Mai Vân

Trung Quốc bị khó xử khi kỷ niệm Cách Mạng Tân Hợi

Lễ kỷniệm Cách Mạng Tân hợi
 tại Quốc hội Trung Quốc (Reuters)
Le Figaro hôm nay chú ý đến lễ kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Tân Hợi 10/10/1911, mà Bắc Kinh tổ chức trọng thể ngay từ ngày hôm qua 9/10/2011. Tờ báo nhìn thấy có một cái gì đó không ổn mà tờ báo nêu trong hàng tựa : « 1911, cuộc cách mạng cách đây 100 năm đang đặt Bắc Kinh trong thế khó xử ».


Le Figaro nhận thấy là tấm chân dung của ông Tôn Dật Tiên được treo ngay trên Quảng trường Thiên An Môn, nhưng lý tưởng những người làm cách mạng lại được chào mừng ở Đài Loan mà Trung Quốc hy vọng sớm sát nhập. 

Tác giả bài báo, Arnaud De La Grange mở đầu bài viết, đã trở lại với ngày ‘‘song thập’’ 1911, một cuộc nổi dậy đã dẫn đến việc kết thúc 2000 năm chế độ Thiên Triều ở Trung Quốc. Đối với nhà báo, lễ mừng 100 năm một sự kiện như thế phải được tổ chức long trọng là điều tất nhiên. 

Vấn đề là Trung Quốc vẫn tỏ ra rất nhạy cảm với quá khứ của mình. Và cách Bắc Kinh "xử lý" ngày kỷ niệm này không chỉ nêu bật vấn đề quan hệ tế nhị với Đài Loan, mà cả cái nhìn của Trung Quốc về lịch sử của mình, cũng như những phương thức mà đảng Cộng sản Trung Quốc đang nắm trong tay ngày nay để khẳng định tính chính đáng. 

Le Figaro nhắc lại nỗi ám ảnh của gương mặt đầu tàu cách mạng Tân Hợi, ông Tôn Dật Tiên : Hiện đại hóa để nước Trung Hoa có thể vươn lên. Ông mất ngày 12/03/1925. Ngày nay tại Hoa Lục cũng như Đài Loan, ông được xem như người cha đẻ của nước Trung Hoa hiện đại. Và mỗi năm vào đầu tháng 10, tấm chân dung to lớn của ông được dựng lên ở quãng trường Thiên An Môn, đối diện với hình Mao Trạch Đông. Còn tại Đài Loan, 10/10 là ngày lễ quốc khánh với cuộc diễn binh. 

Tuy ca ngợi cùng một nhân vật nhưng mỗi bên lại có những khẩu hiệu riêng của minh và Le Figaro nhìn thấy là kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng đã đặt lãnh đạo Trung Quốc trong tư thế vô cùng bối rối. 

Tờ báo trích lời chuyên gia Pháp về Trung Quốc Jean Philippe Béja giải thích : Đài Loan trong kỷ niệm này muốn vinh danh nền cộng hoà ra đời sau khi vương quyền bị lật đổ, trong lúc đó Bắc Kinh chỉ muốn mừng cuộc Cách mạng mà thôi. 

Theo ông Béja, điều làm cho Bắc Kinh khó chiụ là chế độ cộng hoà khai sáng thời kỳ đó là chế độ đầu tiên ở châu Á có những lý tưởng và nguyên tắc không phù hợp với mô hình Trung Quốc ngày nay. Bắc Kinh không muốn nghe nói đến khái niệm phân quyền, và nói rất ít về quyền tự do ngôn luận. 

Theo bài báo, đặc biệt năm 2011 này với làn gió từ "mùa xuân Ả Rập" thì những khái niệm cách mạng kể trên là một đề tài sôi bỏng đối với lãnh đạo Trung Quốc. 

Le Figaro còn nêu một số yếu tố cho thấy sự bối rối của lãnh đạo Trung Quốc từ khâu tổ chức lễ kỷ niệm, cho đến việc hủy bỏ những buổi thảo luận về cuộc cách mạng 1911 tại các trường đại học… 

Trong phần kết luận tờ báo tiếp tục trích chuyên gia Béja cho rằng nhìn chung đảng Cộng sản Trung Quốc không thích các cuộc tranh luận lớn về lịch sử, nhất là về giai đoạn đương đại. Đảng Cộng sản muốn độc quyền về cách nhìn về lịch sử, vì người rút được kinh nghiệm của quá khứ sẽ làm chủ tương lai. Và với cái giá là ‘‘ém nhệm một số điều khi cần thiết’’ ! 

Hoa Kỳ gây sức ép đối với Bắc Kinh trên giá đồng yuan  

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo Les Echos chú ý đến bình diện kinh tế : Hoa Kỳ lại gây sức ép đối với Bắc Kinh. Tờ báo giải thích là lo ngại trước kinh tế bị suy yếu của Hoa Kỳ, các nghị sĩ cũng như là chính quyền tấn công Trung Quốc về những hành động bị cho là không công bằng. 

Ngày mai, theo Les Echos, Thượng viện Hoa kỳ sẽ bỏ phiếu về văn kiện nhằm trừng phạt các nước ghìm giá đồng tiền của mình. Người lãnh đạo cuộc chiến này là Thượng nghị sĩ bang New York, Charles Schummer, đã nêu đích danh Trung Quốc. Đề nghị mà ông đưa ra là đánh thuế thêm các mặt hàng các nước phạm luật. 

Theo bài báo, tổng thống Obama không ủng hộ văn kiện này, và nó cũng khó mà được chấp thuận ở Hạ viện, vì bị nhiều dân biểu đảng Cộng hoà chống đối. Thế nhưng hiện nay, các tiểu bang công nghiệp ở Mỹ lại rất muốn trừng phạt Trung Quốc. 

Bài báo cũng nhắc lại những lời chỉ trích thẳng thừng của tổng thống Mỹ hôm thứ Năm vừa qua đối với Trung Quốc, và cho là những cuộc tấn công mãnh liệt, ráo riết hiện nay tại Mỹ nhắm vào nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, phản ánh nổi lo sợ suy thoái của cường quốc kinh tế đứng đầu hành tinh. 

Tuy nhiên cuộc tấn công của Mỹ hiện nay không phải là không nguy hiểm, Trả lời Les Echos, Ủy viên Thương mại của châu Âu đã thận trọng đánh giá rằng quả là Trung Quốc có ghìm giá đồng tiền của họ, nhưng không phải chỉ riêng đồng yuan là không được đánh giá đúng mức. 

Ủy viên châu Âu đã thẳng thừng cho là dự luật đưa ra trước Thượng viện Mỹ đòi đánh thuế hàng Trung Quốc vì giá đồng yuan là một điều ‘ngu xuẩn’. Biện pháp đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại, không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu. 

Lý do là vì 2/3 hàng châu Âu nhập từ Trung Quốc được tái xuất khẩu, và nếu đồng yuan tăng giá, sản phẩm nhập từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, trong khi mà hai phần ba của số hàng xuất khẩu trở lại là do các công ty châu Âu sản xuất tại Trung Quốc. 

Bầu cử sơ bộ : một thành công lớn của Đảng Xã Hội Pháp 

Sân khấu chính trị Pháp với vòng đầu cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã Hội vào hôm qua để đề cử ứng viên tổng thống cho năm 2012 là hồ sơ lớn của báo giới hôm nay. Các hàng tít lớn trang đầu hầu như đều dành cho sự kiện đã thu hút khoảng 2 triệu rưỡi người đến phòng phiếu. 

Đây là một thành công mà báo Libération thiên tả chào mừng trong hàng tít : « Một thắng lợi của đảng Xã Hội ». Trong khi đó, các đồng nghiệp Les Echos, hay Le Figaro chỉ nêu kết quả : Hollande trước Aubry, Montebourg trong tư cách trọng tài. Le Figaro còn nêu kết quả một cuộc thăm dò qua đó 68,62 % người được hỏi đã tán đồng việc tổ chức bỏ phiếu này. 

Trở lại với cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã Hội hôm qua, các báo ghi nhận sự thành công của sáng kiến của đảng cánh tả, được gần 2,5 triệu người tham gia bỏ phiếu. Tờ La Croix mô tả cảnh những hàng người dài xếp hàng trước phòng phiếu như tại Marseille. 

Thế nhưng nhìn chung báo giới đều tỏ ra thận trọng cho những diễn tiến sắp tới. Báo l’Humanité trong bài xã luận nêu câu hỏi : cuộc tranh luận sắp tới như thế nào đây ? Có nhiều chủ đề mà ứng viên đảng Xã Hội đã né tránh, như các vấn đề liên quan đến giới tài chính, quốc hữu hoá ngân hàng, kiểm tra việc sử dụng công quỹ ... Nhưng bây giờ thì không thể nhắm mắt làm ngơ trước các nguyện vọng tăng lương, tuổi về hưu duy trì ở mức 60 ... Người thắng cuộc sắp tới dứt khoát sẽ bị chất vấn trên các vấn đề xã hội này. 

Trong bài xã luận tựa đề "Những cạm bẫy của vòng hai", tờ Le Figaro cảnh báo trước tiên là sẽ có cuộc tấn công không thương tiếc giữa các đối thủ trước vòng hai, phơi bày các chỗ yếu. Kế đến mục tiêu của cuộc bầu cử sơ bộ là tập hợp Đảng Xã Hội và cả cánh tá đứng sau ứng cử viên được chọn. Nhưng đảng Xã Hội đã không đi đúng mục tiêu này, vì nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đọ sức giữa ông Hollande và bà Aubry rất gay gắt và có thể kết quả sẽ ngang ngửa giữa 2 người : 50/50. Như thế sẽ có phe thua phe thắng, người thắng cuộc chỉ tập hợp một nửa thành viên phe mình phải chứng minh khả năng tập hợp cả nước Pháp : không dễ. 

Báo Libération cũng có mối lo ngại tương tự, nhưng đặt vấn đề dưới một góc độ khác. Trước tiên tờ báo nhận thấy cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội hôm qua đã thành công trên hầu như mọi mặt, từ khâu tổ chức, cho đến tinh thần dân chủ, với số người đông đảo tham gia. Đây cũng là một thành công chính trị vì tờ báo xem đó là một lời cảnh cáo đối với đương kim tổng thống cánh hữu Sarkozy. Trong mắt Libération cuộc bỏ phiếu hôm qua mang dáng dấp một cuộc trưng cầu dân ý chống ông Sarkozy. 

Tuy nhiên tờ báo cũng cảnh báo : Đương kim tổng thống Pháp đang mất uy tín hiện nay là một đối thủ rất lợi hại, ông sẽ biết cách chỉnh đốn hàng ngũ. Và thắng lợi hôm qua, theo Libération, chưa cho phép đảng Xã Hội tỏ ra đắc thắng. 

Libération nhắc nhở là người được chọn vào vòng 2 chủ nhật tới đây có trọng trách biến ước vọng thay đổi của người Pháp được bày tỏ hôm qua thành lá phiếu bầu thực thụ cho mình trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.


Mai Vân  RFI

Không có nhận xét nào: