Lưu Tường Quang / Tú Anh

Hoa Kỳ-Miến Điện: Quyền lợi tương đồng ?
 Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp kiến với
Tổng thống Miến Điện Thein Sein
ngày 1/12/2011. REUTERS/Saul Loeb
Sự kiện ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton viếng thăm Miến Điện và tuyên bố hai bên tính đến chuyện “nâng cao quan hệ” được xem là thành quả của nỗ lực của mỗi bên. Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, Miến Điện thừa cơ hội, tiến hành cải cách để thoát « vòng tay ưu ái » của Bắc Kinh.

Sau khi nhậm chức cách nay hai năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bỏ đường lối trừng phạt gây áp lực của người tiền nhiệm. Chiến thuật mới của Washington là tiến hành song song « cấm vận và đối thoại » với tập đoàn quân sự Miến Điện. Nhà Trắng cho giới quân nhân Miến Điện thấy rõ là nếu họ cải cách thì Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh và tiếp tục thúc giục cải cách nhiều hơn nữa. Chính sách ván bài lật ngữa này mà Tổng thống Obama gọi là «hợp đồng thực dụng» trong quan hệ với Miến Điện được thực hiện trong những điều kiện tốt về cả ba mặt thiên thời, địa lợi và quân trọng nhất là yếu tố nhân hòa.

Theo các nhà bình luận trên báo mạng Asia Times, chính sách phối hợp «cấm vận và đối thoại» của Mỹ được lãnh đạo đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi ủng hộ và tiếp tục ủng hộ. Trong khi đó, giới lãnh đạo Miến Điện cũng hiểu ra là họ cần cải thiện quan hệ với Tây Phương vì quyền lợi quốc gia dân tộc đang bị láng giềng Trung Quốc gậm nhấm.

Để có thể tập trung đối phó với hiểm họa Bắc Kinh, giới lãnh đạo Miến Điện đã từ từ cởi mở với nhân dân : tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo đối lập,thả tù chính trị, ban hành luật đình công, cho phép biểu tình…và hủy bỏ cả một công trình thủy điện do Trung Quốc đầu tư. Một loạt sự cố xảy ra từ năm 2004 cho thấy giới tướng lãnh Miến Điện dù độc tài nhưng có tinh thần ái quốc, không chủ tâm bán nước. Họ tính toán xuyên suốt con đường tự cứu mình và cứu nước.

 Chống Trung Quốc được thăng thưởng 

Nhà báo Bertil Linner, trên Asia Times tường thuật rằng: theo các nguồn tin thông thạo thì những nhân vật bị xem là « người của Trung Quốc » như trung tướng Khin Nyunt, bị cách chức Thủ tướng vào năm 2004 và bị quản thúc là trường hợp điển hình.

Vụ thứ hai xảy ra vào năm 2009, khi quân đội Miến Điện tấn công vào vùng Kokang, sát biên giới Trung Quốc, nơi dân Trung Quốc âm thầm kéo sang lập nghiệp. Hơn 30 ngàn dân sắc tộc gốc Hoa và hàng ngàn tay súng được Trung Quốc cho phép vượt biên giới lánh nạn. Hai tướng lãnh chỉ huy chiến dịch này là trung tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh hành quân đặc nhiệm số 2, và thiếu tướng Aung Kyaw Zaw, tư lệnh Sư đoàn 33 khinh chiến đều được thăng cấp.

Sự kiên mang ý nghĩa hơn nữa, là tướng Min Aung Hlaing, được chính phủ mới bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng liên quân vào tháng 3 năm nay.Viên tướng mang chiến công «chống Trung Quốc» này sang thăm Việt Nam hồi giữa tháng 11 và hai tuần sau mới đi Bắc Kinh. Hai nước Đông Nam Á này có cùng một mối đe dọa đến từ phương Bắc. Chính sách của Hoa Kỳ tăng cường anh hưởng tại châu Á Thái Bình Dương diễn ra đúng lúc.

Để cân bằng ảnh hưởng của «láng giềng tốt» , Miến Điện không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, tỏ dấu hiệu hòa giải với dân, điều kiện để bỏ cấm vận, và với Tây phương. Nhưng liệu có thể tin tưởng vào thiện chí của chính quyền Miến Điện hay không và nếu tiến trình dân chủ hóa không bị đảo ngược, Miến Điện sẽ được gì ?

RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích địa lý chiến lược Lưu Tường Quang từ Sydney.

Lưu Tường Quang / Tú Anh  RFI

Không có nhận xét nào: