BBC

Vinashin chính thức bị kiện
Nợ và tài sản của Vinasin đang được chuyển
về các tập đoàn khác trong nỗ lực cơ cấu nợ.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Vinashin cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con tại Việt Nam vừa bị khởi kiện tại tòa ở London.

Đơn kiện được Tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm nhận và mở hồ sơ ngày 01/11/2011, một viên chức tại tòa xác nhận với BBC Việt ngữ sáng ngày 08/11.
Viên chức này cho biết thêm nội dung đơn kiện đang ở dạng được giữ kín và sẽ được công bố chi tiết ngay khi bên bị đơn xác nhận việc bị khởi kiện.

Phần tóm lược đơn kiện số 11-1296 mà BBC Việt ngữ đọc được cho thấy bên nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. và bị đơn gồm 22 công ty với Vinashin đứng đầu danh sách bên bị.

Hàng loạt tổng công ty công nghiệp tàu thủy thuộc diện công ty con của Vinashin như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Hạ Long, Dung Quất, Nha Trang ... đều có tên trong đơn kiện.

Giới quan sát cho rằng đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đôla Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với khoản trả lần đầu 60 triệu đôla đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán.

Mặc dù tài sản của Vinashin nằm tại Việt Nam, đơn kiện được gửi tới tòa tại Anh vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh.

Vào ngày 17/10/2011, debtwire.com, trang chuyên về tin tức và phân tích về thị trường nợ có bài đăng trên Financial Times đánh giá việc một trong các chủ nợ của Vinashin có động thái khởi kiện có thể tạo thêm khủng khoảng cho nỗ lực tái cơ cấu nợ của tập đoàn Vinashin.

Bấm Bài báo cho biết Elliott Advisors, quỹ đầu tư dạng hedge fund, hồi đầu tháng Mười tỏ ý sẽ khởi kiện để truy thu lãi cho vay và nợ gốc.

"Vụ kiện Vinashin có thể nhấn chìm một đề xuất từ chính phủ Việt Nam, vốn trình bày trước các chủ nợ vào tháng Mười nhằm để đảm bảo khoản vay 600 triệu đôla được giữ ở hình thái nợ được tái cơ cấu.

“Đề xuất của Vinashin bao gồm hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là trả bằng tiền mặt 35% mệnh giá nợ,

“Lựa chọn thứ hai là hoán đổi hợp đồng vay 600 triệu đôla đáo hạn cho tới hết năm 2015 thành hợp đồng vay mới có thời hạn 13 năm được chính phủ bảo lãnh, trả nguyên nợ gốc nhưng không trả lãi”, bài báo cho hay.

Đơn phương khởi kiện

Chính phủ Việt Nam vào năm 2007 viết thư ủng hộ để Vinashin có thể vay được tiền nhưng không nói hẳn là Hà Nội bảo lãnh cho khoản vay này (trả trong 10 lần, 60 triệu đôla/lần trong giai đoạn 2010 tới 2015).

Trả lời BBC tiếng Việt vào tháng Sáu năm nay, ông Dominic Scriven, nhà đầu tư có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, mô tả điều ông gọi là "việc người ta bắt chính phủ Việt Nam phải trả nợ thay Vinashin thì không hẳn là hợp lý lắm". (Xem video bên phải)

Trở lại bài báo từ debtwire.com, bài này nhận định trong trường hợp Elliott khởi kiện, Vinashin sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc nộp đơn xin bảo hộ theo luật Việt Nam hoặc tìm kiếm sự công nhận từ tòa án quốc tế.

Được biết hồi tháng Sáu Elliott lúc đầu đã mời các chủ nợ khác để tham gia kế hoạch kiện Vinashin tại London nhưng sau đó đổi ý để đơn phương khởi kiện, một bước được xem là động thái không muốn chia tiền với các chủ nợ khác nếu thắng kiện theo phán quyết của tòa tại Anh.

Hồi tháng Năm, trang debtwire.com có bài phân tích về các bước chủ nợ có thể tiến hành với Vinashin.

Bấm Bài viết trích dẫn luật sự nhận định "trong khi phán quyết ở nước ngoài khó có thể thi hành tại Việt Nam, nơi Vinashin có tài sản, thì giới chủ nợ có thể can thiệp hoặc thậm chí giữ các khoản tiền chuyển khoản ở nước ngoài hoặc giữ thư tín dụng".

"Về cơ bản các chủ nợ có thể khiến Vinashin không thể nào kinh doanh được ở nước ngoài," bài viết cho biết.

Vinashin, tập đoàn bên bờ vực phá sản, đã và đang được tái cơ cấu theo hướng chuyển một số tài sản, dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines).

Chín quan chức cao cấp của Vinashin bị đề nghị truy tố vào tháng Chín năm nay sau khi công an Việt Nam mô tả là đã hoàn tất điều tra giai đoạn một.

Giới quan sát nhận định bê bối Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam trước giới tài chính quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/11/111105_vinashin_court_case_filed.shtml

Công an đề nghị truy tố lãnh đạo Vinashin
Vinashin được sự hậu thuẫn mạnh từ
Chính phủ và các cơquan của Đảng.
Chín quan chức cao cấp của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị đề nghị truy tố sau khi công an Việt Nam nói hoàn tất điều tra giai đoạn một tại tập đoàn nhà nước lớn thứ hai đất nước.

Truyền thông nhà nước đưa tin thiệt hại trong vụ án được mô tả là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế” là khoảng hơn 900 tỷ VND (khoảng 43 triệu USD).

Chín quan chức của Vinashin bị buộc tội mua ba tàu cũ mà không có sự chấp thuận của chính phủ và mua sắm thiết bị lạc hậu để đầu tư hai nhà máy nhiệt điện.

Báo chí trong nước cho hay cơ quan điều tra Việt Nam hiện đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác tại Tập đoàn Vinashin cũng như hành vi tham ô tài sản.

Vinashin, tập đoàn bên bờ vực phá sản vào năm ngoái, đã và đang được tái cơ cấu theo hướng chuyển một số tài sản, dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines).

Bấm Báo cáo của Tranh tra Chính phủ hồi tháng Sáu năm nay ghi nhận nợ phải trả của Vinashin là 96.700 tỷ VND (4.6 tỷ đôla), cao hơn mức 85.000 tỷ VND (4 tỷ đôla) đưa ra trước đây.

Thanh tra Chính phủ trong báo cáo này cảnh báo tập đoàn sẽ phải trả thêm hàng trăm triệu đôla tiền phạt hủy hợp đồng.

Vinashin được chính phủ cho nhận 750 triệu đôla, là toàn bộ khoản tiền có được từ lần phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên, và chính phủ đã viết thư ủng hộ Vinashin đi vay 600 triệu đôla từ 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoai.

Trong số này có Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và quỹ đầu tư dạng hedge fund là Elliott Advisers Ltd.

Tất cả các hãng đánh giá tín nhiệm như Investors Service của Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong những tháng gần đây, đa phần do các vấn đề tại Vinashin.

'Đề án thí điểm'
Công an Việt Nam nói sẽ còn điều tra
những sai phạm khácở Vinashin
Chính phủ sau đó tuyên bố không trả nợ thay cho Vinashin khi tập đoàn đến hạn mà không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ.

Giới quan sát nước ngoài bấy lâu nay xem Vinashin kể như dự án với ý đồ riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Một số tiếng nói trong nước muốn ông Dũng phải nhận lãnh trách nhiệm đầy đủ hơn về sự đổ bể của tập đoàn quốc doanh này, bao gồm cả đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên đề nghị này đã bị bác bỏ và ông Dũng xin lỗi về vai trò của mình trong việc quản lý yếu kém của Vinashin tại một phiên chất vấn ở quốc hội được truyền hình trực tiếp.

Đáng chú ý là kết luận của cuộc điều tra mới nhất, cũng như kết luận của Thanh tra chính phủ hồi giữa năm nay và năm ngoái đều khẳng định điều họ gọi là Vinashin “đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ hồi tháng Sáu nói về “hàng loạt sai phạm trong việc thành lập mới, tổ chức lại của Tập đoàn Vinashin.

Báo cáo cho hay công ty mẹ Vinashin trong vài năm đã đẻ ra hàng trăm công ty con, đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực không thuộc năng lực ngành nghề chính.

Bấm Website của Vinashin cho biết “Thủ tướng Chính phủ ngày 04/11/2003 có quyết định về việc thí điểm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/5/2006 cũng đưa ra quyết định phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, cũng như ký một quyết định khác nhằm hình thành cơ chế đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối.

Chính phủ Việt Nam muốn Vinashin trở thành tập đoàn có vị thế lớn trong thị trường đóng tàu quốc tế nhằm có thể cạnh tranh với các tập đoàn đóng tàu lớn mạnh của Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.

Thế nhưng dự án này đổ bể khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm 2008 và các đơn hàng của công ty bị cắt giảm, làm tê liệt vốn hoạt động, chưa kể những sai phạm quản lý tài chính của chính tập đoàn này.

Giới quan sát nhận định bê bối Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam đối với cả các công ty cho vay quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này.

Không có nhận xét nào: