Việt Hoàng

Putin của nước Nga hay nước Nga của Putin?
Ngày 24/9/2011, tại Moscow, đã diễn ra đại hội đảng Một Nước Nga. Trong đại hội, đương kim Tổng thống Nga Medvedev đã đề cử thủ tướng Putin ra tranh cử tổng thống vào năm tới, và ông đề nghị các đại biểu ủng hộ Putin. Đổi lại, Putin đề xuất tổng thống Medvedev đứng đầu danh sách của đảng trong cuộc bầu cử quốc hội
Nga (Duma) vào tháng 12 năm nay. Có nghĩa là, sau cuộc bầu cử tổng thống, Medvedev sẽ giữ chức thủ tướng chính phủ. Như vậy, mọi dấu hỏi về việc ai sẽ lãnh đạo nước Nga đã có câu trả lời, người đó là Putin.
Có nhiều dư luận về Putin, khen có và chê có nhưng không thể không công nhận rằng Putin là một chính khách đang được người dân Nga hâm mộ nhất. Việc ông thắng cử trong lần bầu cử tới được xem như đã an bài. Putin được xem như là phát hiện thiên tài của cố tổng thống Enxin. (Enxin là người đã có công trong việc cố gắng mở ra cánh cửa tự do cho người Nga). Sau 8 năm cầm quyền, Putin đã vực dậy một nước Nga hoàn toàn kiệt quệ dưới thời Enxin. Thật ra Putin làm được điều đó cũng không hẳn hoàn toàn do tài năng cá nhân. Dưới thời Putin cầm quyền dầu mỏ và khí đốt đã tăng giá rất cao và trở thành vấn đề rất quan trọng với cả thế giới, nên nhớ nước Nga rất giàu có về tài nguyên khoáng sản, tức là của trời cho, hơn nữa nước nào cũng vậy sau thời kỳ khủng hoảng và hỗn loạn sẽ đi vào ổn định và phát triển.

Putin đã biết cách chia sẻ sự giàu có của nước Nga qua việc bán tài nguyên của đất nước và chia bớt cho người dân để tạo ra sự thịnh vượng giả tạo và đổi lấy sự hy sinh của người Nga về tự do và dân chủ. Người Nga là một dân tộc đặc biệt, họ không ưa thích và không cổ vũ cho các giá trị của Phương Tây, họ cũng không muốn một lối sống như người Châu Âu, họ muốn nước Nga ‘độc lập’ như một ốc đảo, họ chẳng cần giống ai. Thật sự thì nước Nga đã tự cô lập mình, họ đã không tìm được chổ đứng cho mình trong một thế giới ngày càng phẳng như hiện nay. Như vậy thì họ muốn gì? Đâu là các giá trị sống và giá trị tinh thần của họ? Câu trả lời là họ không biết! Người Nga quen phục tùng và sẵn sàng chấp nhận các chế độ độc tài chuyên chính, trước đây là với Đại đế Pi-ốt, Nữ hoàng Cactherina hay Alechxandr hoặc Stalin và bây giờ là Putin. Đa số người Nga đều muốn nước Nga là ‘một nhà nước hùng mạnh, bất khả chiến bại, một cường quốc trên thế giới’, họ luôn nghĩ rằng Mỹ và Phương Tây muốn bắt nạt họ và họ không muốn chấp nhận điều đó.

Putin đã làm thỏa mãn những ‘mong muốn’ của người Nga, bằng cách đầu tư mạnh mẽ cho nền công nghiệp quốc phòng, dung túng cho những kẻ dân tộc chủ nghĩa, hung hăng và thiếu trách nhiệm trong những vấn đề quốc tế. Nga luôn cùng với Trung Quốc bác bỏ mọi dự thảo của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ hay nhân quyền của các nước thành viên. Nga luôn chế diễu vai trò của Mỹ nhưng lại rất muốn thay Mỹ làm bá chủ thế giới.

 Nước Nga có thể làm được điều đó nhưng phải bằng phương pháp khác. Nước Nga phải có được một tầng lớp trí thức chân chính lãnh đạo, một tầng lớp tinh hoa biết vượt lên trên những di sản nặng nề của quá khứ để xây dựng nước Nga bằng một nhà nước pháp quyền, xây dựng một nền kinh tế thị trường thật sự, chấm dứt sự tự cô lập mình và nhanh chóng đón nhận những giá trị của Phương Tây.

Cơ hội này đã không thể đến được với nước Nga với việc Putin quay trở lại cái ghế tổng thống. Bốn năm trước, khi Putin trao lại ngai vàng cho Medvedev thì ít nhiều dư luận thế giới cũng mừng cho nước Nga vì dẫu sao Medvedev cũng là một luật sư trẻ tuổi, khác với Putin và các cộng sự xuất thân từ an ninh mật vụ. Medvedev đã ít nhiều hoàn thành nhiệm vụ của mình trên cương vị tổng thống Nga dù rằng ông chỉ là ‘quyền tổng thống’. Medvedev đã cố gắng chống lại tham nhũng bằng việc cách chức một loạt tướng lĩnh công an và quân đội có tai tiếng, trong đó có một phó giám đốc cơ quan an ninh liên bang (FSB). Ông cũng đã yêu cầu các bộ trưởng không được tham gia vào hội đồng quản trị các tập đoàn nhà nước. Medvedev đã đưa ra thảo luận công khai những vấn đề quan trọng và nhạy cảm như tệ tham nhũng, tự do ngôn luận và dân chủ, vấn đề hiện đại hóa đất nước với vai trò ngày càng quan trọng của giới trung lưu Nga. Cũng chính nước Nga thời Medvedev đã không phản đối việc Liên Hợp Quốc cho phép NATO can thiệp quân sự vào Lybia dẫn đến việc chính quyền của đại tá Gaddafi sụp đổ sau 42 năm cầm quyền. Đối lập Syria đã không có được may mắn đó vì Putin đã quay lại điện Kremli.

Putin, một ‘người con ưu tú của nước Nga’ đã thay đổi, giờ đây với việc quay lại điện Kremli, có lẽ ông ta muốn ‘nước Nga là của Putin’. Dù rằng ‘nhân dân’ Nga đã trả công cho Putin khá hậu hĩnh với số tiền có thể lên tới 40 tỉ đôla. Nhưng có một thứ còn lớn hơn cả tiền bạc đó là ‘sự đam mê quyền lực’. Đây là sự đam mê khiến cho những kẻ thông minh và có tài trở nên ngu ngốc và bất lực, phải trả giá bằng chính cái chết của chính mình. Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh của tổng thống Iraq Sadam Hunxen bị lôi lên khỏi căn hầm trú ẩn như một con chuột và sau đó bị treo cổ.

Bài học nào cho Việt Nam chúng ta?

Dù Việt Nam và Nga thuộc hai châu lục khác nhau, xa xôi về địa lý nhưng lại có những nét tương đồng đến kì lạ giữa nhân dân và chính quyền hai nước. Putin không những là người hùng của người Nga mà còn là ‘vĩ nhân’ trong mắt nhiều người Việt. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những người ca ngợi và ủng hộ Putin hơn là phản đối.

Người Nga hôm nay vẫn sống trong sự hoài niệm của một quá khứ huy hoàng, một cường quốc của thế giới và để có được sự ‘oai hùng’ đó thì phải hy sinh tự do, dân chủ và phải phục tùng sự chuyên chế của lãnh đạo. Việt Nam thì vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo với sự phục tùng và tin tưởng mù quáng vào vua chúa (tầng lớp lãnh đạo). Người dân Nga lẫn người dân Việt đều cho rằng chính quyền nào cũng chỉ biết lo cho quyền lợi của giới lãnh đạo chứ không thể có một nhà nước biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết vì vậy chế độ nào cũng vậy thôi. Người dân không quan tâm lắm đến việc ai là lãnh đạo, chính phủ và người dân là hai thực thể riêng biệt có cách nhìn và lối hành xử khác nhau. Hậu quả dẫn đến là sự tách biệt và thờ ơ của người dân đối với các vấn đề trọng đại của quốc gia. Ví dụ việc Putin quay lại làm tổng thống chỉ có vài trăm người tụ tập phản đối hay tại Việt Nam cũng chỉ có hơn trăm người tham gia biểu tình chống Trung Quốc vừa qua. Đi ngược về lịch sử một chút dưới thời nhà Hồ, khi quân Minh xâm lược Việt Nam thì hầu như người dân bấy giờ không quan tâm, không chống trả cứ để mặc cho nhà Hồ tự xoay sở cho nên hậu quả là dù Hồ Quí Ly có người con là một tướng tài cũng đành thất bại nhanh chóng. Hồ Nguyên Trừng đã để lại câu nói nổi tiếng ‘thần không sợ giặc, chỉ sợ lòng dân không theo’. Khi chính phủ và nhân dân không có cùng niềm tin và sự gắn kết mật thiết thì chính phủ đó sẽ nhanh chóng thất bại trong bất cứ một nỗ lực nào nhằm canh tân đất nước hay chống trả quân xâm lược. Đây là bài học muôn đời cho mọi quốc gia, kể cả Nga hay Việt Nam.

Điều đáng buồn cho nước Nga và cả Việt Nam là đã không có được một nhà ‘tư tưởng chính trị’ đủ lớn, đủ mạnh để dẫn dắt nhân dân mình và nhất là để khai sáng cho tầng lớp trí thức tinh hoa. Nga là nước đầu tiên của Châu Âu đã du nhập chủ nghĩa cộng sản của Mác-Angel, và chính Lenin đã biến nó thành một thứ chủ nghĩa chuyên chính toàn trị và xuất khẩu ra khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày hôm nay, sau 20 năm ngày Liên Xô sụp đổ, các nước cộng sản Đông Âu đã nhanh chóng đón nhận các giá trị của Phương Tây, họ đã xây dựng được những nhà nước dân chủ pháp quyền và ít nhiều đã hội nhập được với thế giới. Trong khi đó nước Nga vẫn loay hoay không biết mình là ai, đi đâu, về đâu. Người Nga chối bỏ lối sống và các giá trị Phương Tây nhưng lại không biết đâu là các giá trị mà họ theo đuổi, cũng giống như Trung Quốc cố vực dậy các giá trị của Khổng Tử, một người sống cách đây 2500 năm. Việt Nam thì ra sức cổ vũ cho tư tưởng Hồ Chí Minh, một điều mà chính ông Hồ lúc sinh thời không hề nhìn nhận.

Đối lập Nga hiện nay, dù có nhiều người giỏi, nổi tiếng từng là cựu quan chức cao cấp của chính quyền như cựu thủ tướng Nga Kasyanov, cựu phó thủ tướng Nemtsov, cựu vô địch cờ vua thế giới Kasparov, lãnh đạo đảng đối lập Yabloko Mitrokhin…Tiếc thay, họ đã không có được một ‘Dự Án Chính Trị’ để có thể tập hợp các lực lượng yêu nước cùng đứng chung một đội ngũ. Các tổ chức của họ đều nhỏ, cương lĩnh không thuyết phục được cử tri Nga cộng thêm sự trấn áp mạnh mẽ của Putin nên dù Nga có đa đảng nhưng đối lập dân chủ Nga đã không để lại dấu ấn gì mạnh cho người Nga. Trong kỳ bầu cử tới đây các đảng đối lập của Nga có thể không được tranh cử, chỉ có đảng cộng sản của Iuganov và các đảng thân Putin là được phép tham dự vì những đảng này không có ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử.

Việt Nam tình hình cũng gần như vậy, các đảng phái đối lập đều manh mún, thiếu tầm nhìn và thiếu dự án chính trị nên không thể động viên được quần chúng. Trí thức Việt Nam còn kém hơn cả trí thức Nga, họ không dám (hoặc không muốn) dấn thân cho đất nước. Thử hỏi khi giới trí thức còn chưa tin vào việc mình làm thì làm sao động viên được quần chúng nhân dân? Làm sao có được các cuộc đổi đời? Lối làm cách mạng nhân sĩ vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của trí thức Việt nam nên những người dấn thân cho dân chủ, cho tự do luôn thấy mình cô đơn và thiếu một đội ngũ thân thiết.

 Một trường hợp minh chứng cho lối làm cách mạng nhân sĩ và thiếu đội ngũ là trường hợp một trong ba người phụ nữ vừa đoạt giải Nobel Hòa Bình 2011, đó là bà Ellen Johnson.  Không thể có người phụ nữ Châu Phi nào vinh quang hơn Ellen Johnson. Tốt nghiệp đại học Havard danh tiếng, chuyên viên Ngân hàng Thế Giới, Lãnh Tụ đấu tranh cho phong trào Dân Chủ, đắc cử tổng thống Liberia, và bây giờ giải Nobel. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử lần này, chưa chắc bà đã thắng cử ngay từ vòng đầu vì người dân Liberia thất vọng nhiều về bà. Chủ yếu là do: Chính quyền của bà rất tham nhũng, mặc dù lúc lên cầm quyền bà tuyên bố chống tham nhũng một cách vô cùng quyết liệt. Cho tới nay cá nhân bà không bị tiếng là tham nhũng nhưng chính quyền của bà thì quá bê bối. Thứ hai bà đem quá nhiều anh em họ hàng vào chính quyền. Chính quyền của bà là một thứ gia đình trị. Thứ ba, bất công xã hội quá lộ liễu, kinh tế Liberia tăng trưởng rất nhanh nhưng 90% dân chúng vẫn cực kỳ nghèo khổ (sống dưới mức 1.2 USD mỗi ngày).

 Câu hỏi đầu tiên là tại sao thế giới lại tưởng thưởng cho Sirleaf giải Nobel về hòa bình? Đó là vì người ta nghĩ bà thành công và không thể thành công hơn trong tình trạng của Liberia. 

Câu hỏi thứ hai là tại sao với khả năng và uy tín của bà Johson Sirleaf lại không chống được tham nhũng? Đó là vì bà chỉ là một nhân sĩ khi lên cầm quyền. Nhiều uy tín nhưng cô đơn. Bà không có tổ chức. Tham nhũng là một văn hóa và là những băng đảng. Muốn chống tham nhũng phải có lực lượng và tổ chức.

Câu hỏi thứ ba là tại sao sau 5 năm làm tổng thống bà vẫn chưa lập được một đảng đủ mạnh để chống tham nhũng?  Đó là vì một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể thành hình qua đấu tranh kiên trì trong khó khăn. Không ai thành lập nổi một đảng lành mạnh khi đã có chính quyền trong tay. Lúc đó không phân biệt được người có lý tưởng với bọn a dua vào hùa nịnh hót để cầu lợi (mà bọn này thường là có bằng cấp cao và khá nổi tiếng). Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đã thất bại, tất cả mọi tổng thống khác, không có đảng, khi lên cầm quyền cũng đã thất bại như thế.

Câu hỏi thứ tư là tại sao Ellen Johson Sirleaf, một người lương thiện lại đưa bà con vào chính quyền? Đó là vì không có đảng thì không biết trong cậy vào ai ngoài anh em họ hàng, gia đình trị là đương nhiên.

 Trường hợp Ellen Johson Sirleaf chứng minh lập luận cố hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên: Đấu tranh chính trị phải có tổ chức. Đấu tranh chính trị kiểu nhân sĩ thì không giành được chính quyền, mà nếu có một phép mầu nào đó khiến mình nắm được chính quyền thì cũng nhanh chóng thất bại và gây thất vọng.



Trong trường hợp Ellen Johson Sirleaf bà đã lên cầm quyền nhờ Liberia hoàn toàn tan rã không còn chính quyền nữa và người Mỹ đưa bà lên cầm quyền. Liberia là đất nước do những người nô lệ da đen Mỹ tự nguyện trở về Châu Phi để sống tự do thay vì sống kiếp nô lệ. Tên Liberia xuất phát từ đó. Bình thường bà không thể nắm được chính quyền.

Như vậy một cuộc cách mạng dù là dân chủ vẫn chưa đủ. Người dân và giới trí thức cần biết sau cách mạng sẽ là cái gì? Có lẽ chúng ta phải đồng ý với nhận định của nhà báo Lê Diễn Đức rằng ‘dân chủ không cần đến minh chúa, cần thiết hơn là các định chế để qua đó đảm bảo một sân chơi bình đẳng, nhân dân có thể kiểm soát mọi hoạt động của nhà nước và loại bỏ đại diện của mình qua các định chế ấy. Dân chủ cần một xã hội dân sự, trong đó có ngành tư pháp độc lập, lãnh đạo quân đội và cảnh sát được dân sự hoá, bầu cử tự do, vai trò phản biện và làm lành mạnh hoá xã hội của các tổ chức phi chính phủ, hội đoàn, và tự do báo chí…’.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn bảo vệ ý kiến rằng muốn thành công, đối lập dân chủ Việt Nam cần phải có một dự án chính trị cho giai đoạn hiện nay là đấu tranh loại bỏ độc tài và cả sau này khi kiến thiết đất nước. Đối lập dân chủ phải có tổ chức, có đội ngũ, có sự đoàn kết để có được sự hậu thuẫn rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. Đối lập dân chủ phải nhìn nhận mọi người Việt Nam đều là anh em trong một nhà, tôn trọng và bao dung lẫn nhau. Kiên quyết từ chối lối làm chính trị kiểu nhân sĩ. Trên tất cả là sự thức tỉnh và dấn thân của tầng lớp trí thức Việt Nam. Đất nước sẽ sang trang mới khi trí thức Việt Nam đứng dậy.
Việt Hoàng

Không có nhận xét nào: