LS Ngô Ngọc Trai

Sửa Hiến pháp, định vị lại “Nhà nước”

Hiến pháp 1946
Từ những biến chuyển của cuộc sống đã đưa đến nhu cầu sửa đổi Hiến pháp ở ViệtNam. Chiều hướng sửa đổi là tăng cường dân chủ để phù hợp với phát triển nhận thức về Hiến pháp. Nội dung sửa đổi cơ bản vẫn xoay quanh vị trí vai trò của Nhà nước trong Hiến pháp.
Bài viết này soát xét lại căn nguyên của sự hình thành Nhà nước và Hiến
pháp, mối tương quan giữa Nhà nước và Hiến pháp. Có thể có Nhà nước không có Hiến pháp có được không? Hoặc có Hiến pháp mà không có Nhà nước có được không? Đặc biệt từ đó minh định lại ý nghĩa của thuật ngữ “Nhà nước” trong Hiến pháp.

Với nội dung đó người viết muốn bạn đọc cùng bình tâm xem lại những vấn đề lâu nay vẫn được coi là hiển nhiên chưa đụng chạm đến. Phân tích làm rõ ra đây với mong muốn giúp cho bạn đọc có được cái nhìn tường minh hơn về Hiến pháp.

Chúng ta hiểu rằng: Cần phải hiểu về dân chủ mới biết cách xây dựng xã hội dân chủ. Cần phải hiểu về Hiến pháp mới biết cách xây dựng Hiến pháp dân chủ. Dân chúng nào thì Chính phủ ấy, khi chúng ta than phiền về Chính phủ, chính là lúc chúng ta cần nhìn lại chính mình.

Quan điểm của Lê Nin về sự hình thành Nhà nước

Bàn về Nhà nước, hay bàn về vị trí của Nhà nước trong Hiến pháp Việt Nam, không thể nào không nhắc lại một số luận điểm triết học của Lê Nin về Nhà nước. Trong bài giảng Bàn về nhà nước tại Trường đại học Xvéc-lốp (ngày 11 tháng Bảy 1919), đăng lần đầu tiên trên báo Sự thật, số 15, ngày 18 tháng Giêng 1929, Lê Nin nói:

- Học thuyết về Nhà nước là dùng để bào chữa cho những đặc quyền xã hội, bào chữa cho sự bóc lột, bào chữa cho sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản; vì vậy, sẽ sai lầm lớn nếu hy vọng rằng người ta sẽ tỏ ra vô tư trong vấn đề này.

- Lịch sử chứng minh rằng Nhà nước, một bộ máy cưỡng bức đặc biệt, chỉ xuất hiện ở nơi nào và khi nào mà xã hội đã chia thành giai cấp, tức là chia thành các nhóm người mà nhóm người này luôn luôn có thể chiếm đoạt lao động của những nhóm khác, người này bóc lột người khác.

- Trước khi xã hội chia thành giai cấp, thì cũng chưa có Nhà nước. Nhưng cùng với sự xuất hiện và sự xác lập của tình trạng xã hội phân chia thành giai cấp, cùng với sự phát sinh của xã hội có giai cấp thì Nhà nước cũng xuất hiện và được củng cố.

- Bao giờ cũng vậy, trong mỗi xã hội có Nhà nước đều có một nhóm người cai trị, chỉ huy, thống trị, và để giữ chính quyền, họ sử dụng một bộ máy cưỡng bức, một bộ máy bạo lực,

- Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với giai cấp khác.

- Nhà nước là một bộ máy để cho giai cấp này áp bức giai cấp khác, một bộ máy dùng để duy trì dưới sự thống trị của một giai cấp đối với tất cả các giai cấp bị lệ thuộc khác.

Luận điểm của Lê Nin rất rõ ràng, những nội dung trên đã trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng Nhà nước cách mạng ở ViệtNam. Cách đặt vấn đề và diễn giải của Lê Nin về Nhà nước cho chúng ta thấy:

Thứ nhất: Khởi nguyên cho sự hình thành Nhà nước là vấn đề tài sản. Tài sản rồi sự bất bình đẳng về tài sản là căn nguyên hình thành nên các giai cấp. Nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về tài sản là lòng tham của con người, tài sản có xu hướng tích tụ do con người có lòng tham.

Thứ hai: Bản chất, vai trò của Nhà nước, đó là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị đối với phần còn lại của xã hội. Nhà nước có vai trò là “công cụ”, có mục đích là duy trì sự thống trị của giai cấp thống trị đối với phần còn lại của xã hội.

Thứ ba: Đã là “công cụ” thì sẽ được sử dụng trong một khoảng thời gian hữu hạn, có điểm bắt đầu và sẽ đến lúc kết thúc. Lê Nin cho rằng có thời kỳ chưa có Nhà nước, Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội hình thành nên các giai cấp. Lê Nin cũng cho rằng Nhà nước rồi sẽ tiêu vong khi mà của cải dư thừa, con người không còn tranh chấp với nhau về tài sản nữa, đó là thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản.

Từ những luận điểm trên tất yếu đi đến kết luận mối quan hệ giữa Nhà nước và dân chủ, Nhà nước và Hiến pháp, như sau:

- Nếu Nhà nước là công cụ bạo lực của giai cấp này thống trị các giai cấp khác thì Nhà nước đó không thể nào mang trong mình các giá trị dân chủ. Một Nhà nước không thể vừa mang trong mình giá trị dân chủ, vừa mang bản chất là một công cụ bạo lực.

- Nếu trong xã hội tồn tại giai cấp này thống trị giai cấp khác thì không thể nào có bình đẳng, dân chủ. Cốt lõi của dân chủ là bình đẳng, không có bình đẳng tất không thể có dân chủ.

- Nếu Hiến pháp mang ý nghĩa là khế ước của tất cả công dân về việc thiết lập bộ máy chính quyền để bảo vệ các quyền tự do dân chủ cho các công dân thì không có chỗ cho Hiến pháp trong Nhà nước của Lê Nin. Người viết chưa từng nghe thấy quan điểm của Lê Nin về Hiến pháp. Hiến pháp – khế ước của toàn thể nhân dân về việc thiết lập chính quyền – không thể nào tồn tại trong một xã hội mà giai cấp này áp bức các giai cấp khác bằng công cụ Nhà nước.

Một cách đặt vấn đề khác về sự hình thành Nhà nước

Để xây dựng Hiến pháp dân chủ, chính quyền dân chủ, chúng ta cần một cách đặt vấn đề khác, một cách nhìn khác về căn nguyên đưa đến sự hình thành, thiết lập bộ máy chính quyền.

Con người do nhu cầu tìm kiếm thức ăn, chống chọi lại thú dữ, thiên tai đã từ bỏ cuộc sống tự nhiên nguyên thủy, đơn độc, hoang dại, tụ tập lại cùng sống với nhau, hình thành nên xã hội loài người. Từ đó đã làm xuất hiện nhu cầu tổ chức, sắp xếp, duy trì trật tự giữa các thành viên. Chính quyền khi đó xuất hiện với nhiệm vụ đơn giản là điều tiết các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội.

Khi con người tự nhiên chuyển hóa thành con người xã hội đã đưa đến những chuyển hóa hoàn toàn năng lực nhận thức và năng lực hoạt động của con người. Con người tự nhiên hoạt động dựa trên bản năng, con người xã hội hoạt động dựa trên các giá trị. Theo thời gian, con người đúc kết nên các thang giá trị mà toàn bộ đời sống hoạt động của con người dựa trên và hướng đến các giá trị đó. Các chuẩn mực giá trị như: bình đẳng, công bằng, tự do, dân chủ, khoan dung, hạnh phúc… đã trở thành hệ giá trị phổ quát của nhân loại, sau này được cụ thể hóa bằng các quy định về nhân quyền.

Quá trình nhận thức và hoạt động của con người dựa trên và hướng tới các chuẩn mực giá trị được loài người thừa nhận, khi đó chính quyền chuyển từ vai trò điều tiết các hoạt động của con người sang vai trò là công cụ, phương tiện bảo vệ cho các chuẩn mực giá trị – các quyền con người. Sự chuyển hóa vai trò này diễn ra âm thầm và trong thời gian dài.

Tới thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò của chính quyền đã được xác lập không thể chối cãi. Chính quyền không còn là công cụ bạo lực của giai cấp này áp bức giai cấp khác. Chính quyền cần phải là phương tiện để thực thi và bảo vệ nhân quyền, và đó cũng là mục đích tối hậu của chính quyền. Một quốc gia mới được thành lập như Palestine hay Nam Sudan thì chính quyền được hình thành phải có mục đích là để bảo vệ nhân quyền, có vậy mới có được tính chính danh, được nhân dân trong nước thừa nhận, được quốc tế thừa nhận.

Với cách đặt vấn đề như vậy ta thấy:

- Căn nguyên cho sự hình thành chính quyền đó là nhu cầu về một thực thể trung gian để đảm trách giải quyết những vấn đề mà mỗi cá nhân không thể đảm nhiệm được. Chính quyền hình thành không phải xuất phát từ nhu cầu của một nhóm nhỏ có tài sản nhằm áp bức bóc lột phần còn lại. Nó là nhu cầu của toàn bộ các thành viên trong xã hội.

- Sự tích tụ tài sản không phải là nguyên nhân đưa đến sự thành lập chính quyền, đó là cái nhìn sai lệch. Ngược lại sự tích tụ tài sản là hệ quả của việc thành lập chính quyền, khi mà một số nhỏ nắm trong tay quyền lực đã sử dụng nó để làm giàu.

- Tài sản có xu hướng tích tụ do con người có lòng tham, điều này là phản ánh đúng thực tế nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ. Nguyên nhân cơ bản khác đưa đến sư tích tụ tài sản hay sự bất bình đẳng về tài sản là do có sự bất bình đẳng về năng lực phẩm chất con người. Người khỏe hơn, nhanh hơn thì săn được nhiều thú hơn là lẽ đương nhiên.

- Vai trò chức năng của chính quyền không phải là bất biến. Vai trò chức năng của chính quyền dần thay đổi và chuyển biến hoàn toàn bản chất của nó theo quá trình phát triển nhận thức của con người về các thang giá trị. Ban đầu chính quyền có vai trò duy trì trật tự, điều tiết quan hệ giữa người với người (việc điều tiết ban đầu có thể chưa đảm bảo các giá trị bình đẳng, công bằng…). Khi con người văn minh và đã xây dựng nên các thang giá trị được cộng đồng thừa nhận thì chính quyền khi đó là công cụ, phương tiện của con người để bảo vệ chính các quyền con người.

- Không thể nào tồn tại xã hội mà không có chính quyền, điều này xuất phát từ chính bản chất khiếm khuyết của loài người. Con người có trí thông minh nhưng không phải là không thể mắc sai lầm (con người không phải thánh thần), con người lại có bản năng dục vọng thúc giục lôi kéo, không thể nào từ bỏ được. Bởi lẽ đó một người có thể dốt nát, nhầm lẫn (vô ý) hoặc bị dục vọng lôi kéo (cố ý) xâm phạm tới quyền của người khác. Do vậy khi sự vi phạm vẫn có thể xảy ra thì vẫn luôn cần một thực thể trung gian để điều tiết, bảo vệ các quyền con người. Không thể nào trông đợi vào sự tự giác tận cùng của con người.

Hiến pháp xuất hiện từ khi nào?

Như trên đã phân tích, không có Hiến pháp trong Nhà nước của Lê Nin, khi Nhà nước là công cụ do một giai cấp thiết lập để áp bức các giai cấp khác.

Hiến pháp chỉ xuất hiện khi đông đảo con người đã thừa nhận tôn trọng một số chuẩn mực giá trị nhất định (các chuẩn mực giá trị cũng dần hoàn thiện theo thời gian). Khi con người cùng thừa nhận phải tôn trọng các chuẩn mực đó thì mới nảy sinh nhu cầu tìm kiếm cách thức thực hiện. Hiến pháp là sự ghi nhận các chuẩn mực giá trị và cách thức để bảo vệ các chuẩn mực giá trị đó. Chính quyền được thiết lập theo nội dung thứ hai.

Theo những luận giải về sự hình thành Hiến pháp ở trên thì Hiến pháp có trước chính quyền. Nhưng thực tế có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền có trước Hiến pháp. Vậy phải chăng là có mâu thuẫn?

Khi nhiều người tập trung lại sống cùng với nhau thì chính quyền xuất hiện, xét theo diễn biến phát triển của lịch sử thì rõ ràng chính quyền có trước Hiến  pháp. Vào thời kỳ văn minh Hy Lạp khoảng năm 300, 400 trước công nguyên mới xuất hiện bản Hiến pháp. Ngay ở ViệtNamvào thời điểm năm 1945, 1946 thì Chính phủ dân chủ cộng hòa được thành lập rồi, sau mới có Hiến pháp. Như vậy thực tế có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền có trước Hiến pháp.

Nếu coi Hiến pháp là khế ước của tất cả mọi người sống trên một lãnh thổ quốc gia cùng cam kết thừa nhận tôn trọng các chuẩn mực giá trị, cùng thống nhất lập nên một thực thể trung gian là chính quyền để bảo vệ các chuẩn mực giá trị đó, khế ước đó được gọi là Hiến pháp.

Như vậy chính quyền là kết quả của việc thực thi Hiến pháp, chính quyền là kết quả của việc các công dân thực hiện các cam kết của chính mình. Hiến pháp có trước chính quyền.

Thời điểm những năm 1945, 1946 ở Việt Nam chính quyền ra đời trước khi có Hiến pháp nhưng thực ra khi đó trong xã hội đã tồn tại các chuẩn mực giá trị phổ quát của nhân loại – một thứ Hiến pháp bất thành văn. Bản thân sự thành lập Chính phủ và việc soạn thảo ban hành Hiến pháp năm 1946 thực hiện theo các mô thức quốc tế, chính là sự thừa nhận các giá trị phổ quát của nhân loại.

Bản Hiến pháp năm 1946 nhằm hợp thức hóa tính chính danh của chính quyền trên phương diện quốc tế. Theo đó Chính phủ muốn nói với quốc tế rằng, tuy Chính phủ tôi ra đời trước nhưng đã được quốc dân chấp thuận công nhận bằng bản Hiến pháp này đây.

Chính quyền ra đời nhằm mục đích giúp cho đời sống con người được tốt hơn.

Chính quyền chỉ là một trong rất nhiều tổ chức mà con người thành lập nên với mục đích giúp cho đời sống con người được tốt hơn. Ngoài việc thành lập chính quyền, con người còn thành lập các tổ chức xã hội khác.

Tóm lại, Bộ máy chính quyền với ý nghĩa là thực thể trung gian được hình thành để đảm nhiệm những việc mà từng cá nhân không thể đảm đương được, vì thế sự hình thành chính quyền xuất phát từ nhu cầu của toàn thể dân chúng và chính quyền được xây dựng dựa trên các chuẩn mực giá trị phổ quát của xã hội. Ban đầu chức năng của nó là điều tiết mối quan hệ giữa người với người, sau này chức năng của nó là công cụ, phương tiện bảo vệ nhân quyền. Có như thế mới đặt ra vấn đề cần có Hiến pháp và xây dựng Hiến pháp sao cho dân chủ để có được đời sống xã hội dân chủ. Còn nếu chiếu theo luận điểm của Lê Nin về Nhà nước thì không cần có Hiến pháp, Hiến pháp không có ý nghĩa gì cả.

Minh định lại thuật ngữ “nhà nước” trong Hiến pháp

Trên thực tế, đã xảy ra những việc đánh tráo khái niệm, đánh tráo ngôn từ, hay làm ảo thuật với từ ngữ. Có một số từ mới xuất hiện hoặc có một số từ hoàn toàn biến mất nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị. Một số từ được gán ghép cho những ý nghĩa hoàn toàn mới. Hoặc một số từ gần giống nhau về nghĩa được sử dụng lập lờ để cố tình làm cho người khác nhầm lẫn, hiểu sai vấn đề, lẩn tránh trách nhiệm. Đó chẳng là gì khác là những thủ đoạn chính trị, giúp cho người làm chính trị đạt được mục đích của mình.

Không biết nguyên thủy, thuật ngữ “Nhà nước” mang ý nghĩa gì? Nhưng tới nay, thuật ngữ “Nhà nước” có thể coi là ngôn từ chính trị quan trọng bậc nhất ở ViệtNam. Việc sử dụng thuật ngữ “Nhà nước” quá phổ biến đã làm cho mọi người quên đi gốc gác của nó. Việc khám phá và sử dụng thuật ngữ “Nhà nước” đã tạo nên sự phù hợp, logic, chính đáng cho việc xác lập một thể thức nắm giữ, sử dụng quyền lực trên đất nước Việt nam. Chính nó đã tạo nên thế và lực cho thể chế chính trị được áp đặt lên quốc gia ViệtNam. Thuật ngữ Nhà nước luôn đi kèm với nó là quyền lực.

Hãy cùng xem xét một số thông tin về vấn đề này.

- Hiến pháp năm 1992 có 147 điều trong đó có tới 160 từ “Nhà nước”.

- Hiến pháp năm 1980 có 147 điều thì có tới 209 từ “Nhà nước”

- Hiến pháp năm 1959 có 112 điều thì có tới 70 từ “nhà nước”

Trong khi đó, Hiến pháp năm 1946 một số người cho là mang giá trị dân chủ có 70 điều chỉ có duy nhất 1 từ “Nhà nước”, được quy định tại Điều thứ 15 với nội dung: “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước”.

Mở rộng thêm ta thấy:

- Hai bản Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa không có từ “Nhà nước” nào.

- Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết có 1009 từ nhưng không có từ “Nhà nước”.

- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do chủ tịch Hồ Chí Minh viết có 210 từ nhưng không có từ “Nhà nước”.

Xem ra có thời kỳ thuật ngữ “Nhà nước” đã không được sử dụng, hay ý thức về một thứ quyền lực bao trùm lên tất cả mọi tổ chức riêng rẽ chưa xuất hiện.

Tới đây chúng ta phân biệt: nhà nước với nước, đất nước, quốc gia, Tổ quốc.

Nước, đất nước, quốc gia, Tổ quốc chỉ thực thể tự nó hiện hữu, nội hàm trong đó bao gồm lãnh thổ địa lý quốc gia và xã hội loài người xây dựng trên đó. Các từ này mang ý nghĩa giống nhau, chỉ khác nhau về bối cảnh sử dụng, có thể được dùng thay thế cho nhau. Từ Tổ quốc, đất nước mang sắc thái tình cảm, không sử dụng trong khoa học pháp lý, chỉ dùng trong thơ ca, văn chương khi người ta muốn khơi dậy tình cảm của con người.

Thuật ngữ “Nhà nước” chỉ thực thể nhân tạo, là một trong rất nhiều tổ chức được con người lập ra nhằm phục vụ cho đời sống của con người. Nhà nước là một bộ máy, công cụ của con người, bị xóa bỏ khi cần.

Theo Lê Nin thì Nhà nước là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị, ngoài ra “nhà nước” là một bộ máy trong đó có Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Quân đội, Công an, Mặt trận Tổ quốc…. Các nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa đã gom vào trong Nhà nước rất nhiều tổ chức khác nhau mặc dù các tổ chức đó được thành lập độc lập, có tên gọi riêng, chức năng riêng. Nhưng gom vào để làm gì, nếu bình thường tự các cơ quan, tổ chức kia đã là những chủ thể độc lập, có chức năng quyền hạn riêng biệt?

Thực chất từ “Nhà nước” rỗng tuếch không có gì cả, cái mà chúng ta gọi lâu nay như bộ máy nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước thực chất là chỉ cơ quan của một tổ chức cụ thể có tên gọi riêng. Ví dụ cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, cơ quan Tòa án, cơ quan Công an…

Lâu nay chúng ta gọi chung là cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước là một thói quen không tốt, hình thành từ sự không phân định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan riêng biệt. Điều này có gốc rễ từ việc thiếu vắng kiến thức về tổ chức bộ máy chính quyền của cả cán bộ lẫn người dân.

Việc gọi tên chung chung là cơ quan Nhà nước giống như ta vẫn gọi một người ngoại quốc là ông Tây. Nếu ta có kiến thức để phân biệt thì sẽ gọi là người Pháp, người Mỹ, người Đức, nhưng vì không thể phân biệt nên ta gọi chung là ông Tây.

Chúng ta có Luật tổ chức Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Luật tổ chức Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân… Nhưng chúng ta không có Luật tổ chức Nhà nước, không có Chủ tịch Nhà nước (ta có Chủ tịch nước – có thể gọi tên khác là Tổng thống hoặc Quốc trưởng – chứ không có Chủ tịch Nhà nước).

Chúng ta hoàn toàn có thể phân định rạch ròi từng cơ quan riêng biệt để gọi đúng tên của nó và cần bỏ đi cách gọi chung chung là cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước. Chúng ta cần gọi đúng tên để xác định đúng thẩm quyền, chức năng, trách nhiệm cụ thể.

Một số trường hợp có thể bỏ đi từ “Nhà nước”, ví dụ:

- Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, vậy có thể gọi là Kho bạc Chính phủ, Kho bạc Quốc gia hay Kho bạc quốc gia Việt Nam, giống như Đài tiếng nói ViệtNam, Đài truyền hình ViệtNam.

- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan trực thuộc Chính phủ, vậy có thể gọi là Ngân hàng Chính phủ hoặc Ngân hàng Quốc gia, hay Ngân hàng quốc gia ViệtNam

- Thanh tra Nhà nước, tên chính xác là Thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ do Thủ tướng bổ nhiệm.

Tự các cơ quan riêng biệt đã có khả năng đứng độc lập và thực hiện được công việc của nó, vậy gom vào làm gì? Xin thưa rằng, gom vào để tập trung quyền lực, Nhà nước tập trung vào trong nó quyền lực. Quốc hội có quyền lập pháp, Quốc hội là cơ quan Nhà nước, do vậy Nhà nước nắm quyền lập pháp. Chính phủ có quyền hành pháp, Chính phủ là cơ quan Nhà nước, do vậy Nhà nước nắm quyền hành pháp. Tòa án có quyền tư pháp, Tòa án là cơ quan Nhà nước, do vậy Nhà nước nắm quyền tư pháp. Nhà nước theo đó tập trung vào trong nó tất cả các quyền mà các cơ quan nằm trong nó có sẵn.

Nhà nước gom vào trong mình mọi thứ quyền lực, và đã nói đến “bên trong” thì có “bên ngoài” và “bên trên”. Bên ngoài là xã hội, bên trên là Đảng Cộng sản. Biết bao nhiêu điều của Hiến pháp quy định quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án…, chỉ nhằm một mục đích phục vụ cho luận điểm: Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tới đây ta thấy một logic hợp lý của việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ Nhà nước. Một sự thật trần trụi về Nhà nước là: Nằm trên Nhà nước là Đảng Cộng sản, “nhà nước” đã thỏa mãn khi thể hiện được vai trò công dụng của mình.

Như vậy là từ “Nhà nước” thực ra rỗng tuếch, được sử dụng để chỉ một bộ máy bao hàm trong đó các cơ quan riêng biệt, đặt tất cả dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nếu bỏ đi từ “Nhà nước” mà vẫn muốn giữ nguyên lý đảng lãnh đạo toàn bộ thì sẽ phải quy định: Đảng lãnh đạo Quốc hội, đảng lãnh đạo Chính phủ, đảng lãnh đạo Tòa án, đảng lãnh đạo Công an, đảng lãnh đạo Quân đội, đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, đảng lãnh đạo Hội Phụ nữ… Quy định như vậy thì không liệt kê hết được và có vẻ thô bạo, đi ngược lại với các mô thức chính quyền mang các giá trị dân chủ phổ quát đã được quốc tế thừa nhận.



Tóm lại

Bài viết này là bàn về việc sửa đổi Hiến pháp sao cho dân chủ để từ đó mong muốn có được xã hội dân chủ. Nhưng chẳng thể nào tạo ra được một Hiến pháp dân chủ khi lảng tránh cội nguồn gốc rễ của Hiến pháp. Muốn xây dựng Hiến pháp dân chủ chúng ta phải xem lại khởi nguyên của sự hình thành Nhà nước và căn nguyên đưa đến sự ra đời Hiến pháp.

Chúng ta hiểu rằng: một Hiến pháp mang các giá trị dân chủ chưa chắc đã đem lại một đời sống dân chủ trên thực tế. Tuy nhiên, một đời sống thực tế muốn dân chủ thì tối thiểu bản Hiến pháp của nó phải mang giá trị dân chủ. Không thể nào có một đời sống dân chủ mà Hiến pháp của nó lại mang các giá trị phi dân chủ.

Trong việc xây dựng Hiến pháp, chúng ta cần xác định đâu là vấn đề quan trọng. Vấn đề Nhà nước, cách thức tổ chức thiết lập bộ máy Nhà nước, hay là vấn đề ghi nhận các quyền con người, quyền công dân và cách thức bảo vệ các quyền đó là quan trọng? Bởi lẽ khi ta quan trọng hóa vấn đề không thực sự quan trọng thì ta cũng sẽ nhầm lẫn không coi trọng vấn đề vốn thực sự là quan trọng.

Qua bài viết này ta thấy rằng không một cơ quan nào có từ Nhà nước mà ta không thể phân định rạch ròi để gọi tên chính xác của cơ quan đó và bỏ đi từ Nhà nước. Rất nhiều cơ quan tổ chức ở ViệtNamcó thể bỏ đi từ đệm thừa thãi Nhà nước. Gọi một cách bao trùm chung chung là một thói quen xấu và chỉ đem đến hệ quả xấu. Đó là sự thiếu kiến thức phân định để có thể gọi tên chính xác cơ quan đó nhằm xác định trách nhiệm. Trong các cơ quan chính quyền, có cơ quan mang chức năng giám sát hoạt động của cơ quan khác, nếu gọi chung như thế thì cơ quan thực hiện và cơ quan bị giám sát và cả cơ quan xử lý sai phạm cùng gom vào làm một, dễ dẫn đến sự tiêu cực, làm xóa nhòa đi ranh giới chức năng, nhiệm vụ, bổn phận.
N.N.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: