Quỳnh Chi

Giới trí thức Việt Nam bất bình Tạp chí Science

AFP photo : Trang chủ
Tạp chí Science trên mạng Internet
Cuối tháng 7, Tạp chí Science, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới cho đăng tải một bài viết của giáo sư Xizhe Peng, là hiệu trưởng trường Đại học Fudan tại Thượng Hải.
Không thể chấp nhận...

Điều đáng chú ý là bài viết này của giáo sư Xizhe Peng đăng kèm bản đồ hình lưỡi bò, như một cách
mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Việc bài viết xuất hiện trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đã gây ra bất bình và thất vọng cho giới học giả Việt Nam.

Bài viết của giáo sư Xizhe Peng có tên “China’s Demographic History and Future Challenges” – tạm dịch “Lịch sử nhân khẩu học Trung Quốc và những thách thức tương lai” – được đăng tại trang 581 đến trang 587 trên tạp chí Science, số ra ngày 29 tháng 7 năm 2011. Nội dung bài viết không có gì đáng bàn cãi nếu như tại trang thứ 4 của bài này, tác giả không sử dụng 4 bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò để minh họa. Vô tình hay hữu ý mặc lòng, việc này như một cách khẳng định đường lưỡi bò là một phần không thể tranh cãi của lãnh thổ Trung Quốc.

Đường đứt khúc 9 đoạn bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, khu vực đang được tranh chấp giữa các nước Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Trung Quốc. Việc bản đồ này được một giáo sư đại học sử dụng trong các nghiên cứu quan trọng đã là một điều đáng bàn cãi; việc nó xuất hiện trên tạp chí có uy tín hàng đầu thế giới lại càng đáng bàn cãi hơn.

Science đăng một bản đồ sai sự thật như vậy thì càng không thể chấp nhận, vì nó đi ngược lại với các tiêu chí về chuẩn mực và tinh thần trung thực của khoa học.

Anh Võ Tấn Huân

Tạp chí Science thuộc Hiệp hội Hoa Kỳ vì nền Khoa học Tiên tiến tức American Association for the Advancement of Science (AAAS ) - là một tổ chức đã ra đời từ năm 1848, có số học viện khoa học và cơ quan liên kết lớn nhất thế giới với 262 tổ chức. Riêng tạp chí Science, ấn bản đầu tiên đã ra đời năm 1880. Tạp chí  này đăng tải những nghiên cứu khoa học từ khắp nơi trên thế giới, và số lượng đọc giả toàn cầu rơi vào khoảng 1 triệu người.

Trung tuần tháng 8, trang mạng Bauxite Việt Nam cho đăng tải một bức thư phản đối đường lưỡi bò trong bài viết của giáo sư Xizhe Peng trên tạp chí Science. Bức thư đề ngày 20 tháng 8, gởi cho tạp chí Science có đoạn:

“Trong vài năm qua, Trung Quốc đơn phương đưa ra bản đồ lãnh thổ vùng biển 9 đoạn và tự do cho rằng toàn bộ Biển Đông là “vùng biển lịch sử” của họ, không tuân thủ các luật biển quốc tế như UNCLOS. Đường ranh giới vẽ tay hình chữ U vừa không có chứng cứ khoa học và cũng không có thông tin địa dư nào để chứng minh trước cộng đồng thế giới sự trung thực của nó”.

Bức thư ngoài thể hiện sự quan tâm, còn thể hiện sự bất bình của hàng chục trí thức ký tên. Điều đặc biệt là bức thư phản đối này nhận được sự đồng tình của rất nhiều người thuộc giới khoa học Việt Nam trên toàn thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Đức, Bỉ…, những nơi mà tạp chí Science đã trở thành một nguồn thông tin quen thuộc và đáng tin cậy.

Cùng thời điểm, người ta thấy xuất hiện trên website của Tập hợp Thanh niên Dân chủ một lá thư kiến nghị gởi cho tạp chí Science. Bức thư đề ngày 20 tháng 8 cho rằng ban biên tập Science đã thất bại trong việc kiểm tra và chỉnh sửa thông tin không trung thực trong bài viết của giáo sư Trung Quốc Xizhe Peng và vi phạm sứ mệnh của AAAS – Hiệp hội Hoa Kỳ vì nền Khoa học Tiên tiến. Anh Võ Tấn Huân, trưởng ban đại diện THTNDC cho biết lý do khiến các bạn trẻ này quan tâm về vấn đề này:

“Trong THTNDC cũng có một số bạn nghiên cứu sinh và cũng có các bài đăng trên nhiều tạp chí khoa học như Cancer Research, Oncogene, Pharmacotherapy…nên hiểu được quá trình để một nghiên cứu được đăng tải trên một tạp chí lớn. Hơn nữa, tạp chí Science là một tạp chí lớn, có số lượng người đọc lên đến hàng triệu người, có uy tín và được nhiều người sử dụng như một nguồn chính thức và trích dẫn lại trong các đề tài nghiên cứu khác, và điều này rất bất lợi cho Việt Nam.

Mặt khác, biển Đông là đề tài nóng đang được tranh chấp giữa nhiều quốc gia, nên việc Science đăng một bản đồ sai sự thật như vậy thì càng không thể chấp nhận, vì nó đi ngược lại với các tiêu chí về chuẩn mực và tinh thần trung thực của khoa học”.

Gây bất lợi cho Việt Nam
Bản đồ đường lưỡi bò
Sứ mệnh của AAAS bao gồm việc “thúc đẩy và bảo vệ sự trung thực của khoa học và ứng dụng khoa học” và “đẩy mạnh các sử dụng khoa học có trách nhiệm trong chính sách công”. Và có lẽ cũng cần phải nói thêm rằng, tạp chí Science ngoài có số lượng người đọc hàng đầu thế giới, nó còn là một tạp chí có peer reviews; nghĩa là một nghiên cứu khoa học muốn được đăng trên đây phải được ít nhất hai chuyên gia trong ngành kiểm duyệt và ban biên tập là những người kiểm duyệt cuối cùng.

Có thể nói, thường thì đến trên 90% các nghiên cứu khoa học gởi vào tạp chí Science sẽ bị loại bỏ. Chính vì thế mà một nghiên cứu khoa học được đăng trên Science sẽ có giá trị và ảnh hưởng rất lớn. Người ta thường xuyên dựa vào chỉ số Impact factor để đánh giá sự ảnh hưởng của một tạp chí khoa học. Và chỉ số này của tạp chí Science luôn ở mức rất cao, với con số 31 vào năm ngoái. Nói như thế để thấy mức độ ảnh hưởng của bài viết về dân số Trung Quốc của ông Xizhe Peng sẽ có một sức ảnh hưởng lớn như thế nào. Và nếu thông tin đăng tải trên tạp chí này chưa được chứng minh, hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Anh Võ Tấn Huân đưa ra một ví dụ:

“Một điều khác là nếu sau này một học giả người Việt Nam gửi bài có hình bản đồ HSTS và tuyên bố đó thuộc về VN - và trong thực tế thì chúng ta đều biết là các quần đảo này thuộc chủ quyền VN - và tạp chí Science tiếp tục đăng thì như vậy vô hình chung lại tạo nên sự lẫn lộn cho bạn đọc, hoặc nếu như họ không đăng bài của học giả VN thì rõ ràng là có vấn đề”.

Science là một tạp chí lớn, có số lượng người đọc lên đến hàng triệu người, có uy tín và được nhiều người sử dụng như một nguồn chính thức và trích dẫn lại trong các đề tài nghiên cứu khác, và điều này rất bất lợi cho Việt Nam.

Anh Võ Tấn Huân

Từ ngày 5 tháng 9 đến nay, nhiều thư phản đối chính thức gởi đến các khoa học gia và khoảng 30 cơ quan, tạp chí có tiếng trên thế giới, trong đó có tạp chí Nature, là tạp chí đối thủ của Science. Trong một lá thư vừa đăng tải trên trang Bauxite Việt Nam tuần trước, nhóm 57 vị trí thức, khoa học gia cũng kêu gọi và khuyến khích mọi người viết thư phản đối bản đồ lưỡi bò trên tạp chí Science.

Để rộng đường dư luận, trong tháng 8, chúng tôi cũng đã liên lạc với ban biên tập tạp chí Science. Sau đó, chúng tôi nhận được thư từ người phụ trách mảng truyền thông của tạp chí này yêu cầu cho biết thông tin hạn chót cho cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, đã 3 tuần, cho đến khi bài viết này được phát, tạp chí Science vẫn chưa liên lạc lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến quý vị những diễn tiến mới nếu có.
Quynhchi@rfa.org.

Không có nhận xét nào: