Liên quân ráo riết truy tìm ông Gaddafi
Phe nổi dậy nay truy tìm ông Gaddafi sau khi đã chiếm được gần hết Tripoli |
Phe nổi dậy Libya được đặc nhiệm Anh hỗ trợ đang ráo riết truy tìm Đại tá Muammar Gaddafi giữa lúc có thêm phát hiện về tội ác của chế độ cũ.
Vài ngày sau khi lực lượng thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) làm chủ gần hết các khu phố Tripoli, chiến dịch truy bắt nhà cựu lãnh đ̣ạo Libya đang được thúc đẩy với lo ngại để lâu sẽ càng khó tìm.
Phe nổi dậy mà nay được nhiều chính phủ Âu Mỹ, châu Phi và Ả Rập công nhận nói với báo Anh rằng họ được đặc nhiệm SAS của Anh trợ giúp để tìm ông Gaddafi, dù 'còn sống hay đã chết'.
Báo Anh, tờ Sunday Telegraph nói một nhóm nhỏ đặc nhiệm SAS đã có mặt bên trong Libya trong cả tháng qua.
Nguồn tin của báo này nói quân SAS của Anh gồm cả tình báo MI6 và các chuyên gia công nghệ đang giúp NTC.
Họ cũng dùng công nghệ nghe điện thoại di động từ phi cơ trinh sát của Không quân Hoàng gia, RFA như Sentinel R1 và cả phi cơ của Mỹ như Rivet Joint trong lúc phi cơ của Mỹ, loại US Reaper loại có mang theo bom và hỏa tiễn, cũng trực chiến.
Theo các đánh giá này, ít có khả năng ông Gaddafi dùng điện thoại di động hoặc di chuyển bằng các đoàn xe đông đảo vì phi cơ do thám của Anh Mỹ có thể định vị được mục tiêu từ trên không.
Nhưng cũng có tin biệt kích Pháp, Qatar và Jordan cũng tham gia truy tìm ông Gaddafi, người nay được coi là "kẻ bị truy nã" quan trọng nhất thế giới.
Không dễ tìm thấy
Truyền thông Phương Tây cũng so sánh việc truy tìm ông với các chiến dịch lùng bắt Saddam Hussein, Radovan Karadzic và gần đây là Osama Bin Laden.
Dù các nguồn chính thức không xác nhận thông tin mới nhất các nhóm truy tìm theo dõi ông Gaddafi ở đâu, các trang mạng quốc tế đang đầy rẫy lời đồn thổi về chỗ trú ẩn 'có thể là đúng' của ông.
Người ta suy đoán ông Gaddafi có thể sang Algeria, Mali hoặc trốn về vùng sa mạc miền Nam gần biên giới với Chad.
Ông cũng có thể trốn ngay gần quê hương là Sirte, thành phố biển ở phía Đông Tripoli, giống như ông Saddam Hussein khi bị bắt cũng đang trốn ở vùng quê Tikrit.
Thậm chí có lời đồn ông Gaddafi sang Zimbabwe, nơi cựu đồng minh Robert Mugabe cùng chia sẻ cách nhìn chống Phương Tây.
Về lý thuyết, nếu rời Libya, ông Gaddafi cần đến những nước không ký công ước về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì các nước thành viên có nghĩa vụ trao nộp người bị tòa ra lệnh bắt.
Người ta cũng không hy vọng bắt ngay được ông Gaddafi vì diện tích của các vùng sa mạc Libya rộng tương đương nước Pháp, lại không có đường bộ và giao thông liên lạc khiến việc truy tìm rất khó khăn
Xác người tại bệnh viện ở khu Abu Salim, Tripoli hôm 26/8
Chưa kể ông Saddam Hussein trốn được tới tám tháng rồi mới bị bắt tại Iraq nên tìm thấy ngay ông Gaddafi không phải là việc ngày một ngày hai.
Trong hơn bốn thập niên cầm quyền, ông Gaddafi cũng đã chuẩn bị cho nhiều phương án và quen sống trong cảnh bị bao vây, cấm vận và chắc chắn có khả năng lẩn trốn tốt.
Trong lúc NTC đang cố gắng thiết lập tân chính quyền tại Tripoli, các phát hiện mới cho thấy quân của ông Gaddafi đã tàn sát nhiều người Libya chỉ trong thời gian qua.
Gần đây nhất có 50 xác người được tìm thấy trong một nhà kho ở khu Salah al-Din, phía Nam Tripoli.
Người dân địa phương nói đây là các thường dân bị đội quân của ông trai ông Gaddafi, Khamis "hành hình" hôm thứ Ba vừa qua.
Hôm thứ Sáu, có 200 xác người thối rữa được phát hiện tại bệnh viện bỏ hoang ở khu Abu Salim nhưng đó là vì bác sĩ và hộ ly phải bỏ vị trí vì chiến sự, để bệnh nhân bị thương chết tại đó.
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes trong tuần cũng chứng kiến một bệnh viện ở Mitiga, Tripoli tiếp nhận thi thể của 17 chiến binh của phe nổi dậy.
Các bác sĩ cho biết những binh sĩ này là tù binh của quân đội Gaddafi bị tra tấn và sát hại khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô hồi đầu tuần.
Liên Hiệp Quốc đã từng tuyên bố một số hành động quân sự ở Libya có thể bị xem như là tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét