Tôi có phải là nhân dân không nhỉ ?
Theo blog Anh Vũ |
Lâu nay tôi cứ ngỡ tôi hiểu rõ nghĩa của từ nhân dân. Thì từ này ai mà chả hiểu, nhân là người mà dân tức không phải là quan.
Nay đọc được bài viết của TS Nguyễn Văn Quang trên báo QĐND mới giật mình vỡ lẽ ra rằng từ nhân dân tưởng là đơn giản mà hóa ra phức tạp ra phết. Ai không tin thì hỏi ông xã tôi xem (học tập bác Ba Phi ấy mà!).
Còn nếu không muốn hỏi ông xã tôi, thì cứ tìm đọc kỹ bài của TS Quang trên báo QĐND cũng được. Nhưng tôi phải báo trước là bài ấy sâu sắc lắm, khó đọc lắm đấy nhé.
Là một người làm nghề đi dạy học, lại luôn tự hào là công dân tốt, nên tôi đã bỏ công ra đọc đi đọc lại bài viết này xem chính mình có nhầm lẫn gì không. Hóa ra là có, các bạn ạ.
Nhầm lẫn lớn nhất của tôi là ở chỗ này: Vì lâu nay hiểu nghĩa của từ nhân dân một cách đơn giản nên tôi cứ đinh ninh mình là nhân dân, nói nôm na là người dân. Tức không phải là quan. Nói cách khác, tôi là người được (Đảng) lãnh đạo, không phải là giai cấp đi lãnh đạo người khác.
Nhưng sau khi nghiền ngẫm bài viết rất sâu sắc của TS Quang – một vị đại tá quân đội – thì tôi mới biết là vấn đề không đơn giản thế, mà phức tạp hơn rất nhiều. Nên mới có cái câu hỏi mà tôi đưa lên làm tựa của entry này, là như thế.
Phức tạp như thế nào? Này nhé, trước hết là câu này, trích từ bài viết (đoạn số 2):
Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra.
Chiếu theo nghĩa của câu này thì rõ ràng tôi không phải là nhân dân. Vì tôi không phải là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã từng định ra bất kỳ quyết sách chính trị nào cả, mặc dù có lẽ cũng đang (phải) thực hiện nhiều quyết sách chính trị do người khác định ra.
Nhưng nếu không là dân, thì tôi là ai? Chẳng lẽ là … quan? Gì chứ quan hay là giới lãnh đạo thì tôi biết chắc chắn không phải là tôi. Thử đọc thêm một chút nữa để hiểu rõ hơn.
Đoạn 3 của bài viết là đoạn nêu rõ nhất định nghĩa nhân dân của tác giả bài viết. Có 3 câu viết liên tiếp cạnh nhau, khẳng định rất rõ ràng bản chất sâu sắc nhất của từ nhân dân. Xin xét từng câu.
Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định.
Theo câu này, thì hình như theo nghĩa rộng, nghĩa phổ thông, có thể xem tôi là nhân dân vì tôi là một trong khối người đông đảo làm nền tảng cho nước VN trong giai đoạn lịch sử hiện nay. May quá, vậy là lâu nay tôi cũng hiểu đúng. Nhưng tất nhiên đây chỉ mới là một cách hiểu, cách thô thiển, tầm thường, phổ thông, đơn giản nhất.
Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.
Câu trên đây cho thấy một nghĩa khác, nghĩa không phổ thông, nghĩa đặc thù, sâu sắc của từ nhân dân (chắc cái nghĩa nhân dân này chỉ có ở mấy nước XHCN ưu việt mới có). Theo nghĩa này thì nhân dân chỉ là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho cả quốc gia VN, dân tộc VN trong Nhà nước VN hiện nay.
Nếu hiểu theo nghĩa này, thì hẳn tôi không thể là nhân dân, vì (chắc là) tôi không có tư cách gì để có thể đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc VN trong Nhà nước XHCN hiện nay.
Thực ra thì tác giả cũng không nói rõ tầng lớp nào, giai cấp nào mới là đại diện trong số các giai cấp hiện có ở VN như giai cấp công - nông , giai cấp tiểu tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp lãnh đạo, nên biết đâu cái giai cấp mà tôi đang ở trong (hình như là giai cấp tiểu tư sản) cũng có thể là nhân dân thì sao nhỉ? Nhưng chỉ chọn một giai cấp, một tầng lớp để đại diện cho cả quốc gia, dân tộc VN hiện nay trong NN xã hội chủ nghĩa, thì tôi e rằng tiểu tư sản chắc là không xứng đáng. Chắc là giai cấp khác, không có giai cấp của tôi.
Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc.
Câu này nhắc lại ý “chủ thể quyền lực” mà tôi đã nêu hồi nãy, và nhấn mạnh nó thuộc về “một chế độ xã hội nhất định”. Trong xã hội VN XHCN hiện nay thì tôi – và rất nhiều người khác quanh tôi – không phải là chủ thể quyền lực. Thì đó, ngay cả việc biểu lộ tình cảm yêu nước cũng phải chờ định hướng của NN, chứ không có định hướng thì lớ ngớ là rơi vào bẫy của bọn thế lực thù địch ngay.
Không chỉ là chủ thế quyền lực. Theo câu này thì nhân dân vừa có tính cộng đồng dân tộc (cái này thì tôi có), nhưng lại cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc (cái này thì còn tùy cái giai cấp đó là giai cấp nào đã, xin xem lại phần trên).
Tóm lại, câu này có 3 ý (chủ thể quyền lực, tính dân tộc, tính giai cấp), có một ý tôi đạt (tính dân tộc), một ý không đạt (chủ thể quyền lực), còn ý thứ ba thì có lẽ không đạt. Như vậy là 50-50. Vẫn chưa ngã ngũ, phải đọc thêm nữa.
Ở đoạn 4, mọi việc dường như có rõ ràng, cụ thể hơn, ít lý luận trừu tượng như 3 câu ở đoạn 3 mới nêu. Chúng ta thử đọc ở dưới đây. Cũng có mấy ý, xin phân tích từng ý.
Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc.
Cái phần rõ ràng này thực ra chẳng rõ ràng gì hết. Tôi tự xét thấy mình thuộc vế đầu tiên của câu này, tức những người lao động,… , trí thức (ừ thì cũng có đi học, có bằng cấp, làm giảng viên, nên tôi tạm nhận mình là trí thức) yêu nước. Nhưng tôi lại không may, chẳng bị thực dân, phong kiến bóc lột áp bức tù đày gì cả. Vậy tôi có thể được xem là nhân dân không nhỉ? Gay quá.
Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc.
Đến câu này thì hình như có chút ánh sáng le lói. Tôi chắc chắn phải là một phần của toàn dân, không phân biệt… tôn giáo (gia đình tôi gốc đạo Công giáo), và, ơn trên phù hộ, tôi không phải là kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân quan lại phong kiến hay phản động Việt gian gì hết. Vậy có lẽ tôi cũng là nhân dân? Đỡ quá, có thế chứ, lâu nay tôi vẫn tin mình là nhân dân mà.
Nhưng bài viết chưa hết, mà vẫn còn một đoạn nữa, hơi khó hiểu, và … hơi có giọng đe dọa, làm tôi cũng hơi run run, chẳng biết nếu mình tự nhận là nhân dân thì có đúng không, hay là tôi đang nhầm lẫn, hoặc thậm chí lợi dụng từ “nhân dân”. Đây này:
[N]hân dân Việt Nam […] có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Chao ơi, tôi đau đầu quá. Chẳng hiểu có phải tôi đang cả gan nhận mình là nhân dân để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân VN không? Chả là vì lâu lâu tôi cũng hay có chút thắc mắc về tình hình biển đảo của VN ấy mà, mặc dù ngoan lắm, cứ toàn phải đợi Đảng và nhà nước định hướng rồi mới dám biểu lộ.
Có ai bảo giúp cho tôi biết xem tôi có phải là nhân dân không nhé? Cái này có lẽ phải nhờ đến TS Quang thôi.
Vũ Thị Phương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét