Tôi được mời dự Hội thảo…
Nhận được THƯ MỜI dự cuộc Hội thảo về đề tài “Minh triết Hồ Chí Minh” từ Hà nội gửi vào Đà Lạt, tôi rất phân vân. Chưa cần đọc chương trình và tên các tham luận tôi đã biết trước ý kiến của mình về đề tài này là trái chiều rồi. Nhưng trái chiều vẫn có thể ngồi nghe nhau nói chứ ? Chẳng những “có thể” mà còn rất “cần” nghe nhau để
biết mà trao đổi, tranh luận, sự đổi mới hiện tình đất nước hiện nay đang đòi hỏi như thế. Cứ giữ tình trạng phân liệt như bấy lâu nay, giới nào nói thì giới ấy nghe, tự làm người điếc trước những ý kiến đối lập, thì liệu đến bao giờ đất nước mới tiến lên được? Giới chính trị chưa thể chấp nhận sự “hội luận dân chủ” này, nhưng giới học thuật nên mạnh dạn đi trước dù biết trước là không đơn giản, vì chẳng ai có thể hoàn toàn tách khỏi chính trị trong một xã hội vẫn quyết lấy “chính trị là thống soái”, làm cho người ta luôn phải đề phòng.Nhưng đã là trí thức thì không sợ tiếp xúc với ý kiến đối lập, trái lại luôn tìm ra được những điều để làm giàu thêm cho sự hiểu biết của mình, để củng cố thêm điều đúng, tránh bớt điều sai. Thế thì bạn bè hay những người nghĩ khác ta chính là thầy của ta vậy.
Giới học thuật không lạ gì quan điểm của tôi qua các bài viết, nhưng chắc các trí thức ở Hà Nội cũng nghĩ như tôi nên không còn e ngại như bấy lâu nay và đã mời tôi tham dự, thế là cách làm rất khác trước, thật đáng hoan nghênh.
Vì điều kiện không thể ra Hà Nội để tham dự theo Thư mời,tôi đã viết một lá thư đáp lại thiện ý đáng quý của “Trung tâm Minh triết”, nguyên văn như sau:
Trân trọng gửi các ông Nguyễn Khắc Mai, G/đ Trung tâm
Văn hóa Minh Triết, cùng ông Nhật Hoa Khanh
Nhận được Thư mời (do Bưu điện chuyển phát nhanh) tham dự cuộc Hội thảo “Giá trị Minh triết Hồ Chí Minh, một định hướng phát triển Việt Nam” tôi thấy ấm lòng và thực sự cảm động. Trước hết xin ngỏ lời cảm ơn.
Sự đổi mới và phát triển xã hội Việt Nam đang đòi hỏi bức thiết những Trí thức có những suy tư độc lập phải tiếp cận nhau, lắng nghe nhau, cùng cởi mở cũng như tranh luận để tiếp cận chân lý, dâng hiến cho xã hội những tiếng nói chung, đa dạng, đã qua trao đổi…
Trong những vấn đề lớn cần nhận thức lại cho rõ có vấn đề nghiên cứu nhân vật Hồ Chí Minh mà đề tài “Minh triết Hồ Chí Minh” là một cố gắng, một hướng tiếp cận.
Nghiên cứu “Minh triết HCM” không thể tách rời việc nghiên cứu HCM một cách tổng thể trong đó có các vấn đề “tư tưởng HCM”, “đạo đức HCM”, “chính trị HCM”… mà các ý kiến xoay quanh, về từng điểm đang còn rất nhiều dị biệt, thậm chí trái ngược.
Chúng ta hiểu sự dị biệt đang có ấy là tất yếu, vì sự nhìn nhận đối với một sự kiện lịch sử lớn hay một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đòi hỏi phải lùi ra xa với một cự ly tương xứng. Độ lùi mấy chục năm nay đã có nhưng dường như chưa đủ, vì xã hội vẫn chưa ra khỏi “trường ảnh hưởng, trường chi phối” của HCM (dù với hiệu ứng cộng hưởng hay tương phản), tức chưa ra khỏi cái bóng che phủ của đối tượng mà ta cần nhìn cho hết chân dung.
“Cái quan” đã mấy chục năm mà chưa thể “định luận” trọn vẹn. Sự nghiệp ấy còn đang làm cho “một triệu người vui” và cũng đang làm cho “một triệu người buồn” (nói kiểu cụ Võ Văn Kiệt), tình hình nội bộ dân tộc đã vậy, lại đang phải đương đầu với nạn Hán thuộc, Hán hóa, và tất cả đều còn nằm trong vòng chi phối, trong cái bóng che phủ của nhân vật mà ta đang khảo sát, trong đó có vấn đề “tư tưởng HCM, minh triết HCM” mà cuộc Hội thảo này khai hội.
Ít nhất đang có 4 xu hướng nghiên cứu HCM : Xu hướng của thiểu số “nội xâm” nghiên cứu HCM để tiếp tục mị dân, làm bình phong gây hại cho đất nước, khác với xu hướng nghiên cứu HCM để gạn đục khơi trong nhằm cải thiện chế độ, đưa xã hội ít nhất thì cũng trở lại được với những năm tháng trong lành ban đầu để rồi tiếp tục tìm đường đi tới. Ngược lại là xu hướng nghiên cứu HCM chỉ nhằm đánh đổ thần tượng. Tôi tin rằng vẫn có những người thuộc xu hướng thứ tư, nghiên cứu HCM như nghiên cứu một nhân vật lịch sử, thoát khỏi mục đích chính trị trước mắt (mặc dù mục đích này cũng là tất yếu), cuối cùng những nghiên cứu dưới nhãn quan khoa học khách quan và không cục bộ như thế mới đủ sức đem lại bài học ích lợi lâu dài cho đất nước.
Mặc dù chưa có đủ độ lùi cần thiết, nhưng không phải vì thế mà có thể coi nhẹ những bài nghiên cứu hay bình luận về đề tài này ngay ngày hôm nay: những khảo cứu trong điều kiện còn nóng bỏng lại có những giá trị quý báu riêng để sau này tham khảo.
Tôi vừa ở Hà Nội về (vì công việc của gia đình và họ tộc), nên rất tiếc không thể có mặt tại cuộc Hội thảo ở Hà Nội ngày 26/10 này. Nhưng xin có lời cảm tạ ông Giám đốc Trung tâm Nguyễn Khắc Mai, ông Nhật Hoa Khanh đã có lòng nhớ tới. Xin chúc cuộc Hội thảo được sôi nổi, hấp dẫn, hấp dẫn vì đưa ra được những ý kiến sâu sắc.
Kính thư
Hà Sĩ Phu
4E, Bùi Thị Xuân, P2, Đà Lạt
Đáng nói hơn nữa, là ông Nguyễn Khắc Mai, trong phần giới thiệu chương trình đã đọc hầu như nguyên văn bức thư này một cách trân trọng, và không ngần ngại giới thiệu “ý kiến anh Hà Sĩ Phu là ý kiến đối lập”, giới học thuật đã không còn sợ nói đến “đối lập” nữa!
Phía “Trung tâm Minh triết” đã có cách xử sự rất đẹp, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau như vậy.
Song cũng xin được nói thêm một điều:
Về phía tôi, trong một lá thư nhằm cảm ơn một lời mời lịch sự, để tôn trọng người đối thoại không ai tiện dốc hết những ý kiến của mình. Tôi cũng vậy, còn nhiều điều cơ bản phải đề cập nhưng tôi biết giữ mức độ và không nóng vội.
Ấy vậy mà trong lúc giữa tôi và Ban tổ chức hội thảo đang có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và còn khiêm nhường như vậy thì cả hai vợ chồng tôi đột nhiên bị cắt cả hai SIM điện thoại di động? (Thư gửi đi ngày 22/10 thì chiều 25/10 xảy ra sự cắt điện thoại). Ai làm việc này? Cả hai SIM đều của Viettel : 0987912570 và 01647963663.
Giữa bức thư của tôi gửi “Trung tâm Minh triết” và việc cắt điện thoại không biết có liên quan không, chỉ biết trong thời gian gần đây ngoài lá thư trên tôi chưa viết bài gì khác, lại càng không có việc làm gì khiến người ta phải cắt điện thoại. Vả lại sự trùng hợp giữa các bài viết của tôi với việc cắt điện thoại chẳng biết là ngẫu nhiên hay không nhưng đã lặp lại nhiều lần.
Sau vụ cắt tất cả 3 điện thoại bàn và cáp Internet năm 2010 (mà LS Cù Huy Hà Vũ đã giúp tôi khiếu nại) là những vụ cắt SIM di động. Sau khi tôi viết lời “Tâm sự với đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Trương T ấn Sang” cả hai vợ chồng tôi cũng bị cắt SIM điện thoại như thế. Còn nhiều ví dụ nữa, tôi chẳng buồn ghi lại cho mệt.
Sự lặp lại nhiều lần tương tự khiến tôi phải cố tìm ra mối liên hệ và “truy cứu” xem mình có làm điều gì “tội lỗi”, dù là tội lỗi chỉ với người đương quyền? Những bài phê phán “cái chủ nghĩa ảo tưởng phi khoa học và phi dân chủ” (khiến cho một số dân tộc tưởng bở nên chọn lầm đường) thì tôi viết đã lâu rồi. Gần đây tôi chỉ hay viết thư, mà toàn viết thư gần gũi với các “đồng chí” của đảng như đ/c Nguyễn Minh Triết, đ/c Lê Hi ếu Đằng, đ/c Trương T ấn Sang, đ/c Nguyễn Khắc Mai, làm câu đối về đ/c Võ Nguyên Giáp…, đến mức nhiều bạn bè bảo tôi là dở chứng quay đầu, ngoan ngoãn. Nhưng cứ mỗi lần “gần gũi” ngoan ngoãn như vậy là y như rằng lại bị cắt điện thoại?
Bạn bè bảo tôi phải kiện công ty Viettel sao cứ tùy tiện cắt hợp đồng với khách hàng vô tội vạ như vậy, “kinh tế thị trường” mà chẳng coi “thượng đế” ra cái đinh gì ? Tôi vốn ngại kiện tụng, chỉ mong quý vị Viettel đọc bài này mà nghĩ lại.
Tóm lại, càng vui bao nhiêu khi thấy giới trí thức đã muốn bảo nhau dẹp cái “chủ nghĩa giai cấp của Ý thức hệ” để gần gũi nhau mà lo cho vận mệnh dân tộc, lại càng khó chịu bấy nhiêu khi thấy hiển hiện cái trở ngại rất lớn như một di chứng nặng nề của Ý thức hệ là cứ muốn cắt, cắt, cắt mãi những đường truyền mang tín hiệu liên kết của Dân tộc và Thời đại.
Hà Sĩ Phu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét