Đấu trí và đấu mồm
Hôm 26.5.2911, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra một phúc trình về vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và kêu gọi trả tự do cho ông ta. Hồ sơ vụ này được làm như là một hồ sơ lớn trong các vụ vi phạm nhân quyền đã xẩy ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang tác chiến cầm chừng trong thời gian có cuộc bầu cử sắp đến và dùng “võ mồm” để thay hành động.
Biết rõ như vậy, Hà Nội cũng đã tranh thủ thời gian “tranh tối tranh sáng” này để ổn định tình hình và tạo một thế đứng mới có thể đối phó với nhiều khó khăn đang xẩy ra trước mắt.
Quan sát kỹ ba vụ án Mường Nhé, Cù Huy Hà Vũ và Bến Tre sẽ giúp chúng ta thấy rõ “binh pháp” mà Hà Nội đã và đang xử dụng để trấn áp các cuộc nổi dậy ở trong nước. “Binh pháp” này chắc chắn tinh xảo hơn “binh pháp” mà các nhà độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi đang xử dụng, và xảo trá hơn gấp trăm lần những gì người Việt chống cộng đang tố cáo, lên án hay chửi bới hàng ngày trên các báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và diễn đàn Internet ở hải ngoại.
CHIẾN THUẬT MƯỜNG NHÉ
Một số tài liệu được tiết lộ cho thấy nhà cầm quyền đã khám phá ra có sự liên lạc giữa nhóm Hmong ở hải ngoại với nhóm Hmong ở trong nước để hình thành một khu Hmong tự trị ở vùng biên giới Việt-Trung-Lào. Kế hoạch này được thực hiện dưới hình thức truyền giáo: Hình thành một tôn giáo mới có tên là đạo Vàng Chứ, một phiên bản (reproduction) của đạo Tin Lành. Vàng Chứ được mô tả là con của Đức Chúa Trời được sai đến. Các tài liệu và phương tiện được gởi từ California về. Công an liền huấn luyện một số mật vụ người Hmong cho xâm nhập vào các bản làng Hmong ở vùng biên giới và hoạt động rất năng nổ cho sinh hoạt của tổ chức đạo Vàng Chứ để theo dõi và nắm vững tình hình.
Khi các trưởng giáo loan truyền tại các xã Nà Bủng, Nà Khoa, Na Cô Sa và Nậm Kè... thuộc huyện Mường Nhé rằng vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, một "Thế lực siêu nhiên" sẽ xuất hiện ở Mường Nhé và đưa người Hmong về "một miền đất hứa”, đợt đầu là ngày 27.4.2011, người Hmong theo đạo Vàng Chứ bắt đầu kéo về Mường Nhé.
Lúc đó, nhà cầm quyền có thể huy động cảnh sát và bộ đội để ngăn chận hay giải tán những tín đồ Vàng Chứ tập họp về một cách dễ dàng. Nhưng họ đã không làm như vậy, vì biết rõ đây không phải là một cuộc nổi dậy bột phát do một biến động bất thường gây ra, mà là một phong trào có tổ chức, có lãnh đạo và được chuẩn bị rất chu đáo. Phải gài bẩy, bắt sạch các thành phần lãnh đạo, nhất là các thành phần chỉ huy nấp đàng sau hậu trường và các thành phần xách động, phong trào mới tan rã.
Công an đã biết rõ người lãnh đạo phong trào Vàng Chứ ở Mường Nhé là ông Giàng Séo Chẩn, mới 30 tuổi. Một số “trưởng đạo” và “thừa tác viên” cũng đã được nhận diện như Lý Trùng Tủa, Lý A Dế, Giàng A Sâu, v.v. Nhưng còn nhiều thành phần lãnh đạo đứng đàng sau và các thành phần có khả năng xách động khác vẫn chưa xuất hiện, nên công an phải để cho cuộc tập họp diễn tiến, chỉ ngăn chận các diễn biến có thể đưa tới biến loạn mà thôi. Một nguồn tin cho biết số người tập họp đã lên tới khoảng 5.000. Nguồn tin nói rằng Vàng Chứ, con Đức Chuá Trời sẽ xuất hiện vào ngày 25.5.2011. Ngài sẽ thành lập một vương quốc riêng.
Thấy chính quyền nhượng bộ, phong trào đòi hình thành một khu Hmong tự trị ngày càng lên cao. Nhiều người lãnh đạo và thành phần xách động ở đàng sau tưởng “thời cơ đã đến”, đã xuất đầu lộ diện. Công an quay phim và chụp hình hết. Đến ngày 7.5.2011, công an đột nhiên mở cuộc hành quân lùng bắt các thành phần lãnh đạo và xách động đã nhận diện được. Cuộc rối loạn bắt đầu xẩy ra khi các tín đồ chống lại chiến dịch bắt bớ của chính quyền. Ngày 9.5.2011, các đơn vị bộ đội đã được huy động để dẹp tan cuộc tụ họp, có cả trực thăng MI-21 “Hind” từ thời Liên Sô trợ chiến. Dĩ nhiên là đám đông đã chống lại và bị đàn áp thẳng tay, nhiều người bỏ trốn vào rừng. Bản tin ngày 10.5.2011 của RFI cho biết có 130 người bị bắt.
Trong khi người Việt chống cộng ở hải ngoại hô lớn “Zô! Zô! Zô!”, cuộc tập họp của người Hmong theo đạo Vàng Chứ ở Mường Nhé đã tan rã. Ngày 20.5.2011, ông Neng Chu Vang, con trai của Tướng Vàng Pao, kêu gọi người Hmong không làm gì để thách thức chính quyền và đề nghị chính phủ Việt Nam “có một giải pháp tốt đẹp và chân tình để giúp cộng đồng Hmong phát triển”.
Thật ra, để dẹp cuộc nổi dậy của người Hmong ở Mướng Nhé, nhà cầm quyền CSVN cũng chỉ áp dụng “binh pháp” mà Trung Quốc đã áp dụng để dẹp tan cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989 mà thôi.
CHIẾN THUẬT CÙ HUY HÀ VŨ
Trường hợp của Cù Huy Hà Vũ là một trường hợp đặc biệt, vì chính quyền đã dùng ông để gài bẩy một “thế lực” đàng sau hậu trường.
1.- Không phải là thành phần nguy hiểm
Bị coi là thành phần nguy hiểm cho chế độ khi đương sự hành động có kế hoạch, có tổ chức hay có hổ trợ từ nước ngoài. Đó là trường hợp của Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, v.v. Những người này đều có dự mưu làm thay đổi chế độ nên bị Công An gài bẩy cho liên kết với các tổ chức chống cộng cò mồi ở hải ngoại để bắt.
Các nhà phân tích đều đồng ý rằng Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ không phải là thành phần nguy hiểm cho chế độ. Ông chỉ là một người bộc trực, ruột để ngoài da, chỉ muốn nói lên những “bức xúc” của mình đối với chế độ, chứ không hề có âm mưu lật đổ chế độ. Vã lại, những nhận định của ông cũng không có gì mới lạ, nhiều người đã phát biểu gióng ông trước đó rồi.
Về phương diện luật pháp, mặc dầu tốt nghiệp đại học Sorbonne ở Pháp, ông chẳng những không xuất sắc về luật mà có khi còn tỏ ra không nắm vững các nguyên tắc căn bản của luật pháp. Một thí dụ cụ thể là trong vụ kiện chống khai thác bauxít ở Lâm Đồng, ông đã tỏ ra không nắm vững phải kiện ai, xử dụng tố quyền nào và đứng đơn với tư cách gì để đi kiện. Nhưng ông có một ưu điểm là dám la làng về những sự việc mà ông cho là bất công.
2.- Tại sao cứ để cù cưa?
Đa số những lời phát biểu của ông Cù Huy Hà Vũ đều có thể bị quy kết vào tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định ở điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Cứ đọc bản cáo trạng ngày 20.12.2010 của Viện Kiểm Sát thành phố Hà Nội sẽ thấy rõ. Nhưng mọi người rất ngạc nhiên là ông Cù Huy Hà Vũ đã nói và viết rất bạo, có khi gần như “liều mạng”, nhưng trong một thời gia dài ông đã không bị bắt, trong khi đó các bloggers chỉ đá móc, khều hay nói bóng nói gió cũng đã bị hù doạ, bị cho nghĩ việc, bị bắt thôi viết hoặc bị truy tố ra tòa và lãnh những bản án khá nặng. Tại sao?
Một số người cho rằng vì ông Cù Huy Hà Vũ là “con dòng cháu gióng” (con Cù Huy Cận) nên Đảng làm ngơ cho ông. Điều này khó tin được, vì khi cần bảo vệ chế độ, Đảng có nể mặt ai bao giờ?
Một nguồn tin từ trong nội bộ cho biết Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng biết rất rõ “thế lực” đứng đàng sau Cù Huy Hà Vũ đã xử dụng Cù Huy Hà Vụ như một công cụ để hạ uy tín hai nhân vật này và tranh quyền, nên ra lệnh cứ để Cù Huy Hà Vũ múa võ mồm, chờ “thế lực” đứng đàng sau tưởng “thời cơ đã đến”, xuất đầu lộ diện là tóm cổ luôn. Nhưng “thế lực” này vốn là một đảng viên cao cấp, có rất nhiều kinh nghiệm về thủ đoạn của Đảng CSVN, nên cứ nằm im, để cho Cù Huy Hà Vũ gây náo loạn chơi. Không thể để cho chuyện gây rối loạn này kéo dài khi Đại Hội Đảng sắp tới, nên Trương Tấn Sang phải ra lệnh bắt. Chính Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đã ra lệnh tuyên phạt Cù Huy Hà Vũ một bản án nặng để răn đe những người muốn đóng vai một Cù Huy Hà Vũ khác.
3.- Tranh luận về luật và lý vô ích
Vladimir Lénin đã từng tuyên bố; “Luật pháp chỉ là công cụ để trừng trị bọn tư sản và bọn phản động”. Khi mục tiêu của luật pháp đã được xác định như vậy, tranh luận về luật và lý đều vô ích.
Về hình luật, có hai nguyên tắc căn bản thường được tôn trọng. Nguyên tắc thứ nhất là “Nullum crimen, nulla poena sine lege” tức không có tội phạm, không có hình phạt nếu không có luật quy định. Dưới thời VNCH, sau khi hạ sát ông Ngô Đình Diệm, không có luật nào để giết ông Ngô Đình Cẩn, Đại Sứ Cabot Lodge phải ra lệnh cho Tướng Nguyễn Khánh đưa Đại Tá Nguyễn Mâu, Giám Đốc Nha Quân Pháp về làm Tổng Trưởng Tư Pháp để làm Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964, bất chấp nguyên tắc bất hồi tố của hình luật, mới giết được ông Cẩn theo đúng tinh thần Bi-Trí-Dũng.
Phải nhìn nhận rằng Bộ Hình Luật CHXHCNVN có quy định tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở điều 88. Nhưng nguyên tắc thứ hai cần được xác định, đó là “Hình luật phải được giải thích chặt chẽ” (A penal statute is to be strictly construed), Điều 88 của Bộ Hình Luật quy định về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như sau:
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là những quy định rất mơ hồ. Thế nào là “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”? Nếu ở Mỹ, ở Pháp hay ở VNCH trước đây, án lệ sẽ định rõ thế nào là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”. Với tình trạng tư pháp ở Việt Nam hiện nay, tòa muốn giải thích như thế nào tùy tiện. Vã lại, bản án đã được Ban Bí Thư Trung Ương Đảng quyết định trước rồi, việc giải thích luật trở thành vô nghĩa.
4.- Chính trị đấu với chính trị
Khi chính trị được đặt trên luật pháp, hai bên phải dùng chính trị để đấu với chính trị.
Nhà cầm quyền CSVN dựa vào mức độ nguy hiểm của các bị cáo để quyết định có truy tố hay không truy tố và nếu truy tố sẽ tuyên án như thế nào. Tòa án trở trành một buổi diễn tuồng.
Trong khi đó, các luật sư của bị cáo thay nhau tranh luận về thủ tục để gây tai tiếng cho toà, mặc dầu biết tòa không thể vượt ra khỏi chỉ thị của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng.
Dĩ nhiên, các tổ chức đấu tranh chính trị đã tung ra vô số phản kháng để tạo một luồng dư luận bất lợi cho chính quyền. Kiến nghị đòi trả tự do cho ông Hà Vũ do trang mạng Bauxite Việt Nam khởi xướng, đã có hơn 2.000 chữ ký, bao gồm các nhân vật đủ mọi tầng lớp trong xã hội.
Mỹ lúc nào cũng nhảy vô để nói với những người tranh đấu trong nước “Có Anh Hai Đây”, mặc dầu Anh Hai chỉ hù lấy lệ. Tổ chức Human Rights Watch cũng đã công bố một bản phúc trình dày 59 trang, nhận định rằng việc bỏ tù TS Hà Vũ vì tội tuyên truyền chống nhà nước chỉ làm dấy lên làn sóng đòi tự do cho ông và ông Vũ nhận được "sự ủng hộ rộng rãi trong nhiều bộ phận khác nhau của xã hội Việt Nam".
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của HRW nói rằng việc kết án Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ là "một vết đen khác trong hồ sơ nhân quyền vốn đã tồi tệ của Việt Nam và cho thấy rằng chính phủ Hà Nội sẽ làm bất cứ điều gì để dập tắt tiếng nói chỉ trích".
Đây cũng chỉ là những lời phát biểu suông, rồi nó sẽ bị vứt vào một góc xó nào đó.
CHIẾN THUẬT BẾN TRE
Kể từ ngày 20.1.2006, ông Vũ Mão, Trưởng Ban Đối Ngoại QHVN, đưa ra trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ý kiến ''Nên chọn những Việt kiều về nước công tác, đã có cống hiến lớn cho đất nước làm đại biểu Quốc hội, dù họ còn chính kiến này khác'', đảng Việt Tân bắt đầu chạy theo mục tiêu mới là “Biểu Dương Khí Thế” để được chọn làm “đại biểu Quốc hội”. Vụ án Bến Tre hôm 30.5.2011 là một thí dụ điển hình.
Bản cáo trạng tóm lược số 09/KSĐT-AN ngày 21/3/2011 của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bến Tre, được TTXVN công bố nói rằng “trong khoảng thời gian từ tháng 8/2009 đến tháng 4/2010, các đối tượng trên đã được tổ chức phản động Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (gọi tắt là Việt Tân) móc nối sang Thái Lan và Campuchia để tập huấn, huấn luyện, giới thiệu tôn chỉ, mục đích và kế hoạch hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “diễn biến hòa bình“ với phương pháp "bất bạo động."
Kể từ ngày bị bắt đến ngày bị xử án, đảng Việt Tân luôn xác nhận có ba người trong số những người bị bắt là thành viên của họ, đó là Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm.
Như chúng ta đã biết, mỗi khi một điệp viên của Nga hay Mỹ bị bắt, hai chính phủ này thường lên tiếng phủ nhận, sau đó mới thương lượng đàng sau để trao đổi. Tại sao? Tại vì xác nhận có nghĩa là cung cấp bằng chứng cho đối phương buộc tội người bị bắt. Trong vụ Mường Nhé cũng thế, nhóm Hmong ở hải ngoại luôn phủ nhận họ không liên hệ gì đến đạo Vàng Chứ ở trong nước. Ông Neng Chu Vang, con trai của Tướng Vàng Pao, còn kêu gọi người Hmong “không làm gì để thách thức chính quyền”. Đó là một thái độ khôn ngoan. Đảng Việt Tân trái lại, đã dùng những người khác hay tổ chức khác “biểu dương khí thế”, làm vật hy sinh cho họ, để chứng tỏ với dư luận: “Việt Tân đang có mặt trong nước đây”!
Chúng tôi đã nói với đảng Việt Tân rằng trong thời gian tới, nếu đảng CSVN muốn có đại biểu Việt Kiều trong Quốc Hội thì đại biểu đó sẽ được chọn trong các Hội Việt Kiều mà nhà cầm quyền CSVN đã cho thành lập ở hải ngoại, chứ không bao giờ chọn “đại biểu” trong đảng Việt Tân, nên đừng mơ tưởng hảo huyền.
CÁI KHÓ MÀ HÀ NỘI PHẢI ĐỐI PHÓ
Bây giờ Trung Quốc đã nắm phần thắng ở Cambodia, Lào, Miến Điện và Pakistan, trong khi đó, Việt Nam đang chơi trò đu dây giữa Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tỏ ra tin tưởng ở Trung Quốc và Nga hơn là Hoa Kỳ. Nhưng hiện nay đang có sự tranh chấp gay cấn giữa Trung Quốc và Việt Nam về Biển Đông. Hà Nội đang lo sợ nếu bất thần Trung Quốc tấn công vào một giàn khoan dầu nào đó của Việt Nam, sự đổ vỡ sẽ rất lớn.
Trong lịch sử, ngoại trừ thời ký Pháp thuộc và thời kỳ miền Nam Việt Nam lệ thuộc vào Hoa Kỳ, không thời kỳ nào Việt Nam không lệ thuộc vào Trung Quốc, kê cả trong thời kỳ độc lập. Lê Lợi, sau khi công bố Bình Ngô Đại Cáo để kích động lòng dân, đã sai Lê Thiên Dĩnh và Lê Quang Cảnh đem phương vật sang sứ nhà Minh xin phong vương với những lời lẽ hoàn toàn trái ngược lại, chẳng hạn như: “Ngờ đâu quan quân xa xôi mới đến thấy voi sợ hải, tức khắc vỡ tan. Việc đã xẩy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước cũng là lỗi của tôi...” Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa cũng đã sai Hám Hồ Hầu dẫn sứ bộ qua Trung Quốc dâng biểu lên vua Càn Long với lời lẻ cũng thê thảm như vậy: “Nếp nghĩ Đại Hoàng Đế là bậc theo ý trời, ban trị hoá, làm cho cành khô lại xanh tươi, cây kiệt lại nảy nở. Xin ngài lựa theo tự nhiên, thứ cho cái tội đón đánh Tôn Sĩ Nghị và xét cho tấc thành mấy phen đã gõ cửa ải, dâng lời tâu bày...” Đó là thân phận của nước bé.
Trong bài phỏng vấn của đài RFI được công bố ngày 28.5.2011, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại Sài Gòn đã có ý kiến rằng Chính phủ Việt Nam cần dựa vào dân để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông. Nhưng ngày xưa đọc Bình Ngô Đại Cáo hay Hịch Tướng Sĩ long trời lở đất để kích động lòng dân và tướng sĩ thì rất dễ, vì vua Tàu có nghe đâu? Ngày nay mà đọc những bản văn như thế, chỉ mấy phút sau là Bắc Kinh đã nghe rồi và chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra, nên Hà Nội phải tính toán kỹ khi hành động.
Năm ngoái, tại Hội Nghị An Ninh Châu Á thưòng niên, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ chống lại mọi hành động nhằm hù doạ các công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng. Nhưng Hà Nội có vẽ không tin tưởng Hoa Kỳ lắm, vì tuy nói vậy nhưng khi có cuộc tấn công của Trung Quốc, chưa chắc Hoa Kỳ đã can thiệp.
Dầu sao, Mỹ vẫn còn chủ trương trở lại Đông Dương, dùng Việt Nam làm lá chắn Trung Quốc và đầu cầu phát triển kinh tế ở Đông Nam Á. Năm 2010, Việt Nam đã bán cho Mỹ được 14 tỷ 867 USD hàng hoá, trong khi Việt Nam chỉ mua của Mỹ được 3 tỷ 710 USD, vì thế cán cân mậu dịch Mỹ bị thâm hụt 11 tỷ 157, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục giao thương tốt với Việt Nam.
Các nhà phân tích tiên đoán rằng sau cuộc bầu cử 2012, Mỹ sẽ có kế hoạch cụ thể để cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Từ nay cho đến ngày bầu cử, Mỹ khó có hành động nào. Người Việt hải ngoại cũng chỉ có thể “bảo vệ tổ quốc” bằng cách đọc Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng Sĩ và chửi Cộng Sản hèn nhát. Liệu Hà Nội có thể tìm được một giải pháp tốt nhất để đối phó với tình hình hay không?
Ngày 2.6.2011
Lữ Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét