Trọng Thành RFI

Việt Nam ở thế yếu trong quan hệ Washington-Hà Nội-Bắc Kinh
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri AK Antony
duyệt hàng quân danh dự tại Hội nghị ADMM
 tại Hà Nội ngày 12/10/2010. REUTERS/Kham
Tuần báo ngoại giao quốc tế Pháp, Le Monde diplomatique, đặc biệt chú ý đến thế đối đầu giữa Trung Quốc và các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ. Chuyên mục « các quan hệ liên minh dị thường » của tuần báo đăng tải hai bài viết liên quan đến Việt Nam.

Bài thứ nhất, với tựa đề « 36 năm sau chiến tranh, Hoa Kỳ và Việt Nam hội ngộ », nhận định rằng quan hệ giữa hai cựu thù nay đã đổi thay. Bản báo cáo mật mang tên « Các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, 1945-1967 », vén bức màn bí mật che phủ những dối trá của chính phủ Hoa Kỳ về việc tham gia vào chiến tranh tại Việt Nam, đã được công bố.


Về phần mình, Hà Nội đã quyết định đưa quan hệ giữa hai bên sang một trang mới. Mùa hè năm ngoái, các cuộc tập trận đã diễn ra tại vùng biển miền Trung Việt Nam, ở chính nơi mà quân đội viễn chinh Hoa Kỳ đổ bộ lần đầu tiên cách đây nửa thế kỷ.

Bài báo mở đầu với việc mô tả sự hoang vu của quân cảng Cam Ranh, căn cứ hải quân do Hoa Kỳ xây dựng trong chiến tranh Việt Nam. Tình trạng này chấm dứt vào cuối năm 2010, sau khi thủ tướng Việt Nam tuyên bố sẽ mở cửa sẵn sàng đón tàu thuyền khắp nơi trên thế giới. Mỹ là một trong các ứng cử viên.

Trước đó, tháng 8/2010, một cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ - Việt đã được tổ chức tại Hà Nội, cũng trong tháng này, ở ngoài khơi Đà Nẵng, các sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington, biểu tượng của hạm đội 7 Hoa Kỳ.

Tại Hà Nội, tên tuổi của nguyên ứng cử viên tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, không gợi lại lên ác cảm. Phi công John McCain từng ngồi tù năm năm rưỡi ở Hà Nội, sau khi máy bay bị bắn rơi và đã từng bị coi là « tội phạm chiến tranh ». Tuy nhiên, người Việt Nam hiện nay đánh giá cao việc ông đã đóng góp cùng với tổng thống Bill Clinton vào việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước giữa thập niên 1990. Còn giờ đây ngoại trưởng Hillary Clinton, phu nhân của nguyên tổng thống Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đưa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiến lên một mức cao hơn.

Khi cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, điều Việt Nam nhắm tới đầu tiên là đạt được các lợi ích kinh tế. Trao đổi thương mại song phương đạt hơn 18 tỷ đô la vào năm 2010, và có khả năng đạt 35 tỷ đô la từ đây đến năm 2020. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 15 tỷ đô la năm 2010. Quan hệ tốt với Mỹ cũng giúp cho Việt Nam gia nhập được vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

Với mức thu nhập tính theo đầu người vượt 1.000 đôla/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm trung bình trên thế giới. Cùng với việc đất nước bắt đầu trở nên thịnh vượng hơn, quan hệ Việt Nam với Mỹ trong quá khứ cũng được nhìn nhận lại tích cực hơn. Chiến tranh đã lùi xa. Tuổi trung bình của người Việt hiện nay là dưới 26. Với 13.000 sinh viên du học tại Mỹ, Việt Nam là một trong số các nước Đông Nam Á đứng đầu trong lĩnh vực này. Tháng 10/2010, tập đoàn Intel đã mở chi nhánh lớn nhất thế giới của hãng trong lĩnh vực lắp ráp và thử nghiệm mạch vi xử lý tại Sài Gòn. Một hợp đồng hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Việt đang sắp hoàn tất. Việt Nam có khả năng nhận được một hợp đồng có lợi nhất so với « các quốc gia hạt nhân mới ».

Trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền, từ phía Hoa Kỳ, liên tục có sức ép yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng các quyền con người cơ bản, và từ phía chính quyền Việt Nam, thường xuyên có những lời cảnh báo về nguy cơ bị « diễn biến hòa bình », tức thay đổi theo hướng dân chủ hóa từ bên trong, tuy nhiên những bất đồng giữa hai phía hiện nay là hết sức mờ nhạt so với các hận thù trong quá khứ.

Vị trí khó xử của một nước nằm giữa hai siêu cường

Theo Le Monde diplomatique, việc tăng cường hợp tác quân sự và hạt nhân dân sự của Mỹ tại Việt Nam có mục tiêu chủ yếu là duy trì ưu thế của Hoa Kỳ trong khu vực nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Bản báo cáo bốn năm một lần của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (US Quadrennial Defense Review 2010), đánh giá Việt Nam, Indonesia và Malaysia nằm trong số các nước có tiềm năng hợp tác về an ninh với Mỹ nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tuần báo ngoại giao quốc tế Pháp ghi nhận một điểm đặc thù của Việt Nam trong nhiều thế kỷ là một quốc gia vệ tinh trong quỹ đạo của đế chế Trung Hoa và quốc gia này luôn tìm cách khẳng định sự độc lập tương đối của mình.

Trong hiện tại, Việt Nam tìm cách đa phương hóa đến mức tối đa để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, nhưng vẫn dành cho người láng giềng lớn phương Bắc một quan hệ ưu tiên đặc biệt, điều này không khác lắm với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự xích gần lại giữa Việt Nam và Mỹ khiến Bắc Kinh khó chịu. Có thể đọc thấy ở những cảnh báo cứng rắn trên báo chí chính thức của Trung Quốc về vấn đề này, như nhận xét của tờ Nhân Dân Nhật Báo, ngày 17/10/2010 : « bị kẹp giữa hai cường quốc, Việt Nam ở trong tình trạng mỏng manh như quả trứng ».

Là một quốc gia giành cho Việt Nam sự ủng hộ sớm nhất ngay từ khi tuyên bố độc lập và mang lại nhiều trợ giúp trong chiến tranh, bất chấp các xung đột biên giới Việt – Trung, Trung Quốc vẫn được đối xử một cách đặc biệt. Báo chí và sách giáo khoa Việt Nam hoàn toàn im tiếng về cuộc chiến Trung – Việt 1979, với thiệt hại nhân mạng lên đến hàng chục nghìn người. Giữ được thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc là điều không dễ dàng với Việt Nam.

Le Monde diplomatique nhận xét, trong bối cảnh hiện tại dường như là thuận lợi, vận mệnh của Việt Nam có vẻ như vẫn tiếp tục bị khuôn theo những bó buộc mang tính địa lý (« The tyranny of geography »), đó là vị trí của quốc gia này nằm ở cửa ngõ của con đường bành trướng xuống phía nam của đế chế Trung Hoa (như nhận định của học giả Carlyle Thayer, « The tyranny of geography : Vietnamese strategies to constrain China in the South China sea », International Studies Association, Montréal, 3/2011).

Việt Nam - Ấn Độ hợp tác đối mặt với đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Bài báo đáng chú ý thứ hai về Việt Nam trên Le Monde diplomatique mang tựa đề « Tình bạn Ấn Độ - Việt Nam dưới cái bóng của Trung Quốc ». Nhà báo Ấn Độ Saura Jha nhận xét, nỗi lo sợ trước sức mạnh Trung Quốc khiến Việt Nam và Ấn Độ xích lại với nhau, Ấn Độ tận dụng cơ hội này để đề nghị với Việt Nam nhiều dịch vụ quân sự và thương mại. Bài báo ghi nhận những lĩnh vực mà Ấn Độ có thể mang lại cho Việt Nam, về quân sự như sản xuất các tàu chiến hiện đại, vũ khí cao cấp như tên lửa siêu âm, … hay về hạt nhân dân sự, với các lò phản ứng cỡ nhỏ, rất phù hợp cho Việt Nam, vốn chỉ mới có một mạng lưới điện nhỏ bé.

Trong hiện tại, sự hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam tùy thuộc theo mức độ đối đầu của New Delhi với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc gia tăng hợp tác quân sự với các nước láng giềng với Ấn Độ như Pakistan hay Srilanka, New Delhi không loại trừ khả năng sẽ duy trì quân đội tại khu vực Biển Đông, cụ thể là tại cảng Cam Ranh, vừa mới được Việt Nam mở cửa đón khách.

Tác giả bài báo cho rằng, Hoa Kỳ là siêu cường, nhưng ở xa, chỉ có sự hợp tác giữa các nước châu Á mới có khả năng mang lại một giải pháp bền vững cho các đe dọa từ phương Bắc. Sự hợp tác Ấn – Việt có thể trở thành một trong các trụ cột đối với sự ổn định tại châu Á.

Kỷ nguyên của các chính trị gia háo sắc sắp cáo chung

Giới chính trị và tình dục là chủ đề nổi bật được cả hai tuần báo lớn tại Pháp, Le Nouvel ObservateurL’Express cùng quan tâm. « Tại sao tình dục lại khiến cho các nhà chính trị trở nên điên rồ ? » là tựa đề trên trang nhất L’Express. Còn Le Nouvel Observateur chạy tựa : « Sau các vụ xì căng đan DSK và Tron, nước Pháp của những kẻ vũ phu ». Tiếp sau vụ nguyên tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn bị cáo buộc vì tội bạo hành tình dục, thái độ thái quá của các chính trị gia trong lĩnh vực tình dục được công luận Pháp rất quan tâm.

Trong chuyên mục dành cho chủ đề này trên tạp chí L’Express, có thể kể đến bài phỏng vấn của tuần báo với nhà sử học Dimitri Casali, tác giả cuốn « Tình dục và Quyền lực, hậu trường trong đời sống của các thủ lĩnh » (Nxb La Martinière 2008). Ông Casali là chuyên gia về cuộc đời hoàng đế Pháp Napoleon đệ nhất.

Nhìn ngược dòng lịch sử, tính háo sắc của các nhà cầm quyền được nhà sử học Pháp khẳng định như là một hiện tượng mang tính nhân loại. Riêng đối với nước Pháp, việc dân chúng chọn các thủ lĩnh đầy « dương tính », có quan hệ tình dục với rất nhiều phụ nữ là chuyện bình thường. Theo ông, đây là một truyền thống thực sự lâu đời, bắt nguồn từ quan niệm về tính cách phi thường của các thủ lĩnh chính trị, những người nắm quyền lực tuyệt đối như kiểu vua Louis XIV.

Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích của truyền thông quốc tế xung quanh vụ án DSK cho thấy tâm thức này đang bắt đầu thay đổi. Uy quyền tuyệt đối của những ông vua háo sắc, nhà sử học nhận xét, có thể đang bước vào giai đoạn cáo chung.

Không có nhận xét nào: