Theo 24h


Luật ngầm trong giới phu vàng

Đãi vàng
Vàng đi liền với bạc, nhưng "bạc" ở đây là sự bạc bẽo, lạnh người và là cả việc gánh nhân quả. Đó là lời tâm sự với chúng tôi của không ít dân làm vàng từng "oanh tạc" khắp các bãi vàng "danh bất hư truyền" như Thần Sa, Khau Âu, Manu...
Bí kíp “săn mạch vàng
Từng theo chân các bậc đàn anh máu mặt lăn lộn khắp các bãi vàng nên Trần Văn Sơn, hay còn gọi là Sơn "xoăn", trú tại phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hiểu về cuộc sống bãi vàng hơn cả hiểu về nhà hàng xóm, vì hầu như thời gian sống của Sơn là thời gian "nằm bãi". Từ cuối những năm 80 đến giữa những năm 90 thì những cái tên Thần Sa, Khau Âu, hay Manu, Sơn đều đã từng đặt chân.

Năn nỉ mãi với Sơn "xoăn", cuối cùng tôi cũng được nửa buổi ngồi nghe về "vốn đầu tư" và công nghệ đào hầm "săn mạch vàng". Sơn ngồi nhẩm tính, công cụ lao động cũng đơn giản. Trong đó không thể thiếu là một máy phát điện và một máy nghiền đá, cộng với máy bơm, hệ thống máng đãi vàng... Thêm vào đó như hiện nay, khi có sản phẩm công nghệ cao, các "chủ đầu tư" đầu tư cả máy tạo khí cho những cuộc đào hầm với độ sâu có khi đến gần 100m.

Máy phát điện thường là máy chạy dầu, còn máy nghiền đá thì tuỳ "công trình" mà đầu tư máy công suất lớn, hay nhỏ. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, số "công cụ lao động" trên có khả năng dùng tương đối ổn định, lâu dài cũng rơi vào tầm trên dưới trăm triệu. Còn nếu tính theo kiểu "cò con" thì chỉ cần 2 - 3 chục triệu đồng là có thể "âm thầm đi đánh quả lẻ" và chạy cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, truy đuổi.

Sơn "xoăn" nói: "Làm vàng không phải dễ. Không thể làm theo kiểu a dua, kiểu "thấy người ăn khoai, cũng vác mai đi đào". Có người vì thế mà tán gia, bại sản. Lộc "giời" không phải ai cũng hưởng được đâu".

Theo Sơn, khó nhất trong "công nghệ" khai thác vàng trong tự nhiên là khâu đào hầm "săn" mạch vàng. Vàng có thể tồn tại kiểu lộ thiên, lẫn trong đất đồi, cát. Nhưng dạng này giờ rất hiếm vì dễ khai thác, khó kiếm. Nên chủ yếu phải đào hầm. Đầu tiên là việc "thả giếng", mỗi giếng có độ sâu chừng 6 - 70 mét. Khi thả giếng thì điều nguy hiểm nhất là... chết ngạt vì khí độc.

Do đó, với dân bãi vàng kinh nghiệm thoát chết có khi phải trả giá bằng... mạng sống. Mỗi khi xuống độ sâu thêm một nấc, người ở trên buộc cây tre thả xuống, chốc chốc lại khua cây tre khắp lòng giếng đánh tan khí độc ngưng tụ, tạo không khí cho "phu vàng" hít thở.

Sơn "xoăn" bật mí, dạng tìm này có thể gọi là tìm vàng theo "nẹp đứng", có tí nào là "vét" tí đấy. Khi "thả giếng" thành công, khai thác cạn kiệt "nẹp đứng", việc tiếp theo phải đánh hầm "xương cá". Đánh hầm "xương cá" cũng cực kỳ nguy hiểm. Hình dung ở độ sâu hàng chục mét trong lòng đất, lại làm các "ngách" ra mọi phía như xương cá thì nguy hiểm cỡ nào. Lơ ngơ, sơ sảy, hầm sập thì coi như chết chắc. Kiểu này dân bãi vàng còn gọi là kiểu "chạy địa đạo", tạo một mạng lưới ngoằn ngoèo, để "moi khoét" bất kỳ mạch vàng nào trong lòng đất để đưa lên trên tập kết.

Sau khi tạo thành hệ thống ngầm này dưới lòng đất thì bắt đầu đuổi "mạch vàng". Cứ theo "dây" mà lần tới nên còn gọi đó là "phương pháp cuốn chiếu". Sơn "xoăn" nói, đời làm vàng không có mấy chủ bưởng gặp may, nhưng đã gặp "mạch vàng" thì đuổi mệt nghỉ. Sơn kể, có người đào hầm sâu cả trăm mét, đuổi "mạch vàng" thấy không có nhiều, bỏ cuộc. Chủ bưởng khác nhảy vào thêm vài nhát cuốc, lộ ra cả "ục" vàng. Do đó, thành công có khi là may, rủi.

Dân làm vàng có giấc mộng lớn nhất là "trúng ục". Theo Sơn, "ục" là kiểu mà dân bãi bờ đặt cho đến một "điểm vàng" trong quần thể khai thác có hàm lượng vàng cực lớn. Trúng "ục" càng lớn, người làm vàng đổi đời ngay tức khắc. Nhưng không phải lúc nào thấy vàng cũng là "điềm lành". Không ít trường hợp phải bỏ mạng vì lòng tham.

Độc chiêu "cướp trên giàn mướp" và luật nhân quả

Bây giờ giá vàng cao ngất ngưởng, một cây vàng đã mấy chục triệu. Cái thời của Sơn đi làm vàng một cây chưa bằng một chỉ bây giờ. Nhưng bao giờ cũng thế, lòng tham bao giờ chẳng giống nhau.
Hi vọng làm giàu từ mạt vàng

Cũng trong quá trình tìm hiểu về quy trình khai thác vàng này, tôi có gặp Phạm Văn Ngọc ở phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên. Anh Ngọc nói, người nhà anh hiện cũng có công ty được cấp phép khai thác vàng. Ngay bây giờ cũng có "luật bất thành văn" là ở những khâu quan trọng nhất, trong quá trình làm vàng thì phải là người trong gia đình quản lý, giám sát chứ không để công nhân trực tiếp tham gia.

Đặc biệt là khâu đãi vàng từ sa khoáng. Bởi có những trường hợp, các "độc chiêu" mà các "phu vàng" nghĩ ra để "cướp trên tay" của chủ không ít. Ngọc kể, có người còn tìm cách nuốt cả viên vàng vào người để tìm cách "vận chuyển" ra khỏi vùng khai thác và giám sát của chủ.

Còn với Sơn "xoăn" câu chuyện được chứng kiến và sau này truyền tụng càng khẳng định chi tiết về vụ hớt tay trên độc nhất của một "đầu cánh" khá tin cẩn. Trong một lần trúng "ục" nhỏ, hám vàng, hám làm tất cả đám quân quyết định ở lại ăn Tết ngay trong bãi vàng chứ không về nhà. Tất cả số vàng thu gom được đều được chủ bưởng quản lý để sau phân chia cho anh em, theo thứ bậc và công sức bỏ ra. Trong "đội quân tìm vàng" năm đó, có một người quê Hà Nam, giáp Tết được giao nhiệm vụ thu mua lương thực để làm bánh chưng cho anh em đón Tết. Lợi dụng sở hở của "chủ bưởng" đã dốc toàn bộ số vàng tích cóp được và tìm cách "đào tẩu".

Cuộc đào tẩu thành công. Sơn "xoăn" và các "cánh hẩu" chết đứng. Cái Tết năm đó, đón Tết mà như đón tang. Cả nhóm mang nỗi hận khôn tả. Được biết, sau này, chủ bưởng và các anh em của Sơn đã truy đuổi "kẻ đào tẩu" này về tận Hà Nam, nhưng cũng không thu được kết quả gì. Tên "trộm" này sau đó cũng dính nghiện mà chết.

Dân Thái Nguyên những năm 80 cuối những năm 90 đều biết đến phi vụ "trúng ục" của Nguyễn Ngọc Phi, nghe nói Phi cũng là người dưới xuôi lên làm vàng. Khi trúng “ục” vác cả bao tải vàng về, ngoài việc phân chia, Phi đã mua cho đàn em mỗi gia đình một chiếc xe máy.

Thậm chí bà chủ nhà cưu mang khi Phi vừa ở xuôi lên ngược làm ăn trong ngày khó khăn, Phi cũng mua cho một chiếc xe máy. Câu chuyện này được truyền tụng như minh chứng hùng hồn về đổi đời trúng "ục". Tuy nhiên, nghe nói sau này mặc dù đã xây nhà cao cửa rộng, nhưng Phi cũng mất tất vì cờ bạc. Trong số đàn em, được ""thụ lộc" cũng không mấy người giữ được của trời cho.

Trong cuộc trò chuyện với Sơn "xoăn" được biết, hầu như dân nghiện sau này ở Thái Nguyên đa phần bắt đầu "phát tích" từ các bãi vàng trong đó không ít kẻ giờ dặt dẹo như cô hồn như Tùng "chó", Đại "thối" Hải “cẩu”, hoặc có kẻ vì nghiện túng quẫn đi ăn trộm bị dân đánh vào chỗ hiểm cũng mất mạng như Khải "lác".

Đó như là luật nhân quả của những cuộc ăn chơi bất tận khi bỗng một phút đổi đời, và cuối cùng là trả giá. Về điều này, chính Sơn cũng phải ngậm ngùi nói: "Tôi chưa thấy bưởng vàng nào duy trì được cuộc sống tốt đẹp lâu dài cả. Có khi rời bãi vàng, giữ được mạng sống, có chút tiền cho vợ con là may. Người ta vẫn nói "nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi", thế nên đừng tưởng thấy vàng đã là sáng mắt. Thế nên dân làm vàng thì vẫn có máu ham, nhưng tôi thì không còn thiết nữa".

Theo 24h

Không có nhận xét nào: