Anh Vũ - Lê Hải

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận giải Templeton vì những cống hiến về tâm linh
Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại lễ nhận giải Templeton tại thánh đường St Paul, Luân Đôn, 14/05/2012.  REUTERS/Stefan Wermuth

Giải thưởng Templeton, một giải thưởng uy tín và có giá trị hiện vật cao nhất thế giới (hơn 1 triệu đô la) vừa được trao cho lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma 14/05/2012, trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại thánh đường St Paul ở thủ đô Luân Đôn. Giải thường này ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng trong lĩnh vực tâm linh vì cuộc sống bình yên của nhân loại.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình :
Giải Templeton được Sir John - tỷ phú người Anh, sinh ở Mỹ - đặt ra vào năm 1973 và Mẹ Teresa là người đầu tiên được trao giải thưởng hiện vật cho những hoạt động mang tính tiên phong cho hiểu biết của con người trong lãnh vực tâm linh. Trong danh sách những người được nhận giải thưởng hàng năm, có nhiều lãnh đạo tôn giáo, nhưng còn có cả các nhà khoa học như triết gia Charles Taylor nổi tiếng, hay năm ngoái là một giáo sư thiên văn học, trước đó là một giáo sư sinh vật học, và trước nữa là một giáo sư vật lý lượng tử.
Lý do trao giải thưởng cho Dalai Lama, theo quĩ John Templeton, là ngài đã ứng dụng tiến bộ công nghệ vào giải quyết các vấn đề của thế giới nhân văn và bền bỉ chứng minh rằng lời giải duy nhất là con đường tâm linh, một việc làm tương đương với một nghiên cứu khoa học lấy mỗi cá nhân con người làm trung tâm.
Thống nhất các tôn giáo và liên kết với khoa học
Khi được tin, Dalai Lama đáp lời rằng ngài nhận giải thưởng như thêm một phần thưởng công nhận những đóng góp nhỏ nhoi của ngài cho nhân loại, trên con đường bất bạo động và thống nhất các truyền thống tôn giáo khác nhau. Thực sự ra, Dalai Lama từ lâu đã tham gia nhiều hội thảo khoa học và quan tâm rồi viết sách liên kết với các nhà khoa học thuộc các ngành như thiên văn, hành vi, trí não hay cả vật lý lượng tử. Nhiều quyển sách khoa học của ngài thuộc vào nhóm bán chạy best seller, ví dụ như tập bài giảng ở đại học MIT bên Mỹ. Ngay tại nơi sống và làm việc bên Ấn Độ thì Dalai Lama cũng xúc tiến một chương trình giáo dục gọi là Khoa học dành cho các nhà tu hành, mời các nhà khoa học tại chỗ và phương Tây sang nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo Tây tạng, đổi lại bằng cách giảng bài trong ngành khoa học của mình cho các nhà sư đang tu tập. Ngài cũng có một viện nghiên cứu tương tự ở Colorado, Hoa Kỳ.
Với báo chí nước Anh, Dalai Lama luôn là thanh nam châm thu hút mối quan tâm hàng đầu, cho nên câu chuyện giải thưởng từ cuối tuần trước đã xuất hiện ở nhiều nơi. Hầu hết các hàng tít đều quan tâm đến trị giá của giải thưởng này, bằng đúng 1,1 triệu bảng Anh, tính ra đô la Mỹ là khoảng 1,7 triệu hay 1,8 triệu, tức khoảng trên dưới 1,3 triệu euro. Họ còn quan tâm hơn đến chuyện số tiền này sẽ được trao cho ai, vì tên người nhận được giữ kín cho đến lúc Dalai Lama chính thức phát biểu nhận giải. Điều bí mật thú vị đó đã lôi cuốn thêm rất nhiều người dân bình thường của London cũng quan tâm đến phần sau của lễ phát giải.
Phần lớn tiền của giải thưởng được tặng cho một quĩ cứu trợ trẻ em
Và giữ đúng lời hứa, sau khi nhận bản thân chỉ là một người bình thường trong số 7 tỷ người bình thường trên trái đất, Dalai Lama thông báo sẽ chuyển trên 900 ngàn bảng Anh cho chi nhánh Ấn Độ của quĩ cứu trợ trẻ em Save the Children. Trên 100 ngàn bảng Anh khác được chuyển cho trung tâm nghiên cứu của ngài ở bên Mỹ như vừa kể và một số tiền nhỏ còn lại cho chương trình phổ cập khoa học cho giới tu hành Tây Tạng. Mặc dù trong những thông điệp chính thức, Dalai Lama không nói gì đến các vấn đề chính trị, nhưng trong cuộc họp báo ngài chia sẻ nhận định rằng Phật giáo, trong đó có hệ phái Tây Tạng của ngài, là niềm hi vọng cho cuộc khủng hoảng đạo đức ở Trung Quốc hiện nay.
Mỗi hoạt động của Dalai Lama trên trường quốc tế đều luôn khiến Trung Quốc khó chịu, vì mỗi lần như vậy báo chí đều giải thích lại rằng Dalai Lama phải lưu vong ở Ấn Độ, vì quê hương Tây Tạng của ngài đã bị Trung Quốc xâm lược từ năm 1950. Tuy nhiên mới gần đây Dalai Lama với lý do tuổi tác đã rút khỏi chức vụ người đứng đầu nhà nước Tây Tạng lưu vong, và tập trung hơn vào các vấn đề tâm linh, cũng như phát triển cho Phật giáo Tây Tạng.
Sức ép của Bắc Kinh và tình cảm của người dân Anh
Khi được báo chí hỏi cảm nghĩ về những vụ người Tây Tạng tự thiêu phản đối tình trạng không được tự do tôn giáo dưới chế độ cộng sản Trung Quốc, ngài cho biết câu trả lời của mình là zero. Dù vậy, những cuộc gặp của Dalai Lama với các lãnh đạo thế giới luôn tạo ra tranh cãi và chịu sức ép ngoại giao mạnh từ phía Trung Quốc. Ngay cả tổng thống Obama của Mỹ cũng từng phải hạ thấp tầm quan trọng của cuộc gặp ở Nhà Trắng với lãnh tụ tâm linh Tây Tạng, và lần này, thủ tướng David Cameron của Anh cũng không dám tiếp Dalai Lama trong khuôn viên phủ thủ tướng ở số 10 Downing Street. Thủ tướng trước đó của Anh là Gordon Brown cũng phải làm tương tự, tiếp lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng bên ngoài phủ thủ tướng, cho thấy sự dè chừng e ngại trước thái độ của Trung Quốc.
Thế nhưng bất kể các chính phủ các nước có thái độ như thế nào đối với vấn đề Tây Tạng, việc buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức ở thánh đường St Paul trang trọng nhất London và ảnh chụp Dalai Lama bên cạnh các lãnh đạo Anh giáo là những điều đủ để chinh phục tấm lòng của những người dân Anh bình thường và đặc biệt là giới báo chí, nghệ sĩ và trí thức để họ tiếp tục ủng hộ con đường khó khăn của người dân Tây Tạng đòi tự do tôn giáo và quyền tự chủ.
Anh Vũ / Lê Hải RFI

Không có nhận xét nào: