Trung Quốc: Thực phẩm an toàn sinh học dành cho Đảng
Một khác hàng trước gian hàng thịt trong siêu thị tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 9/8/2011 REUTERS/Stringer |
Trong khi tại Trung Quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bê bối về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thì tuần báo Nam Phương tại Quảng Đông có đăng một bài viết cho biết bữa ăn tại các công sở Nhà nước hay các quan chức cao cấp được giám sát kỹ đến mức nào. Courrier International số ra tuần này đã đăng bài trích dịch tựa đề «Thực phẩm an toàn sinh học chỉ dành cho Đảng ».
Khu nhà kính trồng rau của hải quan, thuộc quận ngoại ô Thuận Nghĩa, nằm ở phía Đông-Bắc Bắc Kinh, rộng đến 12 hec-ta. Với sự hợp tác của các nhà trồng rau địa phương, nơi đây chỉ chuyên cung cấp các loại rau củ « an toàn » cho các cơ quan ngành hải quan. Courrier International cho biết, khu nhà kính như thế chỉ là một trong vô số nhà cung cấp thực phẩm khác được dán mác « độc quyền » tại Trung Quốc. Và hầu hết các khu trồng rau «độc quyền» đều do chính quyền địa phương quản lý. Toàn bộ số sản phẩm thu được đều nhằm phục vụ cho các căng tin của công sở Nhà nước.
Theo tác giả bài viết, các loại thực phẩm được trồng trong các khu này xứng đáng với chất lượng « an toàn sinh học ». Để tránh bị nhiễm hóa chất, các loại phân bón được dùng cho trồng trọt hầu như có nguồn gốc tự nhiên : nghĩa là phân chuồng được dùng từ phân gia súc. Nếu như cần phải có những xử lý khác, thì nó cũng phải đạt tiêu chuẩn « an toàn sinh học ». Ngoài ra, các nhà trồng rau cũng phải hết sức chú ý đến ngày thu hoạch, rau củ hay trái cây phải được thu hoạch khi đã đạt độ chín. Nói tóm lại, các trang trại này phải đảm bảo hoàn toàn tính không độc hại các sản phẩm làm ra. Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng sản xuất, các cơ quan giám sát đến từ những vùng khác (để bảo đảm tính trung lập) đến kiểm tra định kỳ các khu vực độc quyền này.
Tác giả cho biết, để có được mác « độc quyền », một phái đoàn chuyên gia xuống địa bàn để thanh tra chất lượng nước, không khí và cách nuôi trồng… Nếu như bản cáo cho là thỏa mãn các yêu cầu, việc sản xuất nuôi trồng sẽ được áp dụng « độc quyền » nhằm phục vụ cho các cơ quan Chính phủ.
Theo tác giả bài viết, thật ra hình thức « các nhà cung cấp độc quyền » đã tồn tại từ rất lâu. Chính «Bản báo cáo về các ưu đãi việc cung cấp thực phẩm cho các cán bộ cao cấp và trí thức tại Bắc Kinh », do ông Tề Yến Minh (Qi Yanming), tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc ký ngày 30/6/1960, đã sản sinh ra cái gọi là « các nhà cung cấp độc quyền », một lãnh vực mà nhiều người thèm muốn.
Cuối cùng tác giả cho biết, để tăng cường đảm bảo an toàn, tất cả các thông tin về các loại rau củ đều được lưu trữ lại chính xác như là việc lưu trữ thông tin dân số, ghi rõ từng giai đoạn gieo mầm, tăng trưởng và các xử lý khác nhau, cũng như là nhân thân của tất cả những người làm việc trong trang trại.
Nhật Bản, « nạn nhân của bom nguyên tử » đã trở thành một cường quốc hạt nhân
Nhìn sang Nhật Bản, sau thảm họa hạt nhân Fukushima, có rất nhiều người thắc mắc làm thế nào mà một đất nước, nạn nhân của hai đợt thả bom nguyên tử có thể trở thành một cường quốc hạt nhân. Courrier International tuần này trích dịch một bài đăng trên nhật báo Asahi Shimbun với tựa đề « Làm thế nào một đất nước bị nhiễm xạ lại ủng hộ cho hạt nhân ».
« Quí vị có biết rằng nhiều nhà nghiên cứu cùng thế hệ với tôi, chuyên gia trong lãnh vực hạt nhân, chính những người còn sống sót sau hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã ủng hộ cho việc phát triển loại năng lượng mới này trong mục đích ‘sử dụng hòa bình’ ! Việc sử dụng nó nhằm cho phép con người được sống chứ không phải để chết đã in sâu trong tim của họ ». Đây chính là câu trả lời của một cựu lãnh đạo Viện công nghệ hạt nhân Nhật Bản, nhân một buổi tranh luận về năng lượng hạt nhân do một truyền hình Ý phát sóng.
Theo Courrier International, ý kiến này được đông đảo người Nhật sống sót sau hai đợt thả bom nguyên tử chia sẻ. Theo họ, « người Nhật là những nạn nhân duy nhất trên thế giới của vũ khí hạt nhân », nên đương nhiên hơn bất kỳ ai hết « có quyền theo đuổi nghiên cứu hạt nhân cho mục đích hòa bình » […], « không những nó giúp trị bệnh ung thư, nhưng nó có thể đem lại cho chúng ta nhiều tiện ích ».
Một cách giải thích khác cũng được tờ báo Nhật này đưa ra là vì người Nhật muốn « trả thù » nhất là đối với Mỹ. Một nhà bình luận đã viết « Nhật Bản đã thua cuộc chiến là do sự chậm trễ trong tiến bộ khoa học, chúng tôi hiểu rằng cần phải phục thù bằng cách thống trị lãnh vực này ».
Không những thế, người Nhật đã có một niềm tin vững chắc vào « huyền thoại an toàn hạt nhân ». Dĩ nhiên là niềm tin này cũng liên quan đến sự kiện Hiroshima và Nagasaki. Một kỹ sư làm việc tại Tepco đã đứng ra đảm bảo rằng chính bản thân ông ta cũng bị mất người thân trong đợt nổ bom tại Hiroshima. Ông cũng giải thích rằng « đối với người dân cũng như đối với toàn thể nhân viên Tepco, "huyền thoại an toàn hạt nhân" cũng quan trọng như việc đất nước bị đánh bom ». Nhờ câu chuyện và lời đảm bảo như « đinh đóng cột » này mà Tepco đã đạt sự đồng ý của người dân để tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Lý do cuối cùng để người Nhật ủng hộ năng lượng hạt nhân chính là « sự tôn sùng tính hiện đại ». Khái niệm này được thể hiện rõ nét qua sự phồn vinh và dân chủ hóa của Nhật Bản sau Thế chiến. Vì vậy, « chính những ý tưởng hiện đại đã áp đặt và đã khiến chúng ta ngộ nhận rằng bom nguyên tử và các lò phản ứng hạt nhân cũng như là xăng là một phần của thế giới hiện đại ».
Thế nhưng, từ sau thảm họa Fukushima, có lẽ xu hướng ủng hộ hạt nhân đang có những bước chuyển đổi triệt để. Ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối và yêu cầu rút ra khỏi hạt nhân.
Tác giả kết luận, « nếu như Hiroshima và Nagasaki không bị thả bom nguyên tử, thì một điều chắc chắn là hạt nhân dân sự có lẽ sẽ không bao giờ được phát triển ở Nhật Bản ».
Vì hạnh phúc trẻ thơ?
Nhìn sang Đông Nam Á, Courrier International quan tâm đến một loại hình dịch vụ « spa cho trẻ sơ sinh » tại Indonesia. Với bài dịch đề tựa « Vì hạnh phúc của con trẻ », tác giả cho biết đưa trẻ đi spa, không những là để mang lại hạnh phúc cho con, mà còn khẳng định cho thấy vị trí của mình trong xã hội.
Tại Trung tâm « Spa Baby », nằm tại trung tâm thương mại Darmawangsa Square, thuộc phía Nam thủ đô Jakarta, được khai trương vào năm 2009, bé Rakka, 5 tháng tuổi đang theo một chương trình chăm sóc cơ thể hàng tháng. Ban đầu bé được cho lội bì bõm trong bể nước nóng trong vòng 15 phút. Sau đó, cô kỹ thuật viên sẽ làm mát-xa nhẹ nhàng cho bé từ chân cho đến mặt, cho đến khi nào bé chìm sâu vào trong giấc ngủ.
Tác giả cho biết, đây là một loại dịch vụ mới tại Jakarta và đã thu hút rất nhiều khách hàng. Tuy nhiên chi phí cho một chương trình không phải là nhỏ : 6 kỳ chăm sóc giá 1,5 triệu rupi (tương đương với 130 euros), một khoản gia tài nhỏ. Thế nhưng, đối với nhiều bà mẹ thì tất cả vì hạnh phúc cho con.
Bài báo cho biết, ngày nay tại Indonesia, quan niệm nuôi con đã thay đổi hoàn toàn. Tất cả những nhu cầu cần thiết cho trẻ đều phải thật hoàn hảo. Từ việc thay chiếc tả giặt được bằng những chiếc tả chỉ sử dụng một lần ; cho đến việc ru con ngủ cũng thay đổi : những chiếc đĩa nhạc CD thay cho lời mẹ ru con. Thậm chí, đến việc đặt tên cho con cũng có hẳn một « gian hàng tên » thay vì phải tư vấn ông bà để tìm tên. Và gần đây nhất, xuất hiện loại hình dịch vụ « baby captures », nghĩa là lấy dấu tay hay chân, mà sản phẩm tạo ra sẽ mang tên hay tính cách của trẻ đó. Thế nhưng, tất cả những gì mang tính độc quyền đều không rẻ, giá cả dao động trong khoảng từ 1 đến 3 triệu rupi (từ 80 đến 240 euros).
Cuối cùng, bài viết nhận định rằng lẽ đương nhiên là cha mẹ muốn mang lại niềm vui cho con, nhưng trên thực tế «có nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn tìm cách khẳng định vị trí xã hội hay nhân thân của mình » mới chính là điều đáng ngại.
Minh Anh RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét