Phạm Trần

Việt Nam mắc bẫy Tầu

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
thăm chính thức Trung Quốc
Việt Nam đã mắc bẫy Tầu khi đặt bút ký “hợp tác cùng phát triển” trên vùng Biển Đông còn tranh chấp và ngòai cửa Vịnh Bắc Bộ trong chuyến thăm Trung Cộng của Phái đòan đảng và nhà nước do Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bì thư Đảng cầm đầu từ ngày 11 đến 15 tháng 10 năm 2011.
Nguyên văn 2 khỏan quan trọng lịch sử này viết trong 6 điểm được gọi là “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” như sau:


4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

Trước khi bàn thêm lợi và hại, hãy đọc khỏan 2 để biết “những nguyên tắc” mà hai nước Việt-Trung đã đồng ý phải tuân thủ khi “hợp tác cùng phát triển” trên vùng biển hai bên chưa tìm được “giải pháp cơ bản và lâu dài” có gì mới hơn những điều ai cũng biết cả rồi?

Khỏan 2 viết nguyên văn: “Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển”.
Bản đồBiển Ðông với các mầu sắc khác
nhau chỉ độ sâu. (Hình của từ điển
bách khoa Britanica)
Điều này không có gì mới. Nếu Trung Hoa thật lòng và nghiêm chỉnh thi hành những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển năm 1982 thì Trung Quốc không bao giờ tự quy vùng chủ quyền hải đảo của mình chiếm từ 80 đến 85% diện tích Biển Đông, được gọi là hình “Lưỡi Bò” hay “Đường 9 đoạn” rồi nạp cho Liên Hiệp Quốc năm 2009, bao gồm cả hai vùng đảo và biển quanh Hòang Sa và Trường Sa vốn đã chứng minh bằng tài liệu lịch sử là của Việt Nam.

Như vậy có nghĩa trong khi hai nước Việt-Trung tiếp tục thảo luận cho đến khi đạt được “giải pháp cơ bản và lâu dài” về các vùng biển, đảo còn tranh chấp thì hãy cùng nhau hợp tác khai thác các tiềm năng kinh tế, khóang sản và “bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển” v.v…

Đây chính là lập trường cơ bản của nguyên lãnh tụ Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình đã đặt ra với các Lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN khi hai nước thảo luận tái lập quan hệ ngọai giao năm 1990, dưới thời Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Văn Linh và sau đó đến lượt Đỗ Mười, từ năm 1991.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã tiết lộ ý đồ của Đặng Tiểu Bình còn có “cái đuôi” của “con dao chủ quyền lãnh thổ” đã nằm gọn trong tay của nước Tầu rồi.

Ông Phan nói rõ ý của Đặng Tiểu Bình trong Cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc), được phát trong Chương trình liên tuyến “Nhất hổ nhất tịch đàm” đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011.

Phóng viên hỏi: “Bản chất của sự tranh chấp Trung- Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào?

Đáp: “Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra?

Tiến sĩ Phan nói tiếp: “Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?

Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.”

Tân Hoa Xã của Trung Hoa, trong bài viết về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày 28-06-2011 đã không nói đến vế thứ nhất câu nói của Đặng Tiểu Bình (chủ quyền của ta….) mà chỉ nói: ”Không hề có sự phản kháng của bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung quốc trên khu vực cho đến thập niên 1970 khi các nước, kể cả Việt Nam và Phi Luật Tân lên tiếng dành một phần chủ quyền. Sau một thời gian dài thương thảo, Đặng Tiểu Bình mới đưa ra sáng kiến đề nghị rằng hãy gác sang một bên những tranh chấp để cùng hợp tác khai thác khu vực.”

(There was no dissension from any country on China’s sovereignty over the area until the 1970s, when countries including Vietnam and the Philippines claimed partial sovereignty. After long-term negotiations and disputes, Deng Xiaoping initiated his proposal on the issue that put aside the disputes and offered joint exploitation in the region.)

Đây chính là vấn đề đáng bàn quanh 6 điểm Nguyên Tắc “giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” vừa được Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngọai giao Việt Nam đã ký với Trung Hoa dưới sự chứng kiến của Nguyễn Phú Trọng vào đêm 11/10/2011, ít tiếng đồng hồ sau khi Phái đòan Việt Nam đến Bắc Kinh bắt đầu cuộc thăm viếng 5 ngày.

Sự vội vã ký kết Văn kiện quan trọng này của phía Việt Nam chỉ có thể được suy diễn từ thỏa thuận đã đạt được trước đó trong cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 25/6/2011 giữa Hồ Xuân Sơn và Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, phụ trách đối ngọai cao cấp nhất của đảng Cộng sản Trung Hoa.

Vì vậy mà khi Tân Hoa Xã của Trung hoa (Xinhua) trích lời Phát ngôn viên Hồng Lỗi kêu họi Việt Nam hãy “thi hành sự đồng thuận về vấn đế Biển Đông đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc tuần qua của đặc phái viên của Việt Nam, Hồ Xuân Sơn” (China on Tuesday called on Vietnam to implement a bilateral consensus on the South China Sea issue that was reached during the China visit of Vietnam’s special envoy Ho Xuan Son last weekend) thì lập tức một số Trí thức ở Việt Nam, trong số này có các ông Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện v..v… đã yêu cầu gặp Hồ Xuân Sơn để hỏi cho ra nhẽ trắng đen, nhưng không thành vì Sơn được lệnh tránh mặt khỏi Hà Nội để khỏi phải gặp các Trí thức.

Một lần nữa, Hồng Lỗi nhắc lại lập trường cố hữu không thay đổi của Tầu rằng: “Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên tất cả các đảo ở Biển Đông và vùng nước xung quanh”.

Bây giờ, sau đêm ký kết “mắc bẫy” 11/10/2011 của Hồ Xuân Sơn thì mọi việc đã rõ trắng đen.

Điểm then chốt là Việt Nam đã đồng ý nói chuyện “hợp tác cùng phát triển” với Trung Cộng trong vùng biển của mình mà Tầu tự vẽ để bảo là của họ trong phạm vi hình Lưỡi Bò khổng lồ kia!

Nói khác đi là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của tên cướp biển đã chiếm biển đảo của mình mà cứ hớn hở vì đã được Trung Hoa hứa sẽ “tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng” để đôi bên “cùng có lợi”?

Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại có thể khờ khạo để bị Hồ Cẩm Đảo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, xỏ mũi lôi đi đến thế?

DOC LÀ CÁI CHI CHI?

Ngòai ra, hai nước còn đồng ý trong điểm 3 rằng: “Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC, Declaration of Conduct).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.”

Nên biết DOC là Văn kiện không có tích cách ràng buộc pháp lý mà Trung Hoa và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations, ASEAN) đã ký tại Nam Vang, Cao Miên năm 2002.

Bằng chứng của sự “vô tích sự” này là những vi phạm trắng trợn chà đạp lên DOC của Bắc Kinh trong suốt hơn 9 năm trời, trong đó nghiêm trọng nhất là các cuộc dùng súng tấn công, bắn giết và tịch thu tài sản, bắt người đòi tiền chuộc của Hải quân Trung Hoa nhắm vào các ngư phủ Việt Nam đánh bắt trong vùng biển Hòang Sa và Trường Sa, hoặc bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Phía Tầu còn ngang nhiên cho tầu Hải giám đi tuần tra vùng biển của Việt Nam đê ngăn chận không cho ngư dân Việt Nam hành nghề, nhưng lại võ trang bảo vệ cho hàng trăm thuyền đánh cá của Trung Hoa tự do đánh bắt trong vùng biển đảo của Việt Nam.

Chúng còn dám cắt cáp các Tầu thăm dò đáy biển của Công ty Dầu khí Việt Nam hồi tháng 5/2011.

Cũng cần nói rõ rằng, sau khi ngang nhiên tấn công và chiếm quần đảo Hòang Sa của Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974, Tầu đã quyết liệt bác bỏ mọi yêu cầu trả lại chủ quyền quần đảo này cho Việt Nam. Tầu cũng từ chối rút quân khỏi 8 mỏm đá ngầm chiếm được từ tay quân đội CSVN ở Trường Sa tháng 3 năm 1988. Bắc Kinh cũng đã xua quân chiếm trọn Núi cao Lão Sơn, một vị trí chiến lược quân sự quan trọng nằm sâu trong nội địa Việt Nam ở tỉnh biên giới Hà Giang năm 1984.

Như thế thì các nơi có tranh chấp giữa hai nước Việt-Trung như trường hợp Hòang Sa và Lão Sơn mà bảo Tầu sẽ chịu “giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”, hay “nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác” như trường hợp ở Trường Sa vì còn có tranh chấp chủ quyền của Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á, Brunei và Đài Loan nữa “thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác” là điều có nhiều ảo tưởng xa vời lắm, vì Việt Nam đã bằng lòng “hợp tác cùng phát triển” với Tầu rồi cơ mà?

Vì vậy chẳng nên ngạc nhiên chút nào khi Trung Hoa không ngừng các hành động đi ngược lại những điều họ đã ký với các bên ASEAN tại Nam Vang năm 2002, trong đó có Việt Nam như sau:

Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những qui tắc cơ bản điều chỉnh cơ bản giữa các quốc gia.

Các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hang hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía tr6en Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Các bên lien quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, thong qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tie61`p lien quan, phù hợp với các nguuye6n tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Các bên lien quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng;

Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên lien quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên….” (Bản dịch của Bộ Ngọai giao Việt Nam)


TỪ HƯỚNG DẪN ĐẾN COC

Từ thái độ chai lì, bất tuân luật pháp Quốc tế, kể cả Luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 của Trung Hoa mà ASEAN đã tổ chức họp thêm ở Bali (Nam Dương) từ 19-23/7/2011) để đòi Trung Hoa phải ký thêm Văn kiện được gọi là “Nội dung Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC” với hy vọng sẽ ràng buộc Bắc Kinh vào một Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC, Code Of Conduct) có tính ràng buộc pháp lý hơn DOC.

Tài liệu của Bộ Ngọai giao Việt Nam viết vể thỏa thuận ở Bali như sau:

“Những Quy tắc này nhằm hướng dẫn thực hiện các hoạt động, các biện pháp và các dự án hợp tác chung đã quy định trong DOC.

DOC phải được thực hiện từng bước một, phù hợp với các điều khoản của DOC.

Các bên tham gia DOC tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn, phù hợp với tinh thần của DOC.

Việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng.

Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Các hoạt động ban đầu trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin.

Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận của các bên và phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận trong khuôn khổ DOC, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan.

Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được báo cáo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc (PMC).”


Nhưng chừng nào Trung Hoa chịu ngồi vào “tròng Luật pháp” với ASEAN là điều còn nhiều nghi vấn, nếu không muốn nói là viển vông vì Trung Hoa muốn kéo dài thời gian trong khi vẫn tìm cách không chế và tranh chấp với một số nước ASEAN trên Biển Đông, trong đó quan trọng nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân.

Vì vậy, trong Thỏa hiệp với Việt Nam hôm 11/10/2011, Tầu đã mánh lới dụ khị Việt Nam rơi vào bẫy bằng những câu chữ đường mật ghi trong Điều 1 của 6 Nguyên tắc như sau:

“1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Nhưng “đại cục” là cái gì, và “tầm cao chiến lược và toàn cục”“tầm cao” ở đâu và “tòan cục” thì của bên nào, hay cũng lại do mấy “đồng chí anh em” Tầu tự đặt ra rồi tròng vào cổ Nguyễn Phú Trọng theo “bùa phép”của phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt nghe mãi đã nhàm tai: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”?

Sau cùng, hai bên đã chốt lại ở điểm 6 rằng: “Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.”

Đọan kết này sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu Trung Hoa cứ “tuần tự” tiến hành chiến thuật “gậm nhấm” biển đảo và tài nguyên của Việt Nam mà không cần phải dùng biện pháp quân sự cho hao của, tốn người thì đâu cần gì đến đường giây nóng hay nguội vì rằng Việt Nam đã sập bẫy Tầu rồi./-
Phạm Trần

Không có nhận xét nào: