Trọng Nghĩa

Philippines không cho dân ra Scarborough phản đối Trung Quốc

Một nhóm viên chức hải quân và đại
biểu Quốc hội Philippines đi kiểm tra
bãi Scarborough, vào ngày 17/05/1997
. REUTERS/Erik de Castro/Files
Đích thân Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã yêu cầu nhóm chủ trương đi tàu ra khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Trung Quốc ngoài Biển Đông là nên hủy bỏ kế hoạch này. Phát biểu với báo chí vào hôm nay, 18/05/2012, người cầm đầu nhóm này xác nhận là ông đã đồng ý với đề nghị của chính quyền.
Theo hãng tin Pháp AFP, đúng với kế hoạch được loan báo hôm qua, vào sáng nay, một nhóm gồm khoảng 20 người do cựu đại úy
Thủy quân lục chiến Philippines Nicanor Faeldon dẫn đầu, đã tâp hợp lại tại thị trấn Masinloc ven bờ biển phía bắc, chuẩn bị khởi hành đến bãi cạn Scarborough. Trong đoàn có cả các ê-kíp truyền hinh.
Tuy nhiên, vào giờ chót, sau một cú điện thoại của chính Tổng thống Philippines gọi cho ông Faeldon, chuyến hải hành đã bị hủy bỏ. Trả lời hãng AFP, viên cựu đại úy giải thích : « Tôi đã nhận được cú điện thoại từ Tổng thống, đề nghị hoãn chuyến đi… Tôi đã tham khảo ý kiến của cả nhóm và chúng tôi đồng ý với lời khuyên hợp lý là tạm hoãn chuyến đi này ».
Theo ông Faeldon, Tổng thống Philippines đã cho ông biết là các đại diện của chính phủ Philippines đang ở Trung Quốc để đàm phán về vụ tranh chấp, do đó, việc hoãn chuyến hải hành ra bãi Scarborough sẽ có lợi hơn cho việc tìm ra giải pháp.
Bãi Scarborough (tên Philippines là Panatag, tên Trung Quốc là Hoàng Nham) đang nổi cộm lên thành đấu trường đọ sức giữa Bắc Kinh và Manila. Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có bãi Scarborough, trong lúc Philippines cho là bãi đá này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.
Để khẳng định chủ quyền của họ, sau sự cố ngày 10/04 khi tầu tuần tra hai bên chạm trán với nhau, Trung Quốc đã ồ ạt cho tàu cá của họ đến khu vực này, đồng thời cho tàu tuần tra đi theo bảo vệ. Các biện pháp gây sức ép về kinh tế như đánh vào trái cây nhập khẩu từ Philippines, hay hạn chế du lịch đến nước này cũng được Trung Quốc sử dụng.
Khi loan báo kế hoạch đi tàu ra bãi Scarborough để phản đối Trung Quốc, ông Faeldon nói rõ mục tiêu là thu hút hậu thuẫn của toàn thế giới đối với các nỗ lực của chính phủ Philippines nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc hiện thời.
Ngay từ hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã tuyên bố là họ không muốn chuyến đi này diễn ra, sợ rằng Bắc Kinh coi đó hành động khiêu khích. Qua sáng nay, rất nhiều cơ quan chính quyền – trong đó có Lực lượng Tuần duyên - cũng gọi cho ông Faeldon để yêu cầu hủy bỏ chuyến đi nhưng vô hiệu. Phải chờ đến lúc chính Tổng thống Aquino lên tiếng thì kế hoạch mới bị đình hoãn.

Không có nhận xét nào: