Bài tự bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011 của TS Cù Huy Hà Vũ
Kính thưa Quý Báo,
Tôi, Cù thị Xuân Bích kính nhờ Quý Báo cho đăng Bài tự bào chữa của anh trai tôi, TS luật Cù Huy Hà Vũ do hai luật sư Hà Huy Sơn và luật sư Vương Thị Thanh ghi chép và đánh máy lại hộ để TS Vũ tự bào chữa. Vì tất cả các luật sư phản đối chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đã vi phạm Điều 214 bộ luật Tố tụng nên đã bỏ ra về và vì vậy chưa đưa được cho TS Vũ.
Trân trọng cảm ơn Quý Báo,
Cù Thị Xuân Bích
Tôi là Cù Huy Hà Vũ yêu cầu như sau:
Tôi yêu cầu Luật Sư Hà Huy sơn và Luật Sư Vương Thị Thanh đánh máy lại quan điểm của tôi về vụ án đã được các luật sư ghi lại thành biên bản và chuyển thành bản tự bào chữa của tôi.
BẢN TỰ BÀO CHỮA CỦA ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ
TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI XÉT XỬ VỤ ÁN
“CÙ HUY HÀ VŨ TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM”
Thưa hội đồng xét xử.
Tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định, tôi không phạm tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN như viện kiểm sát nhân thành phố Hà Nội cáo buộc như chứng minh sau đây:
1/ Về bài “ Đa Đảng” mới chống được lạm quyền:
Chứng cứ này không chứng minh được tôi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nội dung nào của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp định nghĩa tại Điều 2 (Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất (vì chỉ có một chủ nhân là nhân dân, thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp). Câu hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng Ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ Ngân sách Nhà nước cho những việc thậm chí là Maphia… để có được chế tài đối với những kẻ cướp ngày… thì tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định: Cách duy nhất là phải có chế độ “Đa Đảng” tại Việt Nam là để nói tới tình trạng rất phổ biến hiện nay là Chính quyền địa phương ở hầu hết các tỉnh dùng Ngân sách Nhà nước để huy động Công an và các lực lượng khác cưỡng chế lấy đất của dân một cách trái pháp luật (Ví dụ: vụ Phú La – Hà Đông, vụ Nhà ga T2 – cảng Hàng không – Nội Bài, Dự án đường 2,5 quận Hoàng Mai, vụ bà Dương Thị Kính ở 255/6/27 Ngô Tất Tố – quận Bình Thạnh – thành phố Hồ Chí Minh, vụ Cồn Dầu ở Đà Nẵng…)
2/ Tôi không gây thiệt hại cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hề có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự.
Khoản 1, Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Nguyên đơn dân sự là các cá nhân, Cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Khoản 4, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Khi điều tra truy tố và xét hỏi vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ khi nào Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được tham gia tố tụng với tư cách nguyên dân sự thì các Cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ để xác định tội phạm. Nói cách khác, không có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong vụ án này thì không có tội phạm. Tôi cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham gia tố tụng với tư cách đại diện cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 101 Hiến pháp 1992 trong vụ án này với tư cách bên bị thiệt hại (Văn bản do luật sư Nguyễn Thị Dương Hà chuyển). Tuy nhiên cho đến nay Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã không hề hồi âm về đề nghị trên của tôi và điều này càng chứng tỏ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không bị thiệt hại và vì vậy không liên quan đến hành vi buộc tội tôi của các Cơ quan tiến hành tố tụng.
3/ Tôi không hề có hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Thực vậy, yếu tố cấu thành tội trên là “hành vi tuyên truyền”. Đại từ điển tiếng Việt – NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2007 định nghĩa: Tuyên truyền như sau: Vận động mọi người làm theo. Thế nhưng trong các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu trong Cáo trạng không hề có nội dung “Vận động mọi người làm theo”. Nói các khác tôi chỉ nêu quan điểm của cá nhân tôi về những vấn đề mà cá nhân tôi quan tâm. Pháp quyền không có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong vụ án này thì không có tội phạm. Tôi cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2007 định nghĩa: Tuyên truyền như sau: Vận động mọi người làm theo: Thế nhưng trong các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu trong Cáo trạng không hề có nội dung “Vận động mọi người làm theo”. Nói cách khác tôi chỉ nêu quan điểm của cá nhân tôi về những vấn đề mà cá nhân tôi quan tâm.
4/ Các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi không hề có nội dung chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2, Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2011) ghi: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất (vì chỉ có một chủ là nhân dân), có sự phân công và phối hợp giữa các Cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, theo Hiến pháp 1992 (Sửa đổi bổ sung 2011) thì Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi các nội dung:
• Pháp quyền
• Của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
• Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
• Quyền lực Nhà nước là thống nhất ( chỉ có một chủ là nhân dân)
• Thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp.
Tất cả các bài phỏng vấn, bài viết của tôi mà Cáo trạng nêu ra không hề có nội dung chống lại bất kỳ nội dung nào của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp định nghĩa như trên đã nêu.
Không những thế, trong tất cả các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi, tôi quyết liệt bảo vệ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nội dung đã được Hiến pháp xác định bằng cách chống lại các hành vi xâm hại Nhà nước từ phía nhà cầm quyền:
Trong bài “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn tôi, tôi lên án hành vi vi pháp quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc ra quyết định cho khai thác Boxit tại Tây Nguyên bất chấp Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, dẫn đến môi trường bản sắc văn hóa của đồng bào Dân tộc ở Tây Nguyên và Quốc phòng an ninh Quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
Tôi phê phán hành vi phi pháp quyền của Đảng cộng sản Việt Nam khi Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo Nhà Nước trong đó có Quốc hội, tức Đảng tự đặt mình lên trên cả Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp;
Trong bài “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân” do tôi viết, tôi lên án việc Văn phòng Chính phủ (Cơ quan hành pháp, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng), Tòa án nhân dân Tối cao (Cơ quan pháp tư pháp), Ủy ban tư pháp Quốc hội (Cơ quan lập pháp có trách nhiệm giám sát thi hành luật pháp và tư pháp) đã từ bỏ chức năng, quyền hạn của một số công dân trú tại khu tập thể Văn phòng Chính phủ số 02 Thụy Khuê, Hà Nội bị triệt tiêu. Cụ thể là Văn phòng Chính phủ, đã lờ đi, không giải quyết đơn khiếu nại của các công dân nói trên về việc họ không được Văn phòng Chính phủ tái định cư sau khi giải tỏa nơi ở của họ theo luật định. Tiếp đó đơn khiếu kiện hành chính của các công dân này bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao lờ nốt không thụ lý.
5/ Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến những quan điểm của tôi về Đảng Cộng sản Việt Nam về Chủ nghĩa Marx – Lê Nin, về “Đa đảng” thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tố tụng trên đã dẫn ra các bài:
• Bài “Phải Đa đảng mới chống được lạm quyền” tôi trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do (RFA);
• Bài “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” tôi trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA);
• “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” tôi trả lời phỏng vấn (VOA);
• Phóng viên Trâm Oanh (Cộng hòa Liên bang Đức) phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ;
để làm chứng cứ buộc tội tôi. Tuy nhiên, những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa Marx – Lê nin, về Đa đảng không phải là tội phạm với những căn cứ sau:
Một là, cũng như bất cứ đảng phái nào khác, Đảng cộng sản Việt Nam không phải là nhà nước nên những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam không thể là hành vi chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hai là, chủ nghĩa Marx – Lê Nin không phải là nhà nước;
Ba là, Đa đảng không phải là nhà nước. Cũng cần khẳng định rằng Đa Đảng là hoàn toàn hợp pháp ở Việt Nam. Thực vậy, ngay chính Đảng cộng sản Việt Nam cũng sinh ra từ Đa Đảng, cụ thể là được thành lập trên cơ sở hợp nhất của An nam cộng sản và Đông Dương Cộng sản đảng theo đề xướng của Nguyễn Ái Quốc (sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh). Trên thực tế khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, song song tồn tại với Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Thực tế này cũng được Hiến pháp 1980 khẳng định khi ghi “Các chính đảng” tại Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ điển bách khoa Việt Nam – hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam do Thủ tướng Phạm văn Đồng làm chủ tịch danh dự ghi rõ ở mục từ “Đa đảng”; “Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập 1944) và đảng Xã hội Việt Nam (thành lập 1947) đều do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập”.
Như vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiểu biểu về Đa đảng. Chủ tịch Quốc hội, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ (2010) đã khẳng định: “tôi không phản đối Đa đảng”. Quan điểm này của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không những hoàn toàn phù hợp với thực tế ở Việt Nam như trên đã nói mà còn hoàn toàn phù hợp với thực tế quan hệ ngoại giao ở Việt Nam với các nước trên thế giới. Thực vậy, tuyệt đại đa số (98%) các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thực hiện chế độ Đa đảng. Nói cách khác, nếu Việt Nam phản đối Đa đảng thì sẽ bị rơi vào cô lập tuyệt đối trong sinh hoạt thực tế. Tóm lại, phản đối Đa đảng hay coi yêu cầu Đa đảng là tội phạm dứt khoát là hành vi chống lại Hiến pháp Việt Nam, chống lại chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam.
Như vậy, việc Cơ quan An ninh Điều tra – Công an nhân dân thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã dẫn ra những quan điểm của tôi về Đảng cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa Marx – Lê Nin, về Đa đảng để làm chứng cứ buộc tôi vào “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” là hoàn toàn phi lý, chẳng khác nào “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như cách nói của dân gian.
6/ Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nôi cố ý biến việc tôi thực hiện quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được Hiến pháp bảo hộ thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên đã dẫn văn bản “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân, cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” mà tôi đã gửi Quốc hội vào 8/2010 để làm chứng cứ buộc tội tôi. Tuy nhiên, việc làm này của Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội là hoàn toàn phi pháp vì không ai có quyền lấy kiến nghị của công dân gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chứng cứ buộc tội công dân bởi kiến nghị là quyền của công dân được luật pháp bảo hộ tại Điều 53. Điều nghiêm trọng là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Văn Khanh đều là đại biểu quốc hội mà lại chỉ đạo thực hiện hành vi phi pháp này, điều này cho thấy các đại biểu quốc hội không thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân chừng nào họ đồng thời là người của cơ quan hành pháp hoặc của cơ quan tư pháp.
Do đó cách duy nhất để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ là phải chấm dứt tình trạng “ba trong một”, tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay phải thực hiện “tam quyền phân lập”. Nói cách khác phải chấm dứt chế độ đại biểu quốc hội kiêm nhiệm để chỉ thực hiện chế độ đại biểu quốc hội chuyên trách ngay từ Quốc hội khóa tới (khóa 13). Cụ thể là, người của cơ quan hành pháp hay tư pháp trúng cử Đại biểu quốc hội thì chức năng hành pháp hay tư pháp của họ phải bị đình chỉ cho đến khi nào họ không còn thực hiện chức năng đại biểu quốc hội và nữa và ngược lại, đại biểu quốc hội nào được bầu hoặc được bổ nhiệm vào các cương vị hành pháp hay tư pháp thì chức năng hành pháp hay tư pháp của họ phải bị đình chỉ cho đến khi nào họ không còn đảm nhiệm cương vị hành pháp hay tư pháp nữa, tất nhiên là trong khuôn khổ nhiệm kỳ quốc hội.
7/ Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, cố ý biến việc tôi tố giác tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng thành tội phạm.
Thực vậy, hai cơ quan tố tụng trên của thành phố Hà Nội đã dẫn bài “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội” do tôi viết và được trang thông tin điện tử Bauxite Việt Nam đăng tải. Trong bài này tôi tố giác công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã bắt giam bà Trần Khải Thanh Thủy trái pháp luật dựa trên phân tích các thông tin do chính công an quận Đống Đa cung cấp cho báo chí. Như vậy lẽ ra công an quận Đống Đa, công an thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải làm rõ những dấu hiệu tội phạm mà tôi đã nêu thì ngược lại Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội lại biến việc tôi tố giác tội phạm thành tội phạm. Nói cách khác là hành vi trên của hai cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tố giác tội phạm của công dân hay nói thẳng ra là hành vi bao che tội phạm. Ngoài ra, Cơ quan an ninh điều tra thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đã vu khống tôi khi cho rằng việc tôi tố giác tội phạm nói trên của công an quận Đống Đa là hành vi “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”. Thực vậy, công an nói chung, công an quận Đống Đa nói riêng không phải là chính quyền. Từ điển bách khoa Việt Nam – Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch danh dự – định nghĩa “Công an” là “lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự chung của một nhà nước”. Nhân đây cũng phải phân biệt rõ nhà nước với các cơ quan cấu thành bộ máy nhà nươc. Nhà nước được xác lập bởi những nguyên tắc, bộ máy nhà nước được được xác lập bởi những cơ quan và con người cụ thể. Những cơ quan nhà nước và các cá nhân nào trong các cơ quan này đều có thể có những hành vi phạm tội, thậm chí chống lại chính nhà nước mà họ có nghĩa vụ phải phục vụ.
Nhân đây, tôi sẵn sàng làm việc với cơ quan điều tra về vụ án bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích để không làm oan người vô tội.
8/ Cơ quan an ninh điều tra – công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến việc tôi thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp được Hiến pháp và Công ước quốc tế về các quyền về dân sự và chính trị 1966 bảo hộ thành tội phạm.
Thực vây, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) quy định; “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”; Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 mà Việt Nam là thành viên quy định tại khoản 1 “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” (Luật ký kết gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 6: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước Quốc tế”). Như vậy, việc tôi viết các bài để đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và việc tôi trả lời phỏng vấn của báo chí trong hay ngoài nước chính là thực hiện quyền tự do ngôn luận và giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp được luật pháp bảo hộ.
9/ Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cố ý biến việc tôi thực hiện “quyền được thông tin” được Hiến pháp bảo hộ thành tội phạm.
Hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội đã dẫn ra các bài:
• “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, ví tôi như liệt sỹ Phạm Hồng Thái đánh bom kẻ cầm quyền;
• “Phải Đa đảng mới chống được lạm quyền” do Đài Á Châu Tự do (RFA) phỏng vấn tôi;
• “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” do Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn tôi;
• “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từng khởi kiện Thủ tướng đã yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” do Đài tiếng nói Hoa Kỳ phỏng vấn tôi;
• “Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ” để làm chứng cứ buộc tội tôi.
Trước hết, phải khẳng định rằng tôi không “làm ra” các tài liệu này. Ngoài bài “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” là của tác giả Nguyễn Thanh Ty như hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội đã thừa nhận thì tác giả của các bài phỏng vấn không phải là tôi mà là người phỏng vấn tôi, cụ thể ở đây là Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á Châu Tự do (RFA), phóng viên Trâm Oanh (Cộng hòa Liên Bang Đức). Thực vậy, đại từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2007 định nghĩa “Phỏng vấn” là “Hội ý kiến một nhân vật nào về một vấn đề được nhiều người quan tâm để công bố lên đài, báo”. Như vậy, đứng ở góc độ của Cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thì họ chỉ có thể quy cho tôi hành vi “Tàng trữ tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Thế nhưng, sự quy kết này của hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên của thành phố Hà Nội là hoàn toàn trái “Quyền được thông tin” được Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) bảo hộ tại Điều 69 như đã đề cập ở trên. Điều 146 Hiên pháp quy định: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.
Tóm lại, việc Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quy kết tôi phạm tội do đã có hành vi “Tàng trữ” các tài liệu mà hai cơ quan điều hành tố tụng này đã dẫn ra là hoàn toàn trái với “Quyền được thông tin” của công dân được Hiến pháp bảo hộ và do đó là hành vi xâm phạm Hiến pháp. Nói cách khác, với “Quyền được thông tin” của công dân được Hiến pháp bảo hộ, tôi có quyền tìm kiếm và lưu trữ bất cứ thông tin, tài liệu nào mà tôi quan tâm, huống hồ những thông tin, tài liệu liên quan đến tôi, mà không bị ai can thiệp.
10/ Cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Hà Nôi, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy nã tư tưởng, điều mà pháp luật nghiêm cấm.
Hai cơ quan tiến hành tố tụng trên của thành phố Hà Nội đã dẫn các bài:
• “Bàn về Đảng cầm quyền” với ghi chú “Vũ viết chưa xong”;
• “Đường sắt cao tốc Bắc – Nam – Dự án tham nhũng” với ghi chú “Vũ trả lời phỏng vấn Đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên Đài VOA chưa đăng tải. Tài liệu này Vũ lưu giữ trong máy tính xách tay, USB”.
để làm chứng cứ buộc tội tôi. Thế nhưng hai tài liệu này chưa được “làm ra”. Thực vậy, ghi chú của hai cơ quan tiến hành tố tụng “Bài Bàn về Đảng cầm quyền”, “Vũ viết chưa xong” đã nói rõ điều này. Cũng như vậy, ghi chú của hai cơ quan tiến hành tố tụng “Bài đường sắt Cao tốc Bắc – Nam – Dự án tham nhũng”, “Vũ trả lời phỏng vấn Đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên Đài VOA chưa đăng tải” đã cho thấy bài phỏng vấn này chưa được “làm ra” vì chưa được công bố.
Có thể ví những bài viết, bài phỏng vấn nói trên như cái thai còn nằm trong bụng mẹ, hay nói cách khác là chưa ra đời. Vậy một khi chưa ra đời thì cái thai không thể bị quy kết là gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, buộc cái thai phải ra khỏi lòng mẹ mà không có sự đồng ý của người mẹ chỉ có thể là tội ác. Cũng như vậy, việc Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cưỡng đoạt những tài liệu lưu trữ trong máy vi tính xách tay mà tôi sử dụng để quy kết tôi đã làm ra các tài liệu ấy chỉ có thể là hành vi tội ác.
Với chứng minh trên, tôi yêu cầu Hội đồng Xét xử tuyên tôi không phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” và ngay lập tức trả tự do cho tôi.
Cảm ơn Hội đồng xét xử đã chú ý lắng nghe.
Cù Huy Hà Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét