Một ông Mao khác
Tuần qua, khi dư luận
còn theo dõi vụ luật sư Trần Quang Thành có được hộ chiếu để tới Mỹ hay chăng
thì một sự việc nhỏ lại lọt khỏi tầm nhìn của nhiều người.
Photo courtesy of cato.org . Ông
Mao Yushi tại Viện CATO, trụ sở tại Washington DC hôm 04/5/2012
Đó là sau nhiều trở ngại, một học giả Trung Quốc cuối
cùng đã được chính quyền cho phép qua Mỹ nhận một giải thưởng về kinh tế. Diễn
đàn Kinh tế trao đổi với ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu
Tự do về nhân vật này, một người ngẫu nhiên cũng họ Mao.
Vài nét về viện CATO
Thanh Quang: Xin kính chào ông Nghĩa. Chắc là ông có theo
dõi cái tin hơi lạ về một kinh tế gia Trung Quốc sau cùng đã được chính quyền
cho phép đến Hoa Kỳ nhận giải "Milton Friedman về Phát huy Tự do" hôm
Thứ Sáu mùng bốn Tháng Năm vừa rồi. Tiết mục chuyên đề tuần này xin đề nghị ông
trình bày về giải thưởng đó và về người đoạt giải năm nay, một kinh tế gia mang
họ Mao mà lại kịch liệt chống tệ nạn sùng bái cá nhân của Mao Trạch Đông. Như
thông lệ, xin ông trình bày cho bối cảnh hầu thính giả dễ theo dõi câu chuyện ly
kỳ này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin từng bước trình bày câu chuyện mà ra
khỏi thủ đô Hoa Kỳ đôi khi người ta ít theo dõi. Nhân đó, mình cũng thấy rõ hơn
về trí thức Trung Quốc.
Trước hết, Milton Friedman là một trong các kinh tế
gia có ảnh hưởng nhất của hậu bán thế kỷ 20. Sinh năm 1912, ông mở ra trường
phái tiền tệ trong khoa kinh tế và đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976. Ông sống
rất thọ, cho đến năm 2006, và đào tạo ra nhiều thế hệ kinh tế gia từ Đại học
Chicago, nổi tiếng về lý luận kinh tế tự do và thu hẹp tầm kiểm soát của chính
quyền để bảo vệ quyền tự do của công dân.
Milton Friedman đã được mời qua Trung Quốc thời Đặng
Tiểu Bình để thuyết trình nhiều lần về kinh tế tự do. Năm 2001, ông được viện
CATO xin phép dùng tên ông để lập ra giải thưởng vinh danh những người góp phần
phát huy quyền tự do cá nhân. Giải đầu tiên được trao năm 2002 và hai năm một
lần, viện CATO lại trao giải với trị giá là 250 ngàn Mỹ kim. Đó là về
"Giải thưởng Milton Friedman".
Viện này quản trị một tài sản lên tới hơn 50 triệu đô
la, cấp học bổng và mở khóa huấn luyện, nghiên cứu rất rộng. Thật ra, đây là
một lò trí tuệ theo trường phái tôi xin gọi là "tự do tuyệt đối" mà
bên Mỹ này gọi là "libertarian".
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thanh Quang: Chuyện thứ hai, thưa ông, viện CATO đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: CATO là tên một chính khách La Mã vào thế kỷ thứ nhất
trước Tây lịch, lừng danh về tài hùng biện và lòng kiên định bảo vệ nền cộng
hòa chống Hoàng đế Julius Ceasar đã chuyên quyền đưa nền Cộng hoà La Mã qua một
đế chế. Ông ta nổi tiếng đến độ vào thế kỷ thứ 18, hai trí thức Anh mượn tên
ông làm bí danh để phổ biến những lá thư đề cao nền cộng hoà và gây ảnh hưởng
rất lớn cho cuộc Cách mạng Độc lập của Hoa Kỳ. Những lý luận mệnh danh là
"Thư của CATO" mới dẫn đến chuyện ngày nay.
Năm 1974, một viện nghiên cứu được lập tại thành phố
Wichita của tiểu bang Kansas và hai năm sau thì họ lấy tên là "Viện
CATO", ngày nay có trụ sở tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Đây là một
trong các trung tâm nghiên cứu có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, với tôn chỉ là nâng
cao sự nhận thức về chính sách công quyền theo các nguyên tắc là giới hạn sự
can thiệp nhà nước, phát huy kinh tế thị trường, bảo vệ quyền tự do cá nhân và
hòa bình. Họ được nhiều tổ chức vô vụ lợi và doanh nghiệp tài trợ và trước sau
được sự cộng tác của 19 giải Nobel Kinh tế chứ không ít.
Viện này quản trị một tài sản lên tới hơn 50 triệu đô
la, cấp học bổng và mở khóa huấn luyện, nghiên cứu rất rộng. Thật ra, đây là
một lò trí tuệ theo trường phái tôi xin gọi là "tự do tuyệt đối" mà
bên Mỹ này gọi là "libertarian".
Thanh Quang: Câu chuyện này ngày càng rắc rối thưa ông! Cái trường phái "libertarian" đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chính là vì rắc rối nên ta càng cố trình bày từng bước thì mới hiểu ra nước
Mỹ rất phức tạp này! Sau đó thì mới nói tới nhân vật Mao Vu Thức của Trung
Quốc.
"Libertarian"
là một dòng tư tưởng mà ta có thể dùng chữ "vô vi" của Đông phương để
diễn tả. Trường phái này phát huy quyền tự do tuyệt đối của con người về kinh
tế, xã hội và chính trị qua việc thu hẹp sự can thiệp hay cấm đoán của nhà nước
hoặc bất cứ một hệ thống lý luận nào. Song song, về đối ngoại họ cũng chống lại
sự can thiệp quân sự hay chính trị của chính quyền.
Vì vậy, họ đứng ở phía
cực tả với quan niệm tự do phóng túng, như quyền hôn nhân đồng tính, nôm na là
nhà nước không nên xía vào chuyện chăn gối của thiên hạ! Vì triệt để lên án các
chính quyền Dân Chủ lẫn Cộng Hoà khi tham chiến ở xứ khác, họ có tinh thần phản
chiến, chủ hòa, hoặc bất xen lấn, đến độ tự cô lập. Ngược lại, vì đòi thu hẹp
tầm can thiệp của nhà nước vào thị trường và phát huy kinh tế tự do, với kỷ
cương về chi thu ngân sách - tức là chống tăng chi, tăng thuế và gây bội chi -
xu hướng này được coi là bảo thủ, là điều mà họ rất khó chịu!
Trong cuộc tranh cử tổng
thống tại Mỹ, Dân biểu Ron Paul bên đảng Cộng Hoà là điển hình của trường phái
"libertarian". Dù được phong trào Tea Party ủng hộ về đòi hỏi quân
bình ngân sách và bất can thiệp vào kinh tế, ông cũng là nhân vật phản chiến
nhất trên chính trường và thật ra có ảnh hưởng trong nhiều thành phần cả trẻ
lẫn già, bình dân hay trí thức. Nói chung, lý luận phân ranh tả hay hữu đều quá
thô thiển để nói về trường phái này.
Giải thưởng Milton
Friedman
Thanh Quang: Bây giờ ta nói về Giải thưởng Milton Friedman. Thưa ông, sau năm
lần trao giải, ta có thấy ra một số đặc tính về giải thưởng này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm người đoạt giải đã qua là một tập hợp rất lạ. Đầu tiên là một
kinh tế gia xuất sắc người Anh gốc Hung đã cải tiến lý luận về viện trợ và phát
triển các nước nghèo và rất có ảnh hưởng đến lề lối viện trợ của Ngân hàng Thế
giới. Thứ nữa là một kinh tế gia người Peru ở Nam Mỹ, nổi tiếng về công trình
nghiên cứu nền kinh tế chui và phát huy quyền tư hữu tại các nước nghèo.
Thứ ba là một sử gia,
cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế rồi Quốc phòng với thành tích nghiên cứu về
tội ác cộng sản và phát triển Cộng hoà Estonia sau khi giành lại độc lập từ chế
độ Xô viết. Thứ tư là một luật gia trẻ vì đấu tranh cho nền dân chủ tại xứ
Venezulea dù đã bị đàn áp rất nặng. Thứ năm là một nhà báo và nhà văn người
Iran, đã được nhiều nước Âu Châu vinh danh là công dân danh dự, do thành tích
đấu tranh cho dân chủ chống lại chế độ thần quyền của xu hướng Hồi giáo cực
đoan tại Tehran. Người thứ sáu, vừa được trao giải tuần trước là kinh tế gia
Mao Vu Thức, sinh tại Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.
Thanh Quang: Chúng ta đi đến phần ly kỳ, ông Mao Vu Thức này đã làm những gì mà được
trao giải về phát huy quyền tự do?
Ngay trong buổi trao
giải hôm Thứ Sáu vừa rồi còn có một người Hoa đứng lên hô khẩu hiệu đả kích ông
ta về tội phản quốc và được an ninh mời ra ngoài!
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta cũng có thể nêu câu hỏi là ông ta đã bị những gì dưới chế độ
độc đảng chuyên quyền của Trung Quốc!
Dù giải thưởng đã được
thông báo và thủ tục xuất ngoại đã hoàn tất, khi lên máy bay qua Mỹ ông ta còn
bị làm khó dễ! Có thể là vì chính quyền Bắc Kinh khi đó đang lúng túng với vụ
luật gia khiếm thị Trần Quang Thành nên ngại là nếu cản trở thì lại bị dư luận
chú ý và đành để ông ta đến Wahington lãnh giải. Ngay trong buổi trao giải hôm
Thứ Sáu vừa rồi còn có một người Hoa đứng lên hô khẩu hiệu đả kích ông ta về
tội phản quốc và được an ninh mời ra ngoài!
Về lai lịch thì sinh năm
1929, năm nay đã 83 tuổi, Mao Vu Thức tốt nghiệp Giao thông Đại học tại Thượng
Hải từ năm 1950 và là kỹ sư trước khi nghiên cứu về kinh tế từ năm 1978 về sau.
Khi còn là một kỹ sư, ông ta đã bị kỷ luật, lưu đày và thậm chí bỏ đói vì chống
lại chủ trương chỉ huy kinh tế và xã hội của đảng Cộng sản. Trong cuộc Cách mạng
Văn hóa, gia đình ông bị tước đoạt tài sản, bản thân bị cầm tù và hành
hạ.
Nhờ căn bản khoa học của
một kỹ sư, Mao Vu Thức trở thành kinh tế gia với lý luận có cơ sở, nhưng chú ý
đến vấn đề xã hội. Ông đã viết 15 cuốn sách về kinh tế thị trường, trong đó có
ảnh hưởng nhất là cuốn "Kinh tế học trong Đời sống Hàng ngày" với
những chỉ dẫn thực tế, dễ hiểu. Ông được mời làm Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại
học Harvard bên Mỹ rồi Đại học Queensland bên Úc. Năm 1993, cùng năm kinh tế
gia khác của Trung Quốc, ông lập ra Viện Nghiên cứu Kinh tế "Thiên
Tắc" hay Unirule để phát huy kinh tế thị trường và cải thiện chế độ cai
trị của xứ sở.
Ngoài ra, ông còn hoạt
động về xã hội khi mở nhiều hội thiện để giúp dân nghèo cải tiến cuộc sống và
tự lập, rồi trở thành một nhà đấu tranh cho dân chủ. Tháng 10, năm 2008, nhân
kỷ niệm 60 năm ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc, ông
đã cùng hơn 350 trí thức ký bản "Hiến chương 08" theo tinh thần của
bản Hiến chương 77 của Tiệp Khắc năm xưa để kêu gọi 19 điều cải cách chính trị
và luật lệ hầu ra khỏi chế độ độc đảng và tiến tới dân chủ. Trong số các nhân
vật đề xướng bản tuyên ngôn có một đảng viên cấp Trung ương đảng, thư ký riêng
của Tổng bí thư Triệu Tử Dương rồi bị khai trừ và cầm tù là Bao Đồng. Và có nhà
văn Lưu Hiểu Ba, sau này được Giải Nobel Hoà bình năm 2010 và đang bị cầm
tù.
Kinh tế gia đặc biệt
họ Mao
Ông Mao Yushi (thứ 2 từ
phải) tại Diễn đàn FT hàng năm của Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh. Ảnh chụp hôm
15/12/2008. AFP
Thanh Quang: Như ông vừa trình bày thì ông Mao Vu Thức này quả là một nhân vật
khác thường. Thế chế độ Cộng sản Trung Quốc có làm gì ông ta hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tất nhiên là chính quyền Bắc Kinh thấy khó chịu nhưng khó trực diện
đàn áp một người có uy tín như vậy.
Chuyện lý thú là Tháng
Tư năm ngoái, Mao Vu Thức còn viết một bài xã luận trên blog "Tài
Kinh" hay Caixin với tựa đề "Hãy để Mao Trạch Đông là Người". Lý
luận của ông là đừng sùng bái Mao như thần thánh và tốn tiền ướp xác làm chi mà
phải coi Mao là người, rồi đem ra xử trước công lý về cái tội đã làm 50 triệu
dân vô tội bị chết oan trong 30 năm đen tối của Trung Quốc. Cũng do bài viết
này và việc kịch liệt bênh vực Lưu Hiểu Ba mà Mao Vu Thức gây phản ứng dữ dội
từ phe Maoít. Cả vạn người đã ký trên cái blog Utopia của cánh "Tân
Tả" để bênh Mao và mạt sát, thậm chí còn đòi hạ sát Mao Vu Thức!
Tuy nhiên, ông ta viết
lách và ăn nói ôn tồn, mà khi đó, Bắc Kinh đang sợ Mùa Xuân Á Rập và Cách mạng
Hoa nhài và lại vừa bắt giam nghệ sĩ Ngải Vị Vị nên tránh làm lớn chuyện. Cũng
từ vụ bênh Mao Trạch Đông và tấn công Mao Vu Thức, người ta mới chú ý đến nhân
vật Bạc Hy Lai và phong trào "thanh hồng – đả hắc" của ông ta tại
Trùng Khánh. Khi đó, dư luận đã để ý đến lời than phiền của Thủ tướng Ôn Gia
Bảo tại Hong Kong, rằng có hai thế lực đang cản trở tiến trình cải cách tại
Trung Quốc. Một là "tàn dư của chế độ phong kiến", với hàm ý là phe
thủ cựu, bên kia là "ảnh hưởng mờ ám của Cách mạng Văn hoá". Qua sự
kiện đó ta cũng đã có thể tiên đoán những biến động chính trị vừa rồi trong vụ
Bạc Hy Lai.
Nói cách khác, trong
tầng lớp trí thức Trung Quốc, cuộc tranh luận về cải cách hoặc tiến thoái đang
gây ra nhiều đợt sóng ngầm và Mao Vu Thức quả là nhà tư tưởng đáng chú ý và có
ảnh hưởng trong khung cảnh tranh tối tranh sáng của Trung Quốc.
Thanh Quang: Như ông vừa trình bày thì ông có tìm hiểu về nhân vật này từ đã
lâu. Ông nghĩ sao về lý luận kinh tế của Mao Vu Thức?
Khi còn là một kỹ sư,
ông ta đã bị kỷ luật, lưu đày và thậm chí bỏ đói vì chống lại chủ trương chỉ
huy kinh tế và xã hội của đảng Cộng sản.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Là một nhà khoa học tự nhiên trước khi nghiên cứu về nhân văn và xã
hội, Mao Vu Thức là kinh tế gia thực tiễn và có chiều sâu về văn hoá. Ông giải
thích cho quần chúng hiểu những khúc mắc kinh tế từ các điển tích phổ quát
trong dân gian. Thí dụ như ông giải lại truyện Kính Hoa Duyên của Lý Thời Trân
rất nổi tiếng từ đời Thanh ra chuỗi lý luận dễ tiếp nhận về lợi nhuận và ưu thế
của kinh tế thị trường. Ông cũng đem nhân vật không thật mà được hệ thống tuyên
truyền của chế độ dựng thành hình tượng lý tưởng là chú bộ đội Lôi Phong để
minh chứng rằng kinh tế thị trường mới có lý!
Hãy tưởng tượng là các
nhân vật huyền thoại như Lê Văn Tám hay Nguyễn Văn Trỗi được các kinh tế gia
Việt Nam khéo vạch trần để nói về kinh tế học trong đời sống hàng ngày! Chẳng
có khẩu hiệu gì ghê gớm làm chế độ sợ hãi và quy tội là "có âm mưu lật
đổ", nhưng lại có giá trị soi sáng cho người dân thấp cổ bé miệng ở dưới.
Thanh Quang: Câu hỏi cuối, thưa ông, từ giải thưởng Milton Friedman về thành
tích Phát huy Quyền tự do đến nhân vật Mao Vu Thức được quốc tế trọng vọng, ông
nghĩ sao về các học giả và trí thức của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dĩ nhiên là họ có nhiều xu hướng tả hữu, thủ cựu hay cách tân, cực
đoan hay ôn hòa, nhưng trình độ chung thì khá cao và những người chủ trương cải
cách cũng có đởm lược và nhất là không sợ bạo quyền. Theo dõi lý luận của họ từ
phái Tân tả qua Tân hữu, từ Uông Huy đến Chu Học Cần, từ thân chính quyền đến
cải cách chính trị, tôi thiển nghĩ chế độ vẫn chấp nhận một vùng tranh luận tự
do để mong tìm thấy trong đó những giải pháp khả thể. Điều ấy mới làm trí thức
và kinh tế gia ở Việt Nam nên quan ngại và dám suy nghĩ rộng hơn. Và nhất là
dám nói thật mà không sợ.
Thanh Quang: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc
trao đổi này.
Thanh Quang, phóng viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét