Lữ Giang

Những giờ đen tối

Nhiều người đã ngạc nhiên hay cảm thấy buồn tê tái khi đọc bài “Một số chuyện đáng buồn” của chúng tôi trích dẫn một số đoạn trong cuốn hồi ký “Decent Interval” của Frank Snepp, một viên chức cao cấp của CIA ở Sài Gòn, tiết lộ việc tướng Nguyễn Cao Kỳ âm mưu đảo chánh ông Thiệu, về tài sản của ông Thiệu, về 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia, về số vàng của Hàng Không Việt Nam biến mất, việc đánh lừa Tướng Dương Văn Minh ra làm Tổng Thống được nói là để thương lượng với Hà Nội nhưng thật sự là để tuyên bố đầu hàng, vụ tổng xuất Tổng Thống Thiệu, v.v. Không ai có thể ngờ được chính phủ Hoa Kỳ đã giết ông Diệm để nhảy vào lãnh đạo cuộc chiến Việt Nam và đưa miền Nam vào những ngày đen tối như vậy.

Hôm nay, chúng tôi sẽ trích thêm một số đoạn nói về việc Hoa Kỳ đã tuyển chọn những tay chân bộ hạ như thế nào để thi hành kế hoạch rút khỏi miền Nam và Hoa Kỳ đã điều khiển những giờ cuối cùng của miền Nam như thế nào. Đây là những giờ đau buồn nhất của VNCH.

Dĩ nhiên, có một số người đang số gắng chống lại việc công bố những sự thật lịch sử vì cho rằng nó phương hại đến những gì mà họ đang trân trọng. Nhưng những tài liệu về cuộc chiến Việt Nam hầu hết đã được đưa ra ánh sáng và nằm đầy trong các văn khố, trong các hồi ký của các nhân chứng lịch sử và trong các tài liệu nghiên cứu..., làm sao có thể dùng cảm tính của cá nhân hay một số tập thể để thay đổi lịch sử được? Các sử gia, các nhà phân tích và các thế hệ mai sau sẽ không quan tâm đến những cuộc biểu  tình sôi động trên phố Bolsa hay những tuyên ngôn truyên cáo, họ chỉ dựa vào các tài liệu nói trên để đánh giá cuộc chiến Việt Nam và rút bài học lịch sử.

KHI MỸ CHUẨN BỊ RÚT LUI

Trong phần đầu của cuốn “Decent Interval” Frank Snepp đã tiết lộ cho chúng ta thấy Hoa Kỳ đã chuẩn bị như thế nào khi muốn rút lui khỏi cuộc chiến Việt Nam. Lối mô tả của viên chức CIA này có vẽ sống sượng hơn lối mô tả của các nhà chính trị, nhưng nó đã giúp cho chúng ta nhìn rõ sự thật lịch sử hơn. Frank Snepp viết:

“Với cái "mục tiêu thân hữu” (“friendly target”), như chế độ của Thiệu được gọi, khó khăn là làm thế nào để vừa buộc họ phải tuân theo chính sách của chính chúng tôi, vừa có những tay sai (agents) có chất lượng để thi hành chính sách đó.

“Trong những năm ngay sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, từ năm 1963, miền Nam Việt Nam liên tiếp bị xáo trộn vì những cuộc đảo chính và chống đảo chính. Có những viên tướng đầy tham vọng định lợi dụng tình trạng không ổn định của nước này để đục nước béo cò. Năm 1967, một phần vì sự gợi ý của một phân tích gia về quân sự trẻ và thông minh ở Sài Gòn tên là Daniel Ellsberg, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định ủng hộ một đối thủ (contender) khác, một viên tướng miền Nam bình thường và coi như phi chính trị (modest, supposedly non-political) tên là Nguyễn Văn Thiệu – trong một nỗ lực cuối cùng để chấm dứt các cuộc khủng hoảng. Sau đó ít lâu, cùng năm ấy, Thiệu được đưa lên làm Tổng thống. Người có quyền lực thật sự trên đất nước lúc đó là Nguyễn Cao Kỳ, một người Bắc nổi bật (flamboyant) nguyên Thủ tướng nay trở thành Phó Tổng Thống. Nhưng Đại sứ Bunker không hề lo sợ về Kỳ và phe cánh của Kỳ. Dần dần, ông gạt được họ ra và chỉ nói về những vấn đề chính trị với Thiệu mà thôi. Một “cú ân huệ” (coup de grâce) đã đến với Kỳ trong cuộc tấn công của Cộng Sản năm 1968 khi một số trong các đồng minh thân tín đầy quyền lực của ông ta bị giết. 

“Từ đó, mục tiêu chính của sứ quán là củng cố bằng mọi giá chính phủ Thiệu, để cho nước Mỹ có thế rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Tháng 10 năm 1972, nhằm mục tiêu ấy, chúng tôi đã mua, mua chuộc và bán rất nhiều nhân vật quân sự, chính trị Nam Việt Nam, để các nhân viên tình báo, những người cộng tác với chúng tôi nằm trong chính phủ chỉ là những phần nối dài của chính chúng tôi.

(We had bought, bribed and sold so many South Vietnamese military and political figures that our spies and collaborators inside government were mere extensions of ourself.” (tr. 13)

Qua hai đoạn được trích dẫn nói trên, chúng tôi có những nhận xét sau đây:

1.- Hai tướng Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu đã được CIA tuyển chọn khi cả hai cùng đi học khoá Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas, tại Hoa Kỳ vào năm 1957 – 1958, rồi được cài vào chính phủ Ngô Đình Diệm để lật đổ chính phủ này và thực hiện các kế hoạch tiếp theo do Mỹ đưa ra. Frank Snepp chỉ mới làm việc cho CIA từ năm 1968, không nắm vững những chuyện đó nên tưởng rằng ông Thiệu mới được tuyển chọn năm 1967.

2.- Tiêu chuẩn để tuyển chọn một người cấm quyền tại Nam Việt Nam để thi hành chính sách của Mỹ được Frank Snepp nói rõ: Phải tuân hành chính sách của Mỹ và có khả năng thi hành chính sách đó. Một tiêu chuẩn thứ ba là phi chính trị (non-political), chỉ biết làm theo sự dẫn dắt.

3.- Ông Thiệu được đưa lên làm tổng thống không phải để bảo vệ miền Nam mà là để “Mỹ có thế rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới”.

4.- Ông Thiệu không được coi như là một cộng tác viên (collaborator) của Mỹ mà chỉ là một tay sai (henchman), được lèo lái để hoàn thành chính sách của Mỹ. Với chủ trương “Từng chiến lược cho từng mức viện trợ”, ông Thiệu coi miền Nam như lãnh thổ của Mỹ: Mỹ cấp viện trợ đủ, giữ cả miền Nam. Mỹ cắt bớt viện trợ, thu nhỏ lãnh thổ lại và cuối cùng bỏ mất miền Nam theo như kế hoạch của Mỹ đã định trước. Chủ trương này đã dựa vào phúc trình về tình hình của tướng Mỹ John E. Murray và khuyến cáo của tướng Ted Serong, cả hai có thể được coi như là “cò mồi”. Nói một cách tổng quát, Tổng Thống Thiệu đã hành động với tinh thần của một người lính đánh thuê (mercenary) chứ không phải với tinh thần của một chiến sĩ quốc gia, cuơng quyết bảo vệ miền Nam cho đền giọt máu cuối cùng.

Giả thiết lúc đó Mỹ để cho dân miền Nam bầu một nhân vật chính trị lên làm tổng thống như Luật sư Trần Văn Tuyên, Luật sư Vương Văn Bắc, ông Trần Chánh Thành... chẳng hạn, những người này sẽ không chịu ký hiệp định Paris và đi tìm một giải pháp khác để bảo vệ miền Nam. Họ sẽ làm hỏng kế hoạch của Mỹ.

HAI “AGENTS” CỞ BỰ CỦA CIA

Frank Snepp  cho biết CIA đã tuyển dụng hai tướng có thế lực của miền Nam làm “agents” cho họ để cung cấp tin tức và thi hành chính sách từng giai đoạn của Hoa Kỳ. Ông tiết lộ:

“Shackley đã lôi kéo được tướng Đặng Văn Quang, viên cố vấn sôi nổi (ebuillient) về an ninh của Thiệu (coi như Kissinger của Thiệu, nếu như bạn muốn gọi như thế) làm một người cung cấp tin tức (informant) cộng tác chặt chẽ với trạm CIA. Shackley còn triển khai sự kết hợp chặt chẽ với tướng Nguyễn Khắc Bình, người trở thành cấp chỉ huy đầy quyền lực của Cảnh Sát Miền Nam Việt Nam.

“Cho đến ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Quang và Bình có thể được coi là những nhân vật quan trọng nhất của chúng tôi ở Việt Nam. Nhưng trong thực tế họ được đánh giá hơi cao. Người này cũng như người kia, không ai cung cấp cho chúng tôi nhiều tin tức. Chúng tôi lấy tin chủ yếu nhờ những máy móc đặt bí mật trong dinh Tổng thống. Phòng làm việc của Thủ tướng được nghe thường xuyên. Số ít tin tức do Bình và Quang cung cấp thường sai lệch. Thật vậy, họ nhanh chóng hiểu rằng họ phải nghĩ đến quyền lợi riêng của họ và quyền lợi của Thiệu, không thể cung cấp cho chúng tôi đúng những tin tức chúng tôi yêu cầu. Hơn thế, trạm CIA phụ thuộc rất nhiều vào họ về mặt chính trị, vì họ là những người truyền đạt những chủ trương và những quyền lợi của người Mỹ trong chính phủ, vì thế chúng tôi không thể đánh giá những tin tức của họ một cách khách quan hay có phê phán.

“Sự tín nhiệm của chúng tôi đối với hai người này đã gây ra nhiều hậu quả tai hại. Không phải những cơ quan tình báo bị ánh hưởng mà cả uy tín về tinh thần và chính trị của người Mỹ đối với người Việt Nam cũng bị giảm sút. Làm cho Quang và Bình trở  thành những người giàu có và có thế lực, cả Quang và Bình trở thành những biểu tượng về tham nhũng và thoái hóa theo lối Mỹ, điều đó sau cùng đã cung cấp cho Cộng Sản vũ khí tốt nhất để tuyên truyền”.

(By virtue of the wealth and prominence we bostowed on them, both Quang and Binh became symbols of the American-inflicted corruption and decadence that ultimatly provided the Communists with their best propaganda weapon).

(trích từ tr. 8 và 9).

Theo ý kiến chúng tôi, Frank Snepp đã đánh giá tướng Đặng Văn Quang quá cáo khi coi ông như là một thứ “Kissinger” của Thiệu. Tướng Thiệu và Tướng Quang cùng tốt nghiệp khóa sĩ quan Đập Đá ở Huế năm 1948 và có trình độ văn hóa thấp như nhau (chưa học xong trung học). Những người từng đi họp với tướng Quang và tướng Thiệu nhiều lần cho biết chẳng bao giờ Quang dám có ý kiến gì khác với ông Thiệu. Mỗi lần ông Thiệu hỏi chuyện gì, Quang đều trả lời: “Thưa Tổng Thống nói đúng!”.

Nhiệm vụ chính của tướng Quang là “kinh tài” cho ông Thiệu, trong đó có hai nghiệp vụ chính là đi thu hụi chết và buôn lậu. Trung Tá Trần Tích, Trưởng Phòng Quản Trị Quân Đoàn 2 kể lại rằng tháng 3 năm 1975 ông cùng tướng Phạm Văn Phú di tản khỏi Pleiku bằng máy bay. Khi vừa về tới Nha Trang, Tướng Phú đã quay lại bảo ông: “Xem có ai muốn đi làm tỉnh trưởng không?”. Trung Tá Tích rất ngạc nhiên và hỏi lại: “Giờ này mà còn tỉnh trưởng gì nữa, thưa Thiếu Tướng?”. Tướng Phú liền nói: “Tháng này chưa có 2 triệu nộp cho Trung Tướng”(!).

SỐ PHẬN CỦA KẺ PHẢN BỘI CIA

Mặc dầu tướng Đặng Văn Quang được CIA gài vào bên Tổng Thống Thiệu để lấy tin  tức, nhưng trong cuộc họp tại Cam Ranh trưa 11.3.1974, tướng Thiệu ra lệnh rút khỏi Cao Nguyên, nhưng tướng Quang không báo cho CIA biết. Do đó, khi hay tin này, CIA đã sa thải tướng Quang ngay. Vì thế tướng Quang đã gặp khó khăn khi đi di tản.

Polar, Trưởng Trạm CIA Sài Gòn là người có quan hệ với người Việt Nam thuộc đủ loại, nên khi đến giờ di tản, ông đã bị nhiều người kêu cứu, nhưng trong nhiều trường hợp ông không thể giúp đỡ được. Riêng trường hợp tướng Quang, Frank Snepp đã kể lại như sau:

“Polgar trở thành tù binh trong sứ quán đúng lúc bạn bè Việt Nam chờ ông, cách đó khoảng mười ngôi nhà. Polgar đứng bên hàng rào, bất lực; ông đang nhìn biển người trước mặt, chợt một tiếng quen thuộc gọi ông, gọi to và giật giọng. Đó là nguyên cố vấn an ninh của Thiệu, tướng Đặng Văn Quang vừa đến và len tới sát hàng rào. Ông mặc một chiếc áo đi mưa dài, đeo kính đen, xách hai cặp rất nặng. Polgar nói dõng dạc với người gác  cổng: "Cho người này vào". Nhưng cũng phải tranh luận, người gác cổng mới đồng ý hé cửa để Quang lách cái thân già, béo phệ của ông ta vào!

“Những giờ sau, Quang đi đi lại lại trong phòng làm việc của Polgar trên lầu sáu trông rất giống một trái quất vàng tròn trĩnh với bộ quần áo màu xanh nước biển, đeo nhiều kim cương. Quang gọi dây nói khá lâu vì trong lúc sợ hãi và vội vàng vào sứ quán, ông đã quên con cháu đang đứng bên  ngoài. Quang cố cầu cứu mấy người bạn giúp.

“Hầu hết chúng tôi cố quên Quang. Thấy ông ta ngồi trong phòng, chúng tôi đi ra ngay. CIA đã trả ông ta nhiều tiền và nâng cao ông ta trong nhiều năm, và bảo đảm vị trí của ông ta bên cạnh Thiệu, nhưng cuối cùng ông ta đã phản bội chúng tôi, không cho chúng tôi biết quyết định của Thiệu rút khỏi Cao Nguyên.

“Vì thế, trong những giờ cuối cùng của ông ta ở Sài Gòn này, mặc xác ông ta xoay sở. Buổi chiều, khi máy bay trực thăng chở Quang đi, không có con ông ta - một vài người trong chúng tôi nghĩ, Thật là đáng kiếp (Good riddance)” (tr. 495 - 496)

NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG

Hoa Kỳ đã quyết định tất cả về những giờ phút cuối cùng của VNCH. Họ tìm cách đưa những người Mỹ và một số người Việt Nam ra khỏi nước. Có hai nơi được dùng để thực hiện kế hoạch này, một tại cơ sở của DAO ở phi trường Tân Sơn Nhứt và một tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất. Vì bài báo có giới hạn, chúng tôi chỉ trích một số đoạn chính Frank Snepp mô tả về những giờ phút cuối cùng tại Tòa Đại Sứ Mỹ.

Frank Snepp đã mô tả hình dạng của Đại Sứ Martin lúc đó như sau:

“Dưới con mắt của giới thân cận, Graham Martin nay giống một xác chết biết đi. Da xanh, mặt nhăn nheo, ông đứng không vững. Từ ngày Hoa Thịnh Đốn ra lệnh di tản bằng trực thăng, ông tỏ ra không còn ý chí đấu tranh nữa. Giới quân sự và đô đốc Gayler nay hoàn toàn nắm mọi công việc. Martin chỉ còn một lo lắng duy nhất: Làm thế nào di tản càng được nhiều người Việt Nam càng tốt.  Nhưng phải chờ một  hai giờ nữa máy bay trực thăng của hải quân mới đến.”

Đến 12 giờ 30 phút, một phi đoàn gồm 36 máy bay trực thăng đầu tiên rời cầu tàu USS Hancoch với nhiều máy bay Cobra vũ trang hộ vệ. Một phút sau, những máy bay tiềm kích phản lực Phantom từ các căn cứ ở Thái Lan bay tới bầu trời Việt Nam yểm trợ thêm. Một giờ rưỡi trôi qua kể từ lúc tổng thống bật đèn xanh cho chiến dịch "Gió Nhanh" (Frequent Wind)...

17 giờ, tướng Smith gọi sứ quán hỏi số lượng người di tản. Lần đầu tiên ông nhận được câu trả lời có vẻ nghiêm chỉnh. Một cộng tác viên của Jocbson vừa đếm lại số người trong nhà, ngoài sân: từ 1.500 đến 2000 người. Tình hình những người này lúc đó rất nóng nẩy. Mới có ba máy bay trực thăng đến chở người tị nạn. Phải 40 phút nữa mới có chuyến khác. Sốt ruột vì chờ đợi, dân tị nạn kêu ca, oán thán, chửi bới...

17 giờ 30 phút, tướng Smith báo cho hạm đội di tản biết còn khoảng 1.300 người nữa, trong đó có đơn vị an ninh hải quân gồm 840 người.

Cầu hàng không máy bay trực thăng hoạt động đều, mặc dù gặp khó khăn: sân hẹp, CH.53 là loại máy bay trực thăng lớn, nặng, mỗi chiếc phải chở tới 70 người, mức trọng tải cao nhất. Nhiều lần, gió cuốn suýt gây ra tai nạn...

Ở Tòa Bạch Ốc, Kissinger báo cáo với tổng thống Ford: Phái bộ quân sự đã hoàn thành việc di tản. Hơn 4.500 người đi bằng máy bay trực thăng trong đó có 450 người Mỹ. Đó là một thành công rực rỡ mặc dù có mất mát.

Chúng tôi chỉ còn 12 người trong tổng số ba trăm nhân viên tình báo CIA ở Việt Nam. Tôi nhìn lại lần cuối cùng bàn làm việc của tôi. Tất cả 12 người chúng tôi xếp hàng, dọc cầu thang lên mái nhà, chung quanh xúm xít người Việt Nam. Tôi không có can đảm nhìn họ. Một thủy quân lục chiến hỏi chúng tôi có vũ khí không. Nếu có phái để lại. Có nhiều tiếng phản đối khi nghe lệnh ấy nhưng không ai giữ lại súng nữa. Polgar rút khẩu súng Browing ra, ngắm nghía một lát, rồi thở dài, thất vọng: "Tôi phải ở lại, đại sứ cũng muốn ở lại một lúc nữa, chờ cho người Việt Nam ở trong ngôi nhà này đi hết mới lên đường. Tôi ở lại và cùng đi với đại sứ. Quay lại, ông nói với Pittman, người phó của ông: "Anh cũng nên ở lại". Pittman gật đầu đặt vali xuống. Polgar quay ra phía tôi: "Anh giúp bạn Việt Nam tôi lên máy bay. Tôi hỏi lại: "Ông có cần tôi ở lại không?” - Không. Sở chỉ huy đã ra lệnh, mọi người đi cả. Tôi chỉ giữ Pittman và một nhân viên thông tin ở lại để liên lạc với Hoa Thịnh Đốn.

Schlesinger định rõ thời hạn: Giữa đêm phải ngừng cuộc di tản. Nghĩa là chỉ còn hai giờ nữa. Sáng hôm sau, sẽ tiếp tục bay. Bây giờ, 19 máy bay trực thăng sẽ đến sứ quán để đón tất cả người Mỹ ở đó, kế cả bản thân đại sứ. Martin trả lời một cách tiêu cực.

Trước 12 giờ đêm, Martin mặt trắng bệch ra sân sứ quán. Cùng với mấy cộng tác viên, ông cho gọi người Mỹ vào trong nhà. Chú lính thủy quân lục chiến vừa được tin của đài cộng sản loan báo cuộc tiến công vào Sài Gòn bắt đầu. Ngoài sân, đại tá Madison và bốn sĩ quan nữa thuộc ủy ban quân sự hỗn hợp đi qua đám đông. Đại tá Sumniers, người phó của ông, vớ lấy máy phát thanh: "Bình tĩnh, bình tĩnh. Chúng tôi ở lại đây, và sẽ đi sau bà con".

3 giờ 45 phút, kết thúc cuộc di tản, Martin đi ra sân sứ quán, nhìn nhanh đám đông, ra hiệu cho đại tá Madison: "Những người Việt Nam còn lại sẽ đi bằng máy bay CH.53. Ai còn chờ trong sứ quán thì ra sân đợi. Cầu hàng không trên mái nhà dành riêng cho người Mỹ”.

Ở đằng kia cầu hàng không, Gays và Whitmire đã quyết định chấm dứt trò chơi của Martin. Các ông hiểu rằng đại sứ cứ muốn lùi dần giờ kết thúc, mỗi lần Martin đều viện cớ còn quá  nhiều người Việt Nam v.v... Mà lệnh của Tòa Bạch Ốc rất rõ ràng: Cầu hàng không ngừng lúc bản thân Martin chưa được di tản!

John Pittman đang ngồi ngủ trong phòng làm việc của đại sứ. Trung tá Kean vào đánh thức anh dậy, anh chìa bức điện của Tòa Bạch Ốc ra: Tổng thống ra lệnh cho đại sứ phải đi chuyến này! Martin nhún vai, cầm vali, nói với mọi người: "Xong, ta đi" rồi tiến đến cầu thang máy. Nhiều cộng tác viên đi theo: Polgar, Pittman, Jacobson, John Bennett thuộc cơ quan AID, Joe Bennett, cố vấn chính trị và Brunson Mc Kingsley, Lehmann, Boudreau và Jim Devine chờ chuyến sau.

Ở Hoa Thịnh Đốn, Henry Kissinger vừa bắt đầu cuộc họp báo mà ông đã hoãn mấy lần. Ông báo tin cuộc di tản tất cả những người Mỹ ở Sài Gòn đã hoàn thành tốt đẹp. Thực tế hãy còn lính thủy quân lục chiến trong sứ quán. Kissinger quyết định không nêu chi tiết ấy. Cuộc họp báo vừa kết thúc, ông vội vàng nhảy bổ vào phòng làm việc nổi cơn điên lên. Ông thét lớn: Đưa ngay thủy quân lục chiến ở Sài Gòn ra! Ông vừa tuyên bố cuộc di tản thành công rực rỡ, nếu để chết một người, ông sẽ giết...! .

7 giờ 30 phút (sáng 30.4.1975), giờ Sài Gòn, nhóm của Kean đóng chặt cánh cửa đồ sộ bằng gỗ sến của sứ quán, hạ màn sắt xuống và vội vàng chạy đến cầu thang phụ. Ở lầu một và lầu bốn, họ ném lựu đạn cay vào cầu thang máy và kéo hàng rào thép gai ra ngăn cầu thang. Nhưng đúng lúc họ bước lên trên bậc cuối cùng để lên mái nhà thì những người Việt Nam nổi giận ở ngoài sân đã phá được cửa tầng dưới và chạy lên đuổi họ. Thủy quân lục chiến khóa được cửa lên mái nhà và ra chỗ máy bay đậu.

Nhưng lúc người lính cuối cùng vào được ca bin máy bay thì cũng là lúc người Việt Nam leo tới mái nhà. Và khi họ nhảy bổ vào gầm bánh máy bay thì máy bay bay lên cao. Lúc bấy giờ là 7 giờ 53 phút giờ Sài Gòn. 
(Trích từ tr. 508 – 562)
Ngày 19.4.2011
Lữ Giang

Ghi chú: Mỗi tuần, nếu không tìm thấy bài gởi đến, xin vào website motgoctroi.com, mục "Mỗi Tuần Một Chuyện",
(http://motgoctroi.com/mtmchuyen.htm) sẽ tìm thấy đầy đủ các bài trong đó.

Không có nhận xét nào: