Đoàn Xuân Kiên

Thưa toàn thể quý Bạn Đọc

Từ ngày 17/08/2007, ông Nguyễn Minh Cần (NMC) đã cho phổ biến trên mạng Đàn Chim ViệtVietnam Review [*] bài viết có tựa đề “Vài lời cùng các bạn tranh đấu vì tự do, dân chủ ở nước ta”. Bài viết nói trên có mục đích biện hộ cho một chọn lựa có tính cách cá nhân ông, nhưng lại có một số phát biểu liên quan đến Thông Luận, cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Thay mặt Ban Biên Tập, ở cương vị Chủ nhiệm báo điện tử Thông Luận, chúng tôi cần lên tiếng để trình chính cùng quý bạn đọc và quý thân hữu cộng tác viên.
Trước tiên, xin phép nhắc đến hai điều có tính cách nguyên tắc chỉ đạo công việc của chúng tôi như sau:
1-
Là một tổ chức chính trị dựa trên tiêu chí hoạt động lương thiện, trí tuệ và lí tưởng cao đẹp, chúng tôi từ chối tác phong giảo hoạt, tâm lí độc tài. Văn hoá tổ chức đã gắn kết tập thể chúng tôi trong nền nếp và phong thái sinh hoạt mà chúng tôi có quyền tự hào. Ông NMC đã nhầm lẫn giữa quan hệ với một số cá nhân thành viên và quan hệ với tổ chức khi đưa ra một số phát biểu hoàn toàn sai lạc về Thông Luận dựa trên quan hệ cá nhân, dù là cá nhân người lãnh đạo Tập Hợp.
2. Là cơ quan ngôn luận, tập thể Ban Biên Tập Thông Luận đã liên tục rèn luyện bản thân để tự nâng cao kĩ thuật, quan điểm, và đạo lí của công tác truyền thông. Chúng tôi từ chối lối làm việc cẩu thả thiếu tính chuyên nghiệp. Đây là phần việc chuyên môn hãy còn khá xa lạ với sinh hoạt truyền thông của người Việt hiện nay. Số lượng các cơ quan truyền thông như thế chưa phải là nhiều. Kết quả cụ thể là phẩm chất các mặt của bài vở trên Thông Luận càng ngày càng được tăng cường. Khối lượng bạn đọc ngày càng tín nhiệm và đến với Thông Luận đã là những phần thưởng quý giá nhất dành cho Ban Biên Tập chúng tôi.
Trở lại bài viết của ông NMC, xin thưa ngay là bài viết này là kết cục tất yếu của một diễn trình tâm lí cá nhân ông NMC trong thời gian sau khi ông viết “lá thư dài” phê phán tác giả bài viết “Thời điểm của một xét lại bắt buộc” và gửi riêng cho ông Nguyễn Gia Kiểng. Khi lá thư dài đó được thay đổi chút ít để trở thành bài viết “Một số vấn đề của phong trào”, đích thân chúng tôi đã quyết định chuyển bài viết ấy đến bạn đọc trong khuôn khổ cuộc thảo luận nghiêm túc và quan trọng cùng trong thời gian này. Chúng tôi làm thế chỉ là thể hiện tinh thần làm việc mà chúng tôi đã thưa ngay tại lời giới thiệu đặt ở đầu bài viết của ông NMC. Có lẽ ông NMC không thể bảo là Thông Luận “không trong sáng” khi chọn đăng bài của ông. Ông NMC lại không thể bảo là Thông Luận “không trong sáng” trong suốt cuộc thảo luận này, chỉ vì có những phân tích rất nghiêm túc và sâu sắc của các tác giả khác đóng góp vào cuộc thảo luận. Phương châm của Thông Luận trước nay vẫn là một: một diễn đàn ngôn luận rộng mở trên tinh thần đa nguyên, “không có ý kiến nào cấm nêu ra, không có vấn đề nào cấm bàn đến”. Trên diễn đàn Thông Luận chỉ không thể có chỗ đứng cho những thái độ khinh miệt con người, hay bất cứ thái độ bạo động ngôn ngữ nào.
Cứ sự thường thì khác biệt ý kiến là chuyện phải có trong thảo luận nghiêm chỉnh. Tiếc thay, ông NMC chỉ thấy là cuộc thảo luận chung quanh bài “Thời điểm của một xét lại bắt buộc” đã không như ông dự kiến, và đã chọn giải pháp là buông lời không sát với sự việc “như nó là”.
Từ khi mời gọi bạn đọc tham gia cuộc thảo luận về bài viết “Thời điểm của một xét lại bắt buộc”, Thông Luận đã nhận được 17 bài, chúng tôi đã chuyển 15 bài đến bạn đọc khắp nơi, chỉ gác lại hai bài: một của ông Hoàng Tiến vì lí do thuần tuý nghề nghiệp dựa trên hai tiêu chuẩn mà chúng tôi trình bày ở trên, và một bài của một bạn viết khác cũng ở trong nước, chỉ vì phần lớn nội dung trùng lặp với một bài đăng trước của cùng tác giả. Thế thôi. Không thể bảo là có hiện tượng khuất tất trong lề lối làm việc của Thông Luận.

Hẳn nhiên là khi đưa bài lên trang Thông Luận, chúng tôi phải thận trọng trong việc biên tập. Ngay chính bài viết của ông NMC cũng phải qua thông lệ này. Bạn đọc có thể kiểm chứng qua đối chiếu văn bản bài viết của ông NMC trên trang Thông Luận và cùng bài viết ấy trên các trang mạng khác. Đây là một công việc thuộc về lương tâm nghề nghiệp thôi.
Vì thế, chúng tôi không tán thành lời phê phán của ông NMC liên quan đến một bài kí tên Nguyễn Bách Niên (NBN). Ông kê khai tỉ mỉ một số chi tiết trong bài để đi kết luận là Thông Luận đăng bài của công an. Nói về thái độ thận trọng của ban biên tập Thông Luận thì chính ông NMC cũng đã biết qua rồi, và cũng đã ghi nhận trong bài của ông rồi. Chúng tôi chỉ cần nói thêm rằng: (1) Chúng tôi có đủ yếu tố để bác bỏ toàn bộ lời phê phán hoàn toàn dựa trên suy đoán chủ quan cá nhân của ông NMC về một người kí tên là Nguyễn Bách Niên; (2) Vì thế chúng tôi nghĩ rằng những phê phán của ông vô tình hay cố ý rơi vào thái độ kẻ cả, gia trưởng. Sự nghiêm túc và thận trọng chỉ là những đức tính cần thiết trong chức nghiệp của tất cả những ai muốn làm việc đứng đắn, không phải là độc quyền của riêng ai. Từ vội vàng hấp tấp đến quy chụp chỉ có một khoảng cách rất ngắn. Đó là chưa tính đến chuyện này: vì hăng say phê phán người khác, ông đã mất cảnh giác để trình cho công an một số thông tin mà đáng lẽ với kho kinh nghiệm đấu tranh của bản thân ông không thể khinh suất như đã làm trong bài viết này.
Thông Luận trước nay vẫn quý mến cây bút Nguyễn Minh Cần qua tấm lòng thiết tha của ông đối với sự nghiệp dân chủ hoá nước nhà. Tuy thế, bài viết “Một số vấn đề của phong trào” và tiếp đến là bài “Vài lời cùng các bạn tranh đấu vì tự do, dân chủ ở nước ta” đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm lớn. Đáng tiếc. Nhưng đấy cũng là chuyện thường tình vẫn thường thấy xảy ra trên hành trình dài và gian khó của sự nghiệp vận động dân chủ hoá nước nhà suốt hơn ba mươi năm qua. Thái độ của chúng tôi vẫn là: luôn hướng về phía trước. Và đi tới. Trong cái dòng thác quần chúng ấy, mỗi chúng ta chỉ là những cá nhân góp vào sự nghiệp chung mà thôi.

Đoàn Xuân Kiên
Chủ nhiệm e-Thông Luận
© Thông Luận 2007
[*] Vietnam Review đã lấy bài của ông NMC xuống từ hôm 19/08/2007. (Phạm Đỉnh)
Là cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Thông Luận đã và đang tích cực góp phần mình vào công cuộc vận động chuyển hoá dân chủ cho đất nước thông qua việc thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc và bằng phương thức bất bạo động. Từ hơn hai mươi năm nay, Tập Hợp vẫn thuỷ chung với lí tưởng trên, và mỗi thành viên vẫn hằng ngày sống và làm việc như thế.

Không có nhận xét nào: