SỰ THẬT VỀ CÁI CHẾT CỦA HAI ÔNG DIỆM-NHU
TT.Ngô Đình Diệm tiếp Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tại dinh Độc Lập |
Nhằm soi sáng về cái chết của 2 ông Diệm-Nhu vào buổi sáng ngày 2-11-1963. Trước hết, chúng tôi cho trích đăng lại bài viết “Tâm Sự Người Lính Già” của tác giả Thằng Bờm đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 355 tháng 11-1990.
TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH GIÀ
KHÓC CHO CHA
Thằng Bờm đã gặp người lính già ấy vào một buổi tối mùa đông mưa gió sụt sùi ở một căn flat trọ ở Melbourne . Người lính già ở một mình. Gọi là người lính già bởi tuổi ông đã già, riêng tuổi lính tính sơ sơ chỉ 28 năm. Râu tóc đã bạc, nhưng bộ pháp vẫn còn ung dung vững chãi, giọng nói vẫn còn sang sảng như chuông đồng, nụ cười vẫn ngạo nghễ, tinh thần vẫn oai phong, tráng kiện, cốt cách giản dị, hào sảng, rất chịu chơi, rất lính và rất kỷ luật quân đội.
63 tuổi đời, 36 vết thẹo kéo dài từ đầu đến chân, có cái đỏ hỏn, có cái lõm sâu, có cái nhăn nhúm chằng chịt… Vừa vuốt ve những vết thương, ông vừa luận: “Đã khá nhiều người bảo đó là kỷ niệm của một thời để yêu. Người khác cho đó là dấu tích của hận thù, là báo hiệu của thần chết, là huân chương của một cuộc chiến tranh giữ nước…” Chỉ tấm thẻ bài vẫn còn đeo lủng lẳng trên cổ, ông nghẹn ngào: “Gia tài của tao đó, lẽ sống của tao cũng đó. Tao đã mang nó suốt 28 năm đi lính và suốt 15 năm mất nước, và sẽ còn tiếp tục mang cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Nó chính là tao, chính là những chiến hữu của tao, chính là những chiến binh đã ngã xuống ngoài chiến trường, nó là KBC, là quân lực VNCH…”
-Mày thấy đó ! Sau hơn 28 năm cầm súng đánh nhau với giặc, bỗng dưng tao bị mất nước.
-Trong suốt 63 năm, cuộc đời tao đã 5 lần phải bật… khóc. Một con người ngang dọc như tao mà cũng biết khóc cũng là lạ. Lần thứ nhất khóc cho cha, thứ nhì khóc cho một mối tình, thứ ba khóc cho một lãnh tụ, thứ tư khóc cho một người lính, và lần thứ năm là mới hôm qua đây thôi, tao phải khóc cho thân phận nổi trôi của tao, của người tỵ nạn trên đất Úc.
KHÓC CHO MỘT LÃNH TỤ:
Những giờ phút cuối cùng của TT Ngô Đình Diệm.
Trong các vết thương, không vết thương nào đau dai dẳng như vết thương lòng. Tao nhức nhối, tao khổ sở, tao căm hờn đến suốt mấy năm trời, Nó chỉ thật sự chấm dứt vào sáng ngày 2-11-1963, khi tao tận mắt chứng kiến cái chết của cổ TT Ngô Đình Diệm. Cái chết bi thảm oan nghiệt của một lãnh tụ, và tao một lần nữa đã không thể cầm được nước mắt. Tao đã khóc ! Đúng ra, đời tao, tao cóc coi ai là lãnh tụ. Tánh tao là phè, ngang ngược đã quen, thế nên trong đời, ngoài việc thờ phượng Đức Phật và thờ bố, tao đếch có coi ai ra gì. Với tao, ai cũng thế thôi, cũng có bằng đó cái đầu, bằng đó cái tay và bằng đó cái chân, chứ nào có nhiều hơn tao cái gì ?
Tao nghĩ tao đi lính là để trả thù nhà, đền nợ nước, chứ có phải vì ông kẹ, ông lãnh tụ nào đâu. Ngay cả khi ông Diệm về chấp chính, lòng tao cứ thản nhiên, không mảy may xúc động. Ông không về thì ông khác về. Ông không làm thủ tướng thì ông khác làm thủ tướng. Trong suốt 9 năm dưới triều đại uy nghi của ông, tao chớ có bao giờ đứng lên ngoác mồm ra hát bài… suy tôn Ngô T ổng thống “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình. Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do...” Nhìn lại trong dòng sử Việt, thiếu gì người vì sông núi quên thân mình, thiếu gì người vì nước mà tranh đấu cho tự do, chứ đâu phải chỉ có mình ông Diệm mà phải đem ông ấy ra suy tôn. Chưa hết, nào là “Ngô tổng thống muôn năm.” Sao lại muôn năm? Muôn năm có nghĩa là hơn một ngàn năm. Con người ta sống thọ lắm chỉ được trăm năm. Rán gân cổ lên mà tung hô chúc tụng thì cũng không cướp quyền tạo hoá được. Nếu định ám chỉ là danh thơm của ông sẽ lưu truyền đến muôn năm thì cũng đúng là nói phét. Ông đã chết đâu, ông đã làm xong việc đâu mà biết ông thơm hay thối để dựa vào đó mà bốc hay chửi. Ôi, hát với hò cái kiểu như vậy chẳng khác gì hại ông, cho ông uống viên thuốc độc bọc đường. Cũng chỉ vì cho là như thế nên thế giới giữa tao và ông Tổng thống nó nhạt nhẽo, nó xa lắc xa lơ. Tao chưa bao giờ được nhìn con người thật của ông, ngoại trừ một lần thoáng thấy ông xa xa, tay đang cầm ba-toong, đầu đội mũ nỉ, mặc com lê xám đang đi kinh lý tại thị xã Đông Hà.
Đầu năm 1963. Chán đời. Tao đâm đơn xin sang ngành thiết giáp và được cử đi học khoá chuyên môn về binh chủng này. Mãn khoá, lãnh Sự vụ lệnh về một đơn vị thiết vận xa tại Bến Cát, Bình Dương, thuộc quyền sở hữu của SĐ5 mà Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. So với ông Tư lệnh này thì đường binh nghiệp của tao có điều… rùng rợn. Khi tao là Trung sĩ thì ông đang là dân. Khi tao lên Thượng sĩ thì ông ra trường Thiếu úy. Và bây giờ ông là Đ ại tá thì tao vẫn là… Thượng sĩ. Đấy, đời kỳ quái như vậy bố ai mà hiểu được.
Trưa 1.11.1963, chi đoàn thiết giáp của tao được lệnh xếp hàng về Sài Gòn, nói là để tăng cường bảo vệ thủ đô. Qua một lần kinh nghiệm, tao biết lại giở trò với nhau đây. Thua keo nầy nữa thì có hy vọng từ Thượng sĩ lên một phát trở thành… Binh sĩ. Chẳng sao. Đã từ lâu tao không còn thiết tha gì với cái lon nữa rồi, nó bạc bẽo quá, nhớ nó làm chi cho tủi.
Đến Sài Gòn, chi đội được chia ra làm 2 toán. Toán thứ nhất hợp lực với quân bạn đánh dinh Gia Long. Toán thứ nhì, có tao, làm vòng đai an ninh cho Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản doanh của quân đảo chánh. Thế là đêm đó mặc cho thiên hạ bắn nhau chí choé ở bên ngoài, tao ghếch súng ngồi dựa lưng vào thành xe tăng ngẫm nghĩ chuyện đời. Thấy đời chán bỏ mẹ, đánh đấm cho lắm thì cũng là quân ta bắn quân mình.
Đảo chánh thắng thì mấy cha nội chóp bu thành người hùng cách mạng để có ghế mới, lon mới, địa vị phe phẩy, tiền bạc rủng rỉnh và oai quyền hét ra lửa. Thua thì các đấng dông cha nó ra ngoại quốc, để bổng chốc thành chính khách lưu vong. Chỉ khổ cho mấy thằng lính, chẳng được cái đếch gì mà lại lãnh trọn đòn thù thay cho xếp.
Khi trời vừa sáng tỏ thì đồng hồ chỉ 6 giờ 15 phút. Lời hiệu triệu phát ra từ một chiếc máy transitor vang lên đều đặn: “Quân đội đã đứng lên làm cách mạng để lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và hiện đang làm chủ tình hình mọi nơi trên toàn lãnh thổ cũng như tại Dinh Gia Long, cứ điểm cuối cùng của nhà Ngô, đã hoàn toàn lọt vào tay quân cách mạng. Trung tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh QĐ2 kiêm Tư lệnh Vùng 2 Chiến thuật, vừa đánh điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.”
Tao chợt nghe tiếng nói vu vơ của một thằng lính: - Thế ông Diệm đâu ?
Một giọng khác văng vẳng: - Hãy cầu nguyện cho ông ta !
Vừa lúc ấy toán của tao được lệnh di chuyển. Khẩu lệnh cho biết đây là cuộc hành quân phối hợp. Ai cũng ngỡ là đi tăng viện cho một chốt nào đó. Khi lọt ra khỏi cỗng chính Tổng Tham Mưu, tao thấy lực lượng gồm có 3 chiếc jeep đi đầu. Chiếc tiên phong có tướng Mai H ữu Xuân và 3 cận vệ. Chiếc thứ nhì gồm đại tá Dương Ng ọc Lắm cùng hai đại úy Nguyễn Văn Nhung, Dương Hi ếu Nghĩa. Chiếc thứ ba chở 4 người, trong đó có đại úy Phan Hoà Hi ệp. Tiếp theo sau là 2 xe M113, tao thủ thế ở chiếc thứ nhì. Và cuối cùng là 2 GMC chở đầy nhóc lính tráng, vũ khí trang bị đầy đủ. Nửa giờ sau xe chạy vào Chợ Lớn, khi gần tới một ngôi nhà thờ, đoàn xe đi chậm lại, lính từ 2 GMC nhảy túa xuống, nhanh như cắt toả ra đứng thế thủ, mỗi người một gốc cây. Khoảng chục người khác cũng lăm lăm đứng gác chung quanh các cửa hông nhà thờ. Xe của tướng Mai H ữu Xuân chạy lòng vòng rồi de đít lại, đậu xa tít mãi bên kia đường. Hai xe jeep chở các quan lớn lượn quanh một vòng rồi tiến vào sân chính diện ngôi nhà thờ. Hai chiếc M113 cũng dọt lẹ theo. Sau cái phất tay của đại tá Lắm thì đoàn xe ngừng lại. Đại tá Lắm bước xuống, rồi đại uý Nhung, Nghĩa, Hiệp cũng hăm hở bước xuống. Lúc ấy tao chợt thấy đại tá Lắm đưa mắt nhìn vào thiết vận xa của tao, rồi đưa tay ngoắc một cái, tao cũng chẳng hiểu ông ta ngoắc để làm gì. Do phản ứng tự nhiên, tao nhanh nhẹn nhảy xuống xe chạy lại. Còn cách ông Lắm hai bước, tao giật mình đánh thót một cái vì thấy trên bậc thềm trước nhà thờ có 4 người bước ra. Người đi đầu đúng là Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau ông là ông Nhu, còn 2 người kia tao không biết. Ông Lắm bước tới mấy bước, đứng nghiêm trước mặt ông Diệm, tay phải đưa lên chào. Vì đang ở tư thế gần nhất nên tao nghe rõ mồn một cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa 2 người :
Đại tá Lắm: - Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng chúng tôi đến đón Cụ và ông Cố vấn.
Ông Diệm : - Ông Minh và ông Đôn đâu hè ?
Đại tá Lắm: - Thưa Cụ, hai ông đang làm việc ở Tổng Tham Mưu.
Ông Diệm : - Thôi được. Thế tôi và ông Cố vấn cùng đi xe kia với ông.
Đại tá Lắm quay người lại chỉ vào xe M113 của tao: - Thưa Cụ, xin mời Cụ lên xe này cho.
Thật ra cho mãi lúc tới nhà thờ cha Tam và khi tận mắt nhìn thấy ông Diệm tao mới biết công tác của đoàn xe là đi đón ông Diệm và cho đến lúc này tao bàng hoàng, không thể nghĩ được rằng một ông Tổng thống, dù là Tổng thống bị đảo chánh, lại được người ta đón bằng một chiếc xe tăng… Ngày xưa hành quân bắt được Việt cộng, khi giải về hậu cứ thì cứ tốt nhất cũng tông nó lên chiếc GMC chứ không chơi cái trò đút vào xe bọc thép. Khi nghe ông Lắm nói xong, bấy giờ tao thấy nét mặt ông Diệm rất bình thản, đôi mắt ông bỗng ngước lên nhìn quanh mọi người, nhìn tới ông Lắm cúi đầu xuống, nhìn tới tao, tao cũng cúi mặt xuống. Chao ôi ! Gần 30 năm rồi, đến hôm nay tao vẫn còn nhớ như in cái nhìn ấy, cái nhìn trong ánh mắt rất hiền từ, rất bao dung, rất nhẫn nhục, và tao nhớ ngày xưa mẹ tao cũng có cái nhìn như thế khi tiễn tao lên đường nhập ngũ. Nhìn xong ông Diệm vẫn im lặng. Riêng ông Nhu khẽ nhíu mày, lên tiếng:
-Không thể đón Tổng thống bằng chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn, ông Đính coi xem.
Đại tá Lắm khẻ nhún vai: - Tôi không biết. Đây là lệnh của Trung tướng Chủ tịch.
Hướng về ông Diệm, đại tá Lắm giơ tay lên chào trong tư thế nghiêm rồi quay người bước ra. Đại úy Nhung bước lên mấy bước, không chào hỏi gì cả, tay chỉ về thiết vận xa, miệng oang oang: - Xin mời hai ông lên xe ngay cho.
Mặt ông Nhu đỏ bừng, giọng nói rất quyết liệt: - Không được. Để tôi hỏi lại ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng được, nhưng còn Tổng thống ?
-Ở đây không còn Tổng thống nào cả, các ông là tù binh. Chúng tôi được lệnh bắt các ông.
Đại úy Nhung vừa nói xong thì có 2 quân nhân đến sau lưng Tổng thống Diệm, một người cầm tay phải, một người cầm tay trái đẩy ông về phía trước. Bất giác ông Nhu quay người lại, hai tay ông đưa lên nắm vai 2 quân nhân kéo về phía sau, ông nói như quát: - Để yên ! Không được nhục mạ Tổng thống !
Hổn độn xảy ra trong chớp nhoáng, tao đứng đực người ra vì không biết phải làm sao. Đại úy Nhung luýnh quýnh rút súng ngắn bên hông ra, mũi súng chĩa thẳng vào người ông Nhu rồi đưa qua đưa lại chĩa vào ông Diệm, xong lại chĩa vào ông Nhu. Đ ột nhiên, bằng một cử chỉ rất nhanh, tao thấy ông Diệm bước lên 2 bước, đứng chắn trước mặt ông Nhu, đôi mắt ông nhìn thẳng vào người đại úy Nhung, giọng ông cất lên rất gọn, rất đanh thép: - Bỏ súng xuống !
Đại úy Nhung run run khẩu súng trong tay chợt thõng xuống, ngưng trong giây lát, rồi được đút vào bao. Ông Diệm quay đầu xuống nói với ông Nhu: - Lính nó không biết gì… Đừng chấp… Ta đi thôi.
Ông Nhu vượt qua ông Diệm, bước đi trước, ông Diệm đi sau, đi qua nữa là 2 người lạ mặt (sau này mới biết đó là tùy viên Đỗ Thọ và linh mục Jean). Đại úy Nghĩa chạy nhanh đến trước M113, miệng nói lớn : - Hạ bửng xuống! Hạ bửng xuống !
Cửa sau xe kêu rè rè và từ từ mở xuống. Trong hầm xe đồ đạc lỉnh kỉnh, nào bi đông nước, nào ca sắt muỗng sắt. Tùy viên Đổ Thọ chạy lại đưa ông Diệm chiếc cặp đen. Tay trái ông Diệm vừa sờ vào chiếc cặp thì đại úy Nhung chạy tới giật mạnh một cái, chiếc cặp da nằm gọn trong tay đại úy Nhung. Đại úy Dương Hi ếu Nghĩa đẩy nhẹ Đỗ Thọ sang một bên rồi chỉ vào nền nhà thờ: - Anh này lên trên kia.
Lúc ấy tao vẫn đứng ngoài, vẫn nhìn trâng tráo, vẫn đứng yên như phỗng đá. Giây phút ấy tao chẳng hiểu tao nghĩ gì, có cảm giác gì, chỉ thấy nó có cái gì lạ lùng quá, khó hiểu quá. Năm bảy người lính đang vây quanh ông Diệm ông Nhu để phụ đưa 2 ông vào lòng xe. Đại úy Nhung trợn mắt, nhìn ngang nhìn ngửa, bỗng thấy tao hình như tư thế không giống ai, ông ta la lên: - Ủa, thằng này đứng làm gì đây ?
Tao chạy vội vào phía sau xe M113. Vừa lúc đó tao nghe thấy tiếng nói rất rõ của một hạ sĩ xạ thủ đại liên: - Dạ dạ, Tổng thống cứ bước lên, đã có con đỡ bên hông rồi… Ê mày, nhẹ nhẹ thôi, coi chừng làm đau Tổng thống.
Cánh cửa xe M113 từ từ đóng lại, tao tự nhiên thấy người mình nặng như chì, leo lên xe 2 lần đều trượt xuống. Lần thứ 3 mới hì hục lên được. Đứng bên cạnh tao lúc đó là 2 anh hạ sĩ xạ thủ đại liên. Tao vừa thở hào hển vừa nói :
-Này mày, sao không để 2 ông ấy đi xe jeep cho tiện, đút vào đây làm chi cho cực ?
Anh hạ sĩ ghé vào tai tao, giọng nói lạnh như tiền: Ông ngu bỏ mẹ đi ấy. Nếu người ta muốn “đón” thì đi bằng xe jeep. Còn muốn “giết” thì còn gì kín đáo hơn là hầm chiếc xe này.
Nghe xong tao bất giác lạnh từ xương sống lên tới đầu. Giết ? Sao lại giết? Có gì mà đến nỗi phải giết ? Đối phương đã đầu hàng, đã xin chịu thua, nhất là đã chỉ chỗ cho mình đến mà đưa người ta đi. Vậy thì cách chức, đuổi cổ người ra khỏi ngước đã là nhục lắm rồi, cớ chi mà phải giết ? Nghĩ tới đó tao thấy kinh hoàng, thấy hoảng hốt, thấy rõ ràng rằng đi đón người theo cái cung cách ấy thì đúng là đem đi “làm thịt”. Đồng thời, một cảm giác khác làm tao tê điếng, run rẩy cả người khi nhớ ra rằng tao đang “ngồi” trên đầu một vị Tổng thống. Quả thực tao chỉ muốn co giò nhảy mẹ nó xuống đất, rồi muốn ra sao thì ra.
Chiếc M113 rú lên từng hồi, rồi rầm rộ rời nhà thờ cha Tam, chạy đến đường Đồng Khánh. Khi tới đường Nguyễn Trãi thì tao thấy đoàn xe đâu mất hết. Ngoài chiếc M113 của tao chở Tổng thống Diệm và ông Nhu, chỉ còn một chiếc xe jeep chạy đầu. Xe này tao biết chắc như bắp là xe của tướng Mai H ữu Xuân lúc đi, nhưng bây giờ thì ông ta biến đi đâu mất, trên xe ngồi đứng 5, 6 người, súng ống chỉa lên trời, lựu đạn đeo lủng lẳng xem đến là hùng dũng. Hết đường Nguyễn Trãi, xe tiến vào đường Võ Tánh và ngừng ngay trước trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc Gia. Hôm ấy Tổng Nha CSQG không còn một bóng dáng cảnh sát. Đâu đó chung quanh các ngả đường, trước trụ sở toàn là anh em binh sĩ của Sư Đoàn 5, súng lăm lăm cầm tay canh gác rất cẩn mật. Từ trong một xe jeep khác chạy ra, trên xe có một đại tá, ông ta chỉ tay lên chiếc xe của tao rồi ra lệnh:’
-Xuống ! Xuống hết ! Tất cả ở ngoài đứng chờ lệnh, chỉ có chiếc xe này được chạy vào với một tài xế và… anh kia.
Theo tay chỉ thì anh kia là anh chàng hạ sĩ xạ thủ đại liên. Bảy người trên xe nhảy xuống cùng với tao. Anh em bên chiếc xe jeep chạy đầu chung số phận… là ở bên ngoài ngắm cảnh.
Đúng ra, lúc này tao cứ ngỡ đến đây là hết. Giết hay giam ông Diệm thì chắc hẳn là nơi này. Tao định bụng chờ một tiếng đồng hồ mà không có lệnh lạc gì thì dù về nhà ngủ một phát cho quên cái sự đời. Mà nào ngờ, 20 phút sau, chiếc M113 lại lù lù chạy ra, tới cửa nó chạy chậm lại để chúng tao đu lên. Rồi a lê hấp xe rú lên vọt chạy như ma đuổi. Xe chạy ngược lại đường Võ Tánh rồi quẹo phải, đến đường Cộng Hoà. Tao nhìn chàng hạ sĩ, thấy mắt nó dại đi, mặt tái mét, mười ngón tay như muốn co rúm lại. Tao thì thầm bên tai nó :
-Ông Diệm ông Nhu đâu
-Ở dưới.
-Sao rồi ?
-Ông Nhu bị tra tấn khủng khiếp rồi bị xiết cổ chết bằng dây điện.
-Còn ông Diệm ?
-Ông bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào thùng xe.
-Chết hay sống ?
-Không biết.
-Người ta là ai ?
-Không biết.
Xe tao cùng chiếc xe jeep chạy qua đường Pétrus Ký thì tới ngã rẽ Hồng Thập Tự, bên kia là Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương, bên trái là Nguyễn Hoàng, thì gặp lại đoàn xe của đại tá Lắm, đại úy Nhung, Hiệp, Nghĩa, gồm 2 xe jeep và một M113, hai GMC, chở đầy nhóc binh sĩ. Mới thoáng qua thì cuộc gặp gỡ tưởng là vô tình, nhưng tao đoán trước là có bố trí sẵn. Thế là đội hình mau chóng được xếp lại. Xe đại tá Lắm đi đầu, kế là xe tao, sau đó xe của đại úy Nhung… Tao quay đầu lại thì thấy mấy chiếc kia hình như đang bị khựng lại vì bị dân chúng ùa ra hoan hô. Tuy nhiên, ba chiến xe dẫn đầu cứ chạy. Qua ngả tư Cao Th ắng, Hồng Thập Tự, khoảng bên hông bệnh viện Từ Dũ thì tạm ngừng lại vì bên kia chạy ngược chiều là đoàn xe nhiều chiếc của tướng Mai H ữu Xuân. Lúc đó có một số đồng bào thấy lạ nên đổ xô đến. Tướng Xuân xuống xe đứng bên này đường. Ông nhìn về xe đại úy Nhung, ra tay trái 3 lần đưa lên 2 ngón tay, rồi đưa tay phải qua khỏi đầu, ngón tay trỏ được duỗi ra co vào đến 4 lần (giống như bóp cò súng). Lúc ấy tao chẳng hiểu ông Tướng chơi cái trò gì, chỉ thấy đại úy Nhung gật đầu rồi đưa tay lên chào. Đoàn xe của tướng Xuân chạy đi thì 3 chiếc xe bên này cũng lăn bánh. Mới chạy được một quảng ngắn thì phải ngừng vì có đoàn xe lửa sắp chạy qua.
Trong giây phút chờ đợi, đột nhiên đại úy Nhung từ trên xe jeep bên hông xe M113 nhảy sang xe tao. Miệng hét :
-Xuống ! Xuống !
Tao cóc đoán được chuyện gì. Bảo xuống thì tao nhảy xuống. Mấy thằng khác cũng xuống theo. Chân vừa chạm đất, tao bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ. Âm thanh không chát chúa, chỉ nghe văng vẳng, vì không phải nổ ở bên ngoài mà nổ ở trong lòng chiếc thiết vận xa. Tao biết chuyện gì đã xảy ra. Tao ngửa cổ nhìn lên trời, trời cao xanh thăm thẳm. Tao cắn chặt môi cố ngăn những giọt nước mắt không chảy ra để thấy tâm hồn như bị chẻ đôi, để thấy cõi lòng như đang trải qua cơn giông bão tang thương thê thảm nhất cuộc đời.
Người lính già châm điếu thuốc thứ mười, qua làn khói mờ mịt, trông dáng dấp, khuôn mặt và tư thế ngồi của ông như bức tượng “Thương Tiếc” ngày nào trước nghĩa trang quân đội. Ông tâm sự với Thằng Bờm giọng đều đều như kể chuyện :
-Mày đã đọc nhiều sách báo viết về những giây phút cuối cùng của ông Diệm. Tao cũng có đọc một số, đọc để thấy thiên hạ bị lừa đến một nửa. Thật ra các tác giả không ai lừa người đọc, vì chính họ cũng bị lừa, và họ chỉ biết sự thật có phân nửa, để rồi mọi người chỉ biết một cách đại khái rằng ông Diệm ông Nhu bị bắt ở nhà thờ cha Tam và trên đường giải về Bộ Tổng Tham Mưu thì bị đại úy Nhung bắn ở đường Hồng Thập Tự. Nhưng nếu mọi người tinh ý một chút, một chút thôi, thì sẽ có ngay một dấu hỏi, vì qua tấm hình do phóng viên ngoại quốc chụp được khi ông Diệm Nhu bị bắn chết thì hai ông BỊ TRÓI giật cánh khuỷu và trên đầu ngoài những vết đạn lỗ chỗ, thì trên người còn đầy những vết dao đâm. Như thế thì hai ông BỊ TRÓI ở đâu ? Bị ĐÂM ở đâu ? Nếu không phải là cái thời gian 20 phút ở trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc Gia thì còn ở chỗ nào nữa ?
Tiếc thay chỉ không quá 8 người biết được rằng trên đường về, chiếc xe định mệnh chở một vị Tổng thống còn được lệnh ghé qua bộ chỉ huy cảnh sát ấy ! Và hỡi ơi, nếu thực đúng như lời anh chàng hạ sĩ xạ thủ đại liên, thì cả 2 ông Diệm Nhu đã bị thanh toán tại nơi này, thì đại úy Nhung cũng BỊ LỪA, ông ta chẳng qua chỉ là con vật tế thần cho các xếp lớn dùng mẹo đổ vấy lên ông cái tội đã dám bắn một Tổng thống, nhằm giấu đi cái bản mặt và đôi tay đẫm máu của họ. Ôi, đời đễu giả thật !
Thằng Bờm
--s--
Qua “Tâm Sự Người Lính Già” đăng trên tạp chí VNTP trên đây cũng rất phù hợp với một đoạn trong Nhật ký Đỗ Thọ nói rằng 2 ông Diệm Nhu đã bị giết chết tại Tổng Nha Cảnh sát và đại úy Nguyễn Văn Nhung đã bị lừa… Vì khi đại úy Nhung mở nắp hầm xe phía trên M113 nhìn xuống chĩa súng colt 45 bắn vào 2 cái bóng mờ của TT Diệm và ông Nhu. Ông ta đâu có ngờ mình đã bắn vào 2 cái xác chết !
Tôi xin trích một đoạn Nhật ký Đỗ Thọ nơi trang 257 như sau :
“Sau đó tôi được đọc một cuốn sách của ký giả người Mỹ Shapplen nhan đề là “The Lost Revolution of VN” lại viết: “Khi quân đảo chánh bắt Tổng thống Diệm, ông Nhu ở nhà thờ cha Tam giải về Tổng Nha Cảnh sát Công An, ở đây Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị tra tấn và bắn chết. Đoạn bỏ 2 tử thi vào M113 chạy về Tổng Tham Mưu. Người giết anh em ông Di ệm là một sĩ quan cảnh sát cấp tá.”
“Theo tôi, đây là một đoạn tài liệu đáng chú ý đến và đáng tin cậy. Nguyên do được tin tưởng là lúc đó tướng Mai H ữu Xuân giữ chức Tổng Giám Đốc Công an Cảnh sát. Vị tướng này lại đứng hẳn bên quý vị tướng lãnh đồng ý giết Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Tôi cho rằng TT Ngô Đình Diệm bị giải về Tổng Nha Cảnh sát trước khi đến TTM là điều có lý. Vì lộ trình từ nhà thờ cha Tam đến đường Đồng Khánh, qua đường Nguyễn Trãi đến đường Võ Tánh, và Tổng Nha Cảnh sát và Công an rất thuận chiều và thuận lợi. Và khi TT Ngô Đình Diệm bị giết, chiếc quan tài M113 được di chuyển theo lộ trình Võ Tánh - đường Cộng Hoà - Hồng Thập Tự kế cận rạp Olympic phải chăng là một mưu mô đánh lừa dư luận của vị tướng Tổng Giám Đốc Cảnh sát Công an ? Hoặc vị sĩ quan tên Nhung đã bị kết tội oan khi ngồi trên M113 mở nắp bắn xuống mà không biết TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã chết !”
“Còn vị sĩ quan cấp Tá Cảnh sát mà người ký giả nầy đã nói đến có thể nhầm lẫn. Vì lúc bấy giờ một số lớn sĩ quan quân lực theo tướng Mai H ữu Xuân về Tổng Nha Cảnh sát khá đông.
“Cho nên tôi dự đoán, Thiếu tá Nhung bắn vào đầu hai anh em T ổng thống Diệm thật và cứ ngỡ chính tay mình giết. Và đã cung khai rõ rệt sau khi ngày chỉnh lý thành công.” (hết trích)
Về cái Quyết định “9 giết, 1 tha”
Cũng trong Nhựt ký Đỗ Thọ trang 269 có đoạn nói tới một cuộc bỏ phiếu “9 giết, 1 tha” quyết định số phận của 2 ông Diệm Nhu của HĐQNCM như sau :
“Dinh Gia Long thất thủ coi như chế độ sụp đổ. Nhưng một vài Tướng Lãnh còn nghĩ xa hơn về hậu hoạ nếu Tổng thống còn sống. Vì thế kế hoạch giết được bàn cãi trong HĐTL. Sơ khởi đưa lên bàn mổ về sự sống của TT Diệm là hố chia rẽ bắt đầu đào lên giữa các tướng lãnh. Nhóm đòi giết thế lực mạnh hơn, nên tự động tách rời nhóm ít quyền. Nhóm tướng lãnh ít quyền lại mặc cảm chức tước (lon) kém thua nên tự động bỏ ra về. Nhóm quyền lực tự động họp kín để đưa ra quy tắc “một tha, chín giết”. Thiểu số phải phục tùng đa số và TT Ngô Đình Diệm bị áp dụng qui tắc đó để ra người thiên cổ.” (hết trích)
Đồng thời quyển “Những bí mật cuộc cách mạng 1-11-1963” của tác giả Lê T ử Hùng, phần Phụ Bản từ trang 115 có ghi nhận 5 giai thoại về cái chết của TT Diệm do 5 người gọi là “nhân chứng” kể; Có người tự xưng là nhân viên truyền tin trên chiếc M113 “định mệnh”; Có nguời nói là được một ông tướng già gọi tới nhà cho biết; Có người nói do một vị thượng nghị sĩ tiết lộ; Nhưng tiếu lâm hơn cả là có người thấy tận mắt “ông Nhu rút súng bắn chết ông Diệm” trước nhà thờ cha Tam vì không muốn ông Diệm bị bắt !
Có thể đây là trò tung tin hoả mù đánh lạc hướng dư luận của nhóm chủ trương giết ông Diệm và ông Nhu..
Nơi trang 136 và 137 (sách đã dẫn) có 2 tác giả đề cập đến cái quyết định “9 giết, 1 tha” trùng hợp với lời kể của Đỗ Thọ.
Có điều, không có ai biết được vị tướng nào bỏ phiếu THA
Tuy nhiên, trong Nhật ký Đỗ Thọ, trang 263, Đỗ Thọ có nhận xét về tướng Dương Văn Minh như sau :
“Tôi biết tướng Dương Văn Minh là người đạo đức, hiền từ không kém TT Diệm. Tướng Dương Văn Minh không phải là người lãnh đạo sắc bén, lại là một người cả nễ huynh đệ chi binh. Các tướng lãnh khác lợi dụng ở đó mà hành động riêng tư làm Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết thương tâm.” (hết trích)
Với nhận xét như trên, Đỗ Thọ đã gián tiếp xác nhận chính tướng Dương Văn Minh là người đã bỏ phiếu THA !
Không còn có kết luận nào chính xác hơn.
Chúng tôi xin lưu ý bạn đọc :
Theo chúng tôi, khi muốn tìm hiểu sự thật về cái chết của 2 ông Diệm Nhu, người ta cần phải dựa vào những “nhân chứng” và những “tài liệu” thật có giá trị. Ví dụ như :
1.- Quyển sách “Nhật ký Đỗ Thọ.” Đỗ Thọ là tùy viên của TT Diệm, tôn thờ ông Diệm như Cha. Đỗ Thọ cũng là người đã tháp tùng TT Diệm từ lúc ở Dinh Gia Long cho tới lúc chia tay tại nhà thờ cha Tam. Dĩ nhiên nhân chứng Đỗ Thọ là có giá trị. Đồng thời những điều Đỗ Thọ viết về tướng Dương Văn Minh cũng là vô cùng khách quan.
Nhưng thật đáng tiếc, hầu như tất cả những tác giả viết sử “hoài Ngô” viết về cái chết của TT Diệm đều “né” không đề cập tới sách Đỗ Thọ. Tại sao ? Bởi vì tập đoàn gia nô Cần Lao muốn trút lên đầu thầy trò tướng Dương Văn Minh chủ mưu giết ông Diệm, vì ông là người cầm đầu cuộc Cách Mạng 1-11-1963. Bởi vậy họ rất sợ SỰ THẬT !
2.- Các nhà viết sử “hoài Ngô” đồng thời “né” không đề cập tới quyển sách “The Lost Revolution” của tác giả Shapplen, xác nhận TT Diệm bị giết tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia. Bởi vì, nếu nhìn nhận chiếc M113 chở ông Diệm chạy vào Tổng Nha CSQG thì làm sao đổ tội cho thầy trò tướng Dương Văn Minh ?
3.- Các nhà viết sử “hoài Ngô” cũng “né” không đề cập tới bài viết của tác giả Thằng Bờm, đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong về nhân vật “Người Lính Già ” tức vị Thượng Sĩ Trưởng Xa chiếc M113 định mệnh, đã chở quan tài hai anh em TT Di ệm.
Cũng vậy. Người Lính Già là nhân chứng sống, xác nhận TT Diệm bị giết tại Tổng Nha CSQG do Quân lính SĐ5 của Đại tá Thiệu kiểm soát. Như vậy thì chính ông Thiệu, một người theo đạo Công giáo giết ông Diệm hay sao ?
Làm sao đổ tội cho tướng Dương Văn Minh đây !?
Nhưng SỰ THẬT muôn đời… vẫn là SỰ THẬT.
Còn một điểm chót tưởng cũng cần giải thích. Sẽ có người hỏi tại sao đã có cuộc bỏ phiếu “9 giết, 1 tha” rồi, thì cứ công khai giết 2 anh em ông Di ệm, tại sao còn dàn mưu dựng kế đổ lỗi cho nhau làm chi ?
Sự thực thì : Khi HĐTL được tin TT Diệm đang có mặt tại nhà thờ Cha Tam, các tướng bèn tổ chức một cuộc họp và bỏ phiếu quyết định số phận của 2 ông Diệm Nhu. Có 3 ký kiến lựa chọn :
1.- Tha cả 2 và cho đi ngoại quốc.
2.- Giết cả 2.
3.- Giết Nhu, tha Diệm.
Tướng Kim là người đi một vòng để nhận phiếu bỏ vào nón của ông. Tất cả 9 phiếu giết cả hai. Riêng tướng Minh cầm lá phiếu trên tay không bỏ phiếu. Ông nói : Tôi xin được tha cho Tổng thống và ông Nhu.
Tướng Kim lúc đó im lặng một lúc, rồi đề nghị : Ý kiến của anh Chủ tịch là tha cả hai. Tôi đề nghị anh em là nên theo ý kiến của anh Chủ tịch.
Tất cả đều đồng ý tha. Tướng Minh giao cho Tướng Khiêm phụ trách việc đón TT Diệm và ông Nhu và dặn đưa 2 ông về trình diện HĐTL.
Tướng Khiêm bèn kéo đại tá Dương Ng ọc Lắm, đại tá Huỳnh Văn Tồn, và đại úy Dương Hi ếu Nghĩa (tất cả đều thuộc Đảng Đại Việt) về phòng riêng của ông họp tiếp. Tướng Khiêm cho biết ý kiến của Hoa K ỳ (qua đại tá Conein) là phải giết ông Diệm. Cho nên phải dàn cảnh để giết ông Diệm (y như kế hoạch). Sau đó 2 đại tá Lắm và Tồn ra trước để điều động lực lượng. Đại úy Dương Hi ếu Nghĩa ở lại để tướng Khiêm bàn chi tiết hơn.
Sau khi đại úy Nghĩa trở ra thì gặp đại úy Phan Hoà Hi ệp. Ông Hiệp hỏi ông Nghĩa :
-Có chuyện gì mà hồi nãy anh Lắm nói với tao : - “Ê, các cậu được lịnh vô Chợ Lớn đón Tổng thống. Hễ thấy gì thì cũng yên lặng, chớ có lộn xộn coi chừng bay cái đầu đó nghen !”
Đại úy Nghĩa nói nhỏ : “Anh Tư M ắt Kiếng (Tướng Khiêm) có lịnh giết ông Diệm rồi.”
Qua đó đủ thấy, có nhiều vị tướng lãnh vốn không muốn giết ông Diệm, nhưng khi thấy có nhiều vị phát biểu gay gắt là “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” (tướng Khiêm, tướng Lễ, tướng Oai, v.v…) cho nên đành phải bỏ phiếu giết. Nhưng khi thấy tướng Minh bỏ phiếu tha, lại được tướng Kim đề nghị… cho nên cũng đồng ý THA. Nhưng rồi tướng Khiêm lại âm thầm quyết định kế hoạch dùng xe M113 “đón và giết” 2 ông Diệm-Nhu như trên. Chúng tôi nghĩ các vị tướng lãnh đều biết, nhưng trong thâm tâm ai nấy cũng thở phào… nhẹ nhỏm ! Chuyện đã rồi coi như xong ! Riêng tướng Dương Văn Minh thì rất buồn… Bởi vậy, tướng Minh bên ngoài đồng ý thăng cấp cho tướng Khiêm lên “trung tướng”. Nhưng lại cùng với tướng Đôn, Kim… quyết định “hạ tầng công tác” tướng Khiêm, đang là Tham Mưu Trưởng Liên Quân phải tụt xuống làm Tư Lịnh Quân Đoàn 3 và Tư Lịnh BK Thủ Đô vì không hoàn thành trách vụ để xảy ra cái chết của 2 anh em ông Di ệm.
Có lẽ vì thế, mà sau đó tướng Khiêm “phục thù” bằng cách yểm trợ cho tướng Khánh làm cú “Chỉnh lý” ngày 30-1-1964, loại hết các tướng Đôn, Kim, Đính, Xuân… đày lên Đàl Lạt, đồng thời cô lập tướng Dương Văn Minh !
Loại hết các vị Tướng lãnh được Phật giáo ủng hộ, nhóm Chỉnh Lý đã để lộ ra ý đồ : Ngăn chận việc tổ chức bầu cử Quốc hội qua việc giải tán Hội đồng Nhân Sĩ. Quân Đội có tham vọng cầm quyền lâu dài.
Và vì các Tướng lãnh làm Chỉnh Lý hầu hết là đảng viên Đại Việt đồng thời là đảng viên Cần Lao, cho nên quần chúng nghi ngờ đây sẽ là một chế độ Diệm mà không có Diệm.
Chính vì thế mà sau Chỉnh Lý, các cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục kéo dài qua nhiều cuộc binh biến, lôi kéo cả khối Phật giáo nhập cuộc đòi phải có Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội và Tổng thống. Cho tới năm 1967 có bầu cử mới yên.
Hiện nay Tướng Khiêm, Tướng Hiệp và Đại tá Nghĩa vẫn còn đó.
Lynnwood, 25-10-2011
Quang Phục Võ Văn Sáu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét