệt không quân. Nhưng thiếu sự có mặt của bộ binh, hoặc yểm trợ dân quân cách mạng về vũ khí, huấn luyện, do đó quân của Gaddafi vẫn còn đủ sức mạnh để tiến đánh các thành phố cảng do quân cách mạng nắm giữ khá dễ dàng. Các thành phố nơi xảy ra trận địa chiến cho thấy hoang tàn, đổ nát, người dân phải lánh cư, đói khổ, thiệt hại quá nhiều sinh mạng.
3) Mới đây, có tin quân của Gaddafi đã thay đổi chiến thuật hành quân bằng cách sử dụng xe dân sự, ngụy trang để tránh máy bay Liên Quân tiêu diệt. Cũng mới đây có nguồn tin cho biết lực lượng CIA của Hoa Kỳ đã bắt đầu liên lạc với dân quân cách mạng để nhận diện và tìm cách giúp đỡ, huấn luyện tân binh. Nguồn tin này, tuy chưa được Hoa Kỳ xác nhận, nhưng người ta cho rằng đáng tin cậy. Thế nhưng trong cuộc họp báo tại thành phố Benghazi, được coi là căn cứ địa của phe nổi dậy, ông Younes là một tướng lãnh đã từ bỏ chế độ Gaddafi, theo lực lượng cách mạng, cho biết họ đã cung cấp tin tức tình báo cho NATO ở những nơi đóng quân của phe Gaddafi, nhưng NATO hoạt động quá chậm chạp, để cho quân đội Gaddafi có thể trở tay kịp thời, làm thiệt hại nhân mạng quá nhiều. Một lãnh tụ khác của dân quân cách mạng, ông Hadi Shallup, cũng cho rằng NATO quá yếu. Ông chỉ tin vào sức mạnh vũ khí của quân đội Hoa Kỳ, và khẩn khoản cầu mong TT Obama ra tay mạnh hơn, chắc chắn đè bẹp ngay lực lượng Gaddafi, giải quyết vấn nạn đau khổ này của người dân Libya. Đội ơn Ameria!
4) Cũng trong tuần qua có tin nhà độc tài Gaddafi đã xuất ngoại, không còn có mặt ở Tripoli vì bịnh (?). Người con thứ hai của Gaddafi là Saif (40 tuổi) đã lên truyền hình tuyên bố thay thế cha làm tư lệnh, chống quân xâm lăng. Mặt khác đã gởi đặc sứ sang Anh quốc để đưa giải pháp ngưng bắn, qua chiêu bài sẽ xây dựng Libya với thể chế mới, tôn trọng tiếng nói của người dân. Thế nhưng, cũng mới đây, Phó Ngoại trưởng Khaled Qaim của Libya lại tuyên bố họ sẽ không chấp nhận những kế hoạch cải tổ chính trị do phía Hội Đồng Lãnh Đạo phe cách mạng ở Benghazi đưa ra là ngưng bắn có điều kiện, vì nhóm này phản quốc đã hợp tác với các nước Tây phương, chống lại Libya dưới chiêu bài bảo vệ thường dân. Ông tuyên bố người dân Libya sẽ không bao giờ để cho phe nổi dậy lãnh đạo quốc gia này vì họ đã rước Tây phương can thiệp vào nội bộ Libya -- cho rằng những tên phản bội này sẽ không bao giờ được tha thứ, và họ sẽ không thể nào tham dự trong các sinh hoạt chính trị của Libya. Được biết Ngoại trưởng của Libya, ông Mousa Koussa đã từ chức tuần trước và đang xin tỵ nạn chính trị tại Anh.
Nhìn chung, cuộc chiến tại Libya xem ra vẫn chưa đến hồi kết thúc. Người ta vẫn cho rằng, nếu LHQ không khéo léo giải quyết, quốc gia này sẽ lâm vào cuộc nội chiến đẫm máu. Cuộc chiến sẽ kéo dài, chiến phí kinh khủng, ảnh hưởng tới kinh tế của các quốc gia Âu châu.
Người ta cũng lo lắng vì sau 41 năm cầm quyền, ông Gaddafi đã xây dựng và ưu đãi các bộ lạc thiểu số, có tầm ảnh hưởng từ 20 tới 30% dân số trong tổng số 7 triệu người. Trong khi người con thứ hai của Gaddafi đang nắm giữ, điều hành một ngân khoản to lớn gần 100 tỷ dollars trong tay, có ảnh hưởng mạnh về mặt vận động các nước đang chống đối cuộc chiến Libya. Đây cũng là vài vấn đề nhức óc cho Hội Đồng Cách Mạng Libya và LHQ; chưa nói tới các thế lực khủng bố Hồi giáo cũng đang có mặt trong trận chiến này.
Chính giới, ngoài những phân tích về thái độ của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Libya, còn cho rằng quan niệm của TT Obama là giao vấn đề Libya cho Âu châu giải quyết vì nhu cầu năng lượng ưu tiên hàng đầu của họ. Và có thể là “không thể nào đóng vai trò cảnh sát quốc tế mãi được”.
Nam Giao

Không có nhận xét nào: