Mặc Lâm

LS Huỳnh Văn Đông bị phân biệt đối xử

Biểu ngữ phản đối sự bất công được treo tại một cửa hàng ở Hà Nội trước lệnh cưỡng chế di dời của chính quyền vào ngày 07/7/2011: AFP photo


Trong khi hành nghề luật sư để bảo vệ quyền lợi của thân chủ mình LS Huỳnh Văn Đông luôn gặp khó khăn, cản trở từ chính hệ thống tư pháp mà ông phục vụ.

Lý do ông bị phân biệt đối xử vì đã tranh cãi cho những người bị cáo buộc các tội danh chính trị và những lý luận cũng như chứng cứ ông đưa ra đã khiến cho toà án khó chịu đi đến chống lại ông. Mới đây tòa án tỉnh Bến Tre đã gửi công văn đến Luật sư Đoàn đòi có biện pháp đối với LS Huỳnh Văn Đông.

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông để tìm hiểu thêm về công văn này.

Luật pháp không công minh

Mặc Lâm : Thưa luật sư, xin ông cho biết sau nhiều vụ mà ông đã bảo vệ cho những thân chủ bị cáo buộc với những tội danh chính trị thì luật sư rút ra được những kinh nghiệm gì về tòa án Việt Nam ?

LS Huỳnh Văn Đông : Thưa anh, trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án mang tính cách chính trị thì tôi nhận ra một điều rằng tất cả các tòa án từ Bắc chí Nam mà tôi đã từng tham gia thì tôi thấy một điều rằng là họ không xét xử trên cơ sở chứng cứ khách quan và những chứng cứ họ sử dụng là mang tính chủ quan và suy diễn; nó không có một chứng cứ trực tiếp nào để kết buộc các thân chủ của chúng tôi từ trước tới nay phạm các tội mà như họ đã cáo buộc. Đó là một đặc điểm chung mà tôi rút ra được trong quá trình hành nghề của mình.

Mặc Lâm : Đó là những việc mà luật sư gặp trong tòa, riêng về những người mà thi hành pháp luật chẳng hạn như công an thì họ có những cách đối xử với các bị can phải được gọi là hồ đồ. Luật sư có kinh nghiệm gì về việc này không ạ?

LS Huỳnh Văn Đông : Về các vi phạm trong quá trình điều tra của công an thì đó là một vi phạm có hệ thống. Tôi thấy rằng là việc bắt giam người một cách vô tội vạ và cứ gia hạn điều tra, rồi gia hạn điều tra hết lần này tới lần khác, có những trường hợp mà đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật, tôi khẳng định đó là việc làm có hệ thống, tại vì các chứng cứ cho tới thời điểm đưa ra xét xử vẫn không có gì mới ngoài những chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập trước đó, nhưng người ta vẫn lấy lý do là kéo dài thời gian hoặc các vụ án phức tạp để mà gia hạn điều tra.

Người ta vận dụng một điều luật trong Bộ Luật Hình Sự, đó là không cho luật sư tiếp xúc với khách hàng của mình trong giai đoạn điều tra vì đó là những tội gọi là xâm phạm an ninh quốc gia, mà đó là cản trở lớn nhất đối với giới luật sư chúng tôi.

Mặc Lâm : Còn một khía cạnh nữa là như trường hợp của anh Điếu Cày đã xảy ra là sau khi anh ấy mãn hạn tù vẫn bị họ giữ lại với cáo buộc một tội danh khác và đồng thời tuyệt đối không cho người nhà biết tình trạng hiện thời của ảnh ra sao trong thời gian kéo dài cả năm nay. Theo luật sư, điều này có vi phạm gì đối với pháp luật Việt Nam hay không?

LS Huỳnh Văn Đông : Vi phạm lớn nhất ở đây ít nhất là cái quyền thăm nuôi của người nhà đối với bị can, bị cáo. Công an TP.HCM đã áp dụng việc cấm thăm gặp anh Điếu Cày tức là họ đã vi phạm pháp luật.

Người ta vận dụng một điều luật trong BLHS, đó là không cho luật sưtiếp xúc với khách hàng của mình trong giai đoạn điều tra, và đó là cản trở lớn nhất đối với giới luật sư chúng tôi.

LS Huỳnh Văn Đông

Mặc Lâm : Dạ vâng. Trong trường hợp này thì người thân, người nhà của anh Điếu Cày có thể đưa đơn khiếu nại được hay không ở những cơ quan hay tòa án cao hơn, thưa luật sư?

LS Huỳnh Văn Đông : Tôi được biết người nhà của anh Điếu Cày đã khiếu nại, khiếu nại rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có một sự trả lời chính thức của cơ quan chức năng.

Mặc Lâm : Như vậy thì cả một hệ thống tòa án đã như vậy rồi thì làm sao mà bảo vệ được cho người dân thấp cổ bé miệng như là gia đình anh Điếu Cày, thưa ông?

LS Huỳnh Văn Đông : Việc bảo vệ ở đây, qua quá trình hành nghề thì chúng tôi nhận thấy một điều rằng áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ cho các trường hợp như anh vừa nêu thì là một điều hết sức khó, bởi vì người thi hành pháp luật người ta đã không căn cứ vào quy định của pháp luật. Người ta thực hiện theo cái gọi là mệnh lệnh của cấp trên, đó là vi phạm luật một cách trắng trợn nhất mà Việt Nam đang phải đối diện, và thực tế nó là như thế.

Lũng đoạn tư pháp

Mặc Lâm : Theo luật sư, sau một thời gian va chạm với tòa án Việt Nam cũng như là với giới hành pháp Việt Nam thì luật sư có thấy rằng hành pháp có những biểu hiện gì để có thể nói là đang lũng đoạn tư pháp?
Luật sư Huỳnh Văn Đông. Photo courtesy of nuvuongcongly

LS Huỳnh Văn Đông : Sự lũng đoạn của nó đã có và hiện đang có, và tiếp tục sẽ có, bởi vì người ta làm việc trên một khía cạnh mà như tôi đã trình bày, đó là người ta không căn cứ vào pháp luật mà người ta căn cứ vào mệnh lệnh. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang bị lũng đoạn, đặc biệt là ngành tư pháp.

Mặc Lâm : Còn riêng về những điều khoản mơ hồ như Điều 88 hay Điều 79 của Bộ luật hình sự thì luật sư có nghĩ rằng kỳ thay đổi hiến pháp lần này họ có thể nhìn lại những sai trái, những mơ hồ này để họ có sự điều chỉnh lại hai điều luật này hay không?

LS Huỳnh Văn Đông : Tôi hy vọng là chức năng của đại biểu quốc hội ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Tôi cũng khẳng định và tôi chắc chắn rằng họ nhìn ra được điều đó, họ nhìn ra những điều luật mà như anh vừa nói, đó là những điều luật mơ hồ mà bất kể một công dân Việt Nam nào cũng có thể phạm tội. Tôi hy vọng sẽ có sự sửa đổi trong kỳ sửa đổi tới đây.

Mặc Lâm : Chúng ta ai cũng thấy rằng về các tội danh chính trị thì tòa án Việt Nam, cũng như bên viện kiểm sát và công an thì họ rất là tích cực, thế nhưng theo luật sư các tội danh liên quan đến các lãnh vực như là tham nhũng, hối mại quyền thế, hay là lợi dụng chức vụ vi phạm pháp luật thì có được viện kiểm sát nghiên cứu kỹ lưỡng các bằng chứng để đưa ra trước tòa hay không ?

Sự lũng đoạn của nó đã có và hiện đang có, và tiếp tục sẽ có, bởi vì người ta làm việc không căn cứ vào pháp luật mà người ta căn cứ vào mệnh lệnh.

LS Huỳnh Văn Đông

LS Huỳnh Văn Đông : Trường hợp đó thì tôi ít được tham gia, nhưng mà qua thông tin báo chí, đặc biệt là thông tin báo chí trong nước, thì chúng ta thấy một điều rằng những tội phạm đó không được nhà nước hay là không được cơ quan hành pháp, tư pháp, họ xem xét một cách đúng mức. Đặc biệt như vụ hối lộ tiền polymer, tôi được biết là bên cơ quan điều tra của Úc người ta đã điều tra vụ này rất là lâu nhưng mà đến nay thì Việt Nam vẫn chưa có một phản ứng nào. Hoặc là những vụ dân chết trong đồn công an, kết luận của bên giám định pháp y cũng như là cách hành sử sau đó của cơ quan chức năng thì tôi thấy chưa rõ ràng và người dân còn nhiều bức xúc.

Hạn chế quyền lợi LS

Mặc Lâm : Xin hỏi luật sư một câu nữa, trong khi luật sư tham gia các vụ án chính trị thì luật sư có bị hạn chế gì khi mà thực hiện nhiệm vụ của luật sư không ạ? Và những hạn chế đó cụ thể là như thế nào ạ?

TAND TP. Hà Nội trong ngày xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ 04/4/2011. AFP

LS Huỳnh Văn Đông : Tôi luôn luôn bị hạn chế. Hạn chế ở việc cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của pháp luật mà điều này người ta làm trái pháp luật một cách trắng trợn. Rồi hạn chế quyền tiếp cận hồ sơ, hạn chế quyền tranh tụng, hạn chế quyền phát biểu tại tòa, và thậm chí gần đây thì lại bị Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đưa ra một kiến nghị để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý tôi vì những việc làm không liên quan tới tòa án hoặc có liên quan nhưng mà không đáng kể.

Tôi đơn cử một ví dụ. Tòa án viện dẫn công văn yêu cầu Đoàn luật sư xử lý tôi thì trong đó có nói rằng tôi có phát biểu ở trên Diễn Đàn Paltalk sau phiên xử. Đó là việc sau phiên xử thì đó là quyền tự do thông tin của công dân, của cá nhân đối với báo chí. Hoặc là những hoạt động của Đảng Việt Tân hoặc các tổ chức chính trị khác họ có những động này những hoạt động kia thì đó là việc làm của họ, không phải của tôi, thì tại sao đưa vào đó, dựa vào đó như là những chứng cứ để kết tội tôi rằng là tôi đang giúp sức cho những tổ chức đó. Đó là thể hiện cái việc mà Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đang nhân danh công lý nhưng thực tế họ đang phỉ báng công lý.

Mặc Lâm : Và Luật Sư có nghĩ rằng những kết án này có thể làm cho luật sư đoàn có thái độ đối với Luật Sư hay không?

LS Huỳnh Văn Đông : Tôi nghĩ rằng nếu như luật sư đoàn mà căn cứ vào các quy định của pháp luật và các quyền hạn của người luật sư theo quy định của luật luật sư, cũng như luật tố tụng hình sự trong quá trình hành nghề của mình, thì không có một lý do nào chính đáng để mà xét kỷ luật tôi cả. Và cái công văn của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre là một công văn vô giá trị

Mặc Lâm : Xin một lần nữa cảm ơn thời gian của LS Huỳnh Văn Đông đã dành cho chúng tôi thực hiện cuộc phòng vấn đặc biệt này. Cảm ơn ông ạ.

LS Huỳnh Văn Đông : Vâng. Xin cảm ơn anh.
Mặc Lâm

Không có nhận xét nào: