Mỹ cảnh báo về việc Trung Quốc phát triển sức mạnh hải quân
Căng cờnhân ngày thành lập Quân đội Trung Quốc, Triết Giang, 30/7/2011. REUTERS/Lang Lang |
Ngày hôm qua, 24/08/2011, trong bản báo cáo thường niên gửi Quốc hội lưỡng viện, bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng từ nay đến năm 2020, Trung Quốc có thể có được một quân đội hiện đại.
Một trong những chủ đề được Lầu năm góc quan tâm là việc Bắc Kinh tập trung phát triển sức mạnh hải quân, đầu tư vào các loại thiết bị quân sự công nghệ cao, cho phép hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động ở Thái Bình Dương và vượt ra bên ngoài khu vực này.
Theo các tác giả bản báo cáo, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực chế tạo loại tên lửa đối hạm có thể tấn công hàng không mẫu hạm, cải thiện khả năng hệ thống radar phát hiện mục tiêu, mở rộng hạm đội tàu ngầm, phát triển công nghệ vệ tinh và tin học.
Sự phát triển bộ máy quân sự đã được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc, nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, coi ưu tiên hàng đầu của mình là bảo đảm an ninh cho các tuyến giao thông hàng hải và khẳng định chủ quyền tại những nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông. Theo Hoa Kỳ, « tiến trình phát triển các lợi ích kinh tế và địa-chiến lược của Trung Quốc đã làm thay đổi cơ bản nhãn quan của Bắc Kinh về sức mạnh hải quân ».
Trong lúc các lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Đài Loan, giờ đây, họ cho rằng quân đội phải có vai trò to lớn hơn trong đó việc phát triển hải quân là một yếu tố chủ chốt. Bản báo cáo viết, « các lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra đuờng lối rõ ràng là hải quân sẽ đóng một vai trò ngày càng cao trong việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển xa ».
Trong thời gian qua, các chỉ huy quân sự Mỹ lo ngại là các bước tiến của quân đội Trung Quốc sẽ đe dọa vai trò thống trị quân sự có từ lâu đời của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, giới chính trị gia Mỹ thì tố cáo Bắc Kinh có những hành động hung hăng đối với các nước láng giềng trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Ông Michael Schiffer, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng, việc hải quân Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trong khu vực có thể dẫn đến những đối đầu tại đây.
Đương nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn tuyên bố là các chương trình hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm mục đích quốc phòng và Bắc Kinh tố cáo Washington tìm cách miêu tả quân đội Trung Quốc như là một mối đe dọa.
Sự kiện đáng chú ý là vừa qua, Trung Quốc đã cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, mang tên Thi Lang. Trước sự lo ngại của các nước láng giềng và bị các cường quốc khác chất vấn, Bắc Kinh mỗi lúc đưa ra các giải thích khác nhau : Lúc thì nói hàng không mẫu hạm chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện, lúc thì cho rằng Trung Quốc là thành viên thường trực duy nhất trong Hội Đồng Bảo An chưa có loại tàu này …Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Mỹ lại giảm nhẹ vai trò của chiếc tàu cũ mua lại của Ukraina này và coi đây là bước khởi đầu cho việc xây dựng một hạm đội trong vòng 10 năm tới. Ông Chiffer cho biết là chưa có chiếc máy bay nào trên chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang và phải mất nhiều năm nữa thì mới có thể xây dựng được một phi đội có khả năng tác chiến ở mức tối thiểu. Nếu Trung Quốc bắt đầu tự đóng hàng không mẫu hạm trong năm nay, thì con tàu chỉ có thể được đưa vào hoạt động sớm nhất là năm 2015.
Báo cáo của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thẩm định là chi phi quân sự của Trung Quốc trong năm 2010 có thể lên tới 160 tỷ đô la và trong thập niên vừa qua, ngân sách quốc phòng của nước này tăng trung bình 12,1%/năm, còn tăng trưởng trung bình của Trung Quốc trong cùng thời gian chỉ là 10,2%/năm.
Mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng nhanh và liên tục nhưng tính theo giá trị tuyệt đối thì vẫn rất thấp so với Hoa Kỳ. Trong năm 2010, ngân sách quốc phòng Mỹ lên tới gần 700 tỷ đô la.
Đức Tâm RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét