Anh Hùng... Rơm
Nghỉ xả hơi, tôi và anh bạn người Nhật về SaiGòn lang thang ở trung tâm thành phố, mỏi chân mua hai lon nước ngồi nghỉ trên ghế đá quảng trường Lam Sơn giữa Q.1 saigon, đối diện khách sạn Rex , bỗng anh bạn khều tôi chỉ về hướng đường Lê Lợi trước mặt, từ phía xa một đoàn người áng chừng hai trăm đang nhấp nhô đi tới tay cầm cờ và đủ lọai biểu ngữ tự chế, đầu đội những chiếc nón lá trên nón cũng viết đầy khẩu
hiệu, tôi và anh bạn tò mò đứng lên nhìn, đoàn người mỗi lúc đến gần hơn tôi đọc được nội dung trên biểu ngữ và trên nón . Tôi dịch sang tiếng Nhật giải thích cho bạn mình: Đây là đoàn người nông dân đến từ tỉnh Tiền Giang bị nhà nước thu hồi lấy ruộng đất không hợp pháp họ lên đây biểu tình đòi lại đất vì tại Saigòn có văn phòng đại diện Quốc Hội ở phía nam. Không hẹn nhưng cùng một phản xạ tôi và anh ấy cùng móc túi lấy máy ảnh cá nhân leo lên ghế đá đứng ngắm chụp và quay video clip những chiếc nón lá ngộ nghĩnh đầy các dòng chữ ấy, đoàn người nam lẫn nữ hầu hết đều lớn tuổi, đi đứng rất trật tự, họ tiến thẳng đến khoảng trống trước nhà hát thành phố dừng lại tụ tập tại đây đưa cao biểu ngữ hô vang: “Chúng tôi cần đất canh tác chứ không cần tiền – UBND/ huyện cướp đất của dân – UBND xã vi phạm pháp luật đàn áp nhân dân – Xin Đại Biểu Quốc Hội cứu dân nghèo”...v.v… Nhiều người hiếu kỳ tụ tập đứng xem mỗi lúc một đông, có cả khách du lịch nước ngoài cũng đưa máy ảnh chụp lách tách, bỗng từ xa có tiếng còi hụ và hai xe police tiến đến họ thổi còi năng nổ giải tán những người hiếu kỳ không cho đứng xem, tôi và anh bạn Nhật cùng chung số phận giải tán như mọi người, lủi thủi rẽ qua đường Đồng Khởi đi chừng trăm mét tôi nghe sau lưng có tiếng kêu: – Hai anh kia đứng lại! - Vẫn bình thản bước đi cùng bạn mình vì tôi nghĩ chúng tôi không quen ai nơi đây, bước tiếp vài bước chân – Bỗng có bàn tay ai đó phía sau nắm vai áo tôi giật ngược kèm tiếng quát: Mày điếc hả — tôi và anh bạn cùng giật mình quay lại ngạc nhiên nhìn người lạ, anh ta chắc chưa tới ba mươi trên khuôn mặt cặp kính đen to đùng, áo gió khoát ngoài dù trời đang nắng – tôi chưa kịp lên tiếng thì anh ta nói như ra lệnh: Tụi mày đưa máy ảnh ra đây!! Tôi bình tĩnh nhỏ nhẹ hỏi lại: Anh là ai? Chúng tôi đâu quen anh mà đòi đưa máy ảnh? – Anh ta móc túi quần sau cầm cái thẻ đưa ra nói hách dịch: Cảnh Sát hình sự! Được không? — Tôi lắc đầu nhè nhẹ: Đây là thẻ gì thì thuộc về cá nhân anh chúng tôi là dân sự nếu có gì cần thì chỉ làm việc với người mặc sắc phục thôi. Thấy có nhiều người qua lại nhìn, anh ta rất mất lịch sự chỉ vào mặt chúng tôi: Được rồi! Tụi mày đứng yên chờ đó, anh ta móc tiếp chiếc máy bộ đàm từ trong áo gió bấm gọi ai đó, chắc chưa tới hai phút một chiếc xe police phóng ào tới, hai viên cảnh sát mặc sắc phục nhảy xuống. Tôi chưa kịp phân trần thì cả hai bước đến nắm tay chúng tôi vừa lôi ra xe vừa nói: Lên xe về Phường giải quyết. Ngồi sau thùng xe bạn tôi lo lắng đưa mắt nhìn như dò hỏi, tôi thì thầm bằng tiếng Nhật nói với anh: — Không việc gì phải sợ, mọi việc hãy để tôi, viên Cảnh Sát ngồi đối diện lừ mắt nhìn: Mày vừa nói ám hiệu gì với nó vậy? Tôi nghiêm mặt nhìn vào mắt anh ta: Xin lỗi, anh không lớn hơn tôi, hãy lịch sự, đừng mày tao! – Tôi nghĩ hôm nay chủ nhật dạo phố, hai chúng tôi diện áo pul với quần jen hơi te tua như dân bụi nên bị đánh giá quá thấp chăng?
Về tới đồn CA Phường, chúng tôi vừa xuống xe thì viên Cảnh Sát hình sự lúc nãy cũng chạy xe honda về tới, anh ta chỉ tay ra hiệu cho chúng tôi vào văn phòng, chưa kịp ngồi thì anh ta nạt tiếp: Lấy hai cái máy ảnh để lên bàn! – Tôi vẫn nhỏ nhẹ: Đây là tài sản cá nhân ít nhất chúng tôi phải biết lý do tại sao đã chứ? Anh ta hất hàm về phía hai thanh niên mặc đồng phục xanh trên tay áo có bảng hiệu màu đỏ ghi chữ “dân phòng”, cả hai ào lại bên người bạn tôi, một người nắm tay ngoặt ra sau lưng người kia thọc tay vào túi quần lấy cái máy ảnh đặt lên bàn, tôi cũng bị giống như vậy, viên Cảnh Sát hình sự một tay nắm cổ áo tôi tay kia thọc vào túi quần lấy ra cái máy ảnh, đến lúc này thì anh bạn Nhật của tôi phẫn nộ thực sự, anh ấy to tiếng bằng tiếng Anh dù tính anh rất hòa nhã và kiệm lời, viên Cảnh sát hất hàm hỏi tôi: Nó nói gì vậy? Tôi thản nhiên đáp: Anh ta nói các anh sẽ hối hận vì hành động lỗ mãng này! — Mày với nó trình giấy tờ tùy thân ra coi -- viên cành sát nói — Tôi vừa lấy CMND vừa nhìn anh ta bằng nửa con mắt: –Đừng mày tao, anh có thể lịch sự hơn một chút được không? Bạn tôi ném cái Identity card lên bàn, viên cảnh sát gom tất cả cùng hai máy ảnh đi vào phòng kế bên, lát sau quay ra đưa tôi một tờ giấy có tiêu đề “ Bản Tường Trình” anh ta hướng dẫn tôi ghi rõ địa chỉ cư ngụ nơi làm việc và chi tiết lý do quay phim chụp ảnh người dân đi biểu tình để làm gì? Anh ta đi vào trong còn tôi cặm cụi viết cái bản tường trình này, trong đó tôi thuật lại luôn toàn bộ chi tiết sự việc bị “nặng tay” tại văn phòng CA Phường còn cái lý do chụp ảnh tôi ghi: Chụp ảnh để gửi cho thân nhân ở nước ngoài chứng minh là Việt Nam người dân cũng được tự do thoải mái biểu tình mà không ai ngăn cấm và luật pháp không cấm đoán chụp ảnh nơi công cộng! Viết xong tôi ghi luôn tên người bạn Nhật của tôi phía dưới như là nhân chứng và là người có liên quan tới sự việc tôi đưa cho anh ấy cùng ký tên phía dưới, xong, tôi đứng lên đi ra cửa định bước qua bên kia đường photocopy vài bản, nhưng người dân quân chận lại, lên tiếng, viên cảnh sát hình sự bước ra giật lấy bản tường trình và nói: Muốn gì thì phải hỏi trước không được tùy tiện, anh ta quay vào lát sau có một Công An sắc phục có nhiều ngôi sao trên vai áo trong phòng bước ra cùng bản tường trình và hai cái điện thoại của chúng tôi, vừa lúc điện thoại bạn tôi reo, viên CA trao máy, bạn tôi trao đổi tiếng Anh trong máy, viên C.A tò mò hỏi, tôi trả lời: Xe của công ty đến đón chúng tôi ở điểm hẹn, anh ấy nói không cần sẽ tự túc về sáng hôm sau! Viên chức Sĩ quan CA này có vẻ có học và chuyên nghiệp hơn, đẩy về phía chúng tôi cuốn sổ và nói giọng thấp thoáng của kẻ cả bề trên: – Mọi việc xong rồi, lý ra chúng tôi tịch thu máy ảnh và phạt vi phạm hành chính, nhưng thấy mấy anh ở xa mới về thành phố vi phạm lần đầu nên chỉ xóa bỏ những hình ảnh trong ấy thôi, như là sự cảnh cáo, các anh ký nhận lại tài sản và ra về! Tôi trao đổi tiếng Nhật với bạn mình và đáp:
Anh ấy nói không thể như thế được, là doanh nhân (Business), thứ nhất — anh không cho phép ai xóa bất cứ dữ liệu nào trong máy mình mà không có sự đồng ý trước, thứ hai – chúng tôi chụp ảnh nơi công cộng như mọi khách du lịch khác, điều này luật pháp VN không cấm, thứ ba - cưỡng ép đưa về đồn CA, bị xúc phạm thân thể thô bạo mà không có lý do chính đáng cũng như không có biên bản ghi nhận sự việc rõ ràng và anh ấy nói sẽ ở lại đây cho đến sáng hôm sau – Tôi đọc được chút bối rối trong mắt sĩ quan này khi nghe ông ta hỏi : Để làm chi vậy? – Tôi quay qua bạn mình trao đổi và đáp: Sáng mai thứ hai anh ấy sẽ thông báo cho Lãnh Sự Quán Nhật Bản tại TP/HCM cử đại diện đến để xem xét vụ việc cụ thể hơn! Đến đây thì viên sĩ quan CA thật sự lúng túng đứng lên đi vào trong, lát sau quay ra ông ấy nhỏ nhẹ với riêng tôi: Anh có thể ký nhận lại máy và về trước đi. Tôi cười lắt đầu nói: Tôi là thông dịch, nhân viên của ông ấy làm sao mà tôi có thể ra về mà không có sự đồng ý và tôi cũng phản đối cùng nội dung như ông ấy vậy! Mười lăm phút sau viên cảnh sát hình sự bê khay nước có hai chai coca cola đặt trước mặt anh ta sum xoe xoa tay mời chúng tôi và như là rất chân thành anh xuống giọng: Mấy anh thông cảm giùm, cũng vì an ninh chính trị, hơn nữa dạo gần đây bọn phản động trong và ngoài nước câu kết kích động chống phá nhà nước ta nhiều mặt nên chúng tôi cảnh giác hơi chủ quan, ai cũng có lúc nhầm lẫn nhưng vì lợi ích chung xin bỏ qua cho… Tôi muốn phì cười khi nhìn anh ta như diễn viên hai mặt của một màn kịch bi hài nó có vẻ hèn hèn trong một nhân cách hạ đẳng của những phường “sớm đánh tối đầu” , tôi xin lỗi anh ta để chúng tôi ngồi nghỉ tự nhiên, nhưng cũng không thoát khỏi sự quấy rầy, lát sau tới phiên Sĩ Quan CA lại ra kéo ghế ngồi kế bên tôi ôn tồn như diễn giải như phân bua: Phải chi bạn anh người Tây Phương dễ nhận diện thì đâu có rầy rà đáng tiếc như vầy, tại bạn anh giống người mình quá nên… Tôi cười đưa tay xin ngắt lời ông:
- Xin lỗi, theo tôi hiểu những điều khoản trong hiến chương nhân quyền về quyền con người từ Liên Hiệp Quốc đâu có phân biệt Quốc Gia hay chủng tộc…. Ông ta không trả lời mà vả lã: — Thiệt tình là chúng tôi mong các anh thông cảm đừng làm sự việc nó đi quá xa, rối rắm thêm, mất thời gian cho mấy anh ..! Có tiếng reo điện thoại nghe loáng thoáng như từ sĩ quan trực nhật CA/Quận1 gọi xuống, ông ta vừa đứng lên thì viên Cảnh Sát hình sự lại sà đến vồn vã rót nước ngọt vào hai ly đưa mời tận tay chúng tôi, anh ta nói nhỏ như phân trần: Làm cái nghề này, không ai hiểu giùm cho, dễ mất lòng dân lắm nhưng vì cơm áo vì nghĩa vụ phải nhắm mắt làm thôi anh à! Mấy anh hiểu được thì đỡ khổ cho tụi tôi …, à mà mấy Anh làm việc tận Bình Dương lận sao? Thôi tối rồi để em gọi xe đưa mấy anh về… không sao đâu, tiền xe cơ quan lo… Không đợi chúng tôi lên tiếng anh vụt đứng lên đi ngay… Tôi quay qua nói hết tự sự cùng anh bạn Nhật anh ấy lắc đầu trầm ngâm như ngao ngán, năm phút sau chiếc xe taxi dừng trước cửa, viên cảnh sát hình sự liếng thoáng: Xe tới rồi nè mấy anh! Tôi và anh bạn Nhật miễn cưỡng đứng lên, viên sĩ quan CA cầm cuốn sổ chìa ra, anh bạn tôi khoát tay lẩm bẩm vài lời rồi cầm máy ảnh đi thẳng. Tôi dịch lại: – Anh ấy nói tài sản của mình sao lại phải ký nhận? Vô lý quá? Yên vị trong xe xong cả hai viên CA và Cảnh Sát chìa tay, lịch sự, cùng dân mình với nhau, tôi cũng bắt, nhưng ngồi phía trong, anh bạn tôi khoát tay nhìn hướng khác, tôi nghe anh nói trong cái lắc đầu: “Lịch sự muộn màng, không cần thiết”.
Hoàng Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét