Miến Điện: Từ Dân chủ đến Phát triển
AFP photo. Lãnh đạo Đảng đối lập Miến Aung San Suu Kyi (giữa) rời trụ sở chính NLD giữa những người ủng hộ bà tại Yangon vào ngày 02 Tháng Tư năm 2012.
Ngày mùng một tháng tư vừa qua, Miến Điện đã có cuộc bầu cử một phần của Quốc hội với chiến thắng được coi là long trời lở đất của đảng dân chủ đối lập và lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi.
Ngay hôm sau, chính quyền xứ này lập tức phá giá đồng bạc. Đồng kyat của Miến được ấn định theo sát giá thị trường chợ đen, vốn cao gấp 12 lần giá chính thức vào hôm trước. Quyết định ấy khiến người ta lưu ý đến mối quan hệ giữa tiến trình dân chủ hóa và hy vọng cải cách kinh tế để phát triển quốc gia. Đấy là đề mục mà Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần trao đổi sau đây với nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Phá giá đồng kyat
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ngay sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật tại Miến Điện, chính quyền xứ này đã phá giá đồng kyat của họ ở mức độ chưa từng thấy là 818 đồng mới ăn một đô la thay vì giá chính thức chỉ vỏn vẹn là sáu đồng tư. Sự việc lạ lùng ấy lập tức được các thị trường tài chính Á châu và quốc tế theo dõi. Ông nghĩ sao về biện pháp ngoại hối này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Với bản thân tôi thì đấy là minh chứng khá rõ ràng về thiện chí cải cách chính trị của nhà cầm quyền Miến Điện hiện nay, dù rằng điều ấy không có nghĩa là Miến Điện sẽ sớm có dân chủ và tìm lại vị trí kinh tế khá thịnh vượng mà họ đã mất từ 60 năm trước.
Vũ Hoàng: Qua một biện pháp tiền tệ ngoại hối khi điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, ông nêu một kết luận về chính trị. Ông có thể giải thích cho quý thính giả sự hợp lý của kết luận này chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta không lạc quan nhìn vào một góc kinh tế để suy ra nhiều khía cạnh phức tạp hơn của một quốc gia đang bước ra ánh sáng sau ba thế hệ chìm đắm trong nạn độc tài, ngu dân và hậu quả tất yếu của tệ nạn này là tham nhũng. Những gì đang xảy ra cho Việt Nam sau mấy chục năm cải cách kinh tế dưới một chế độ độc tài, với tham nhũng đang là bệnh ung thư khó trị, khiến ta nên thận trọng. Bây giờ, tôi xin giải thích vì sao mình kết luận như vậy.
Khi giải tỏa hối đoái theo hướng phá giá cực mạnh như vậy, chính quyền Miến Điện mặc nhiên chấp nhận là hệ thống kinh tế quốc doanh sẽ bị lỗ nặng và có thể mất nợ hoặc phá sản.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Miến Điện hiện còn nền kinh tế tập quyền không mấy khác Việt Nam, với vai trò quá lớn và năng suất quá thấp của hệ thống kinh tế quốc doanh, là những trung tâm tham nhũng được định chế hóa và được đảng cầm quyền bảo vệ. Trong nền kinh tế đó, doanh nghiệp nhà nước của Miến Điện được quyền trao đổi đồng bạc theo giá chính thức, tức là rất rẻ, trong khi đa số tư doanh và dân chúng thì chỉ có thể mua bán trên thị trường chợ đen, bình quân thì đắt gấp 12 lần.
Khi giải tỏa hối đoái theo hướng phá giá cực mạnh như vậy, chính quyền Miến Điện mặc nhiên chấp nhận là hệ thống kinh tế quốc doanh gồm các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ bị lỗ nặng và có thể mất nợ hoặc phá sản. Quyết định ấy hàm ý là họ đang chấm dứt quy chế bảo vệ quyền lợi của thiểu số có quyền, trong đó có các cơ sở làm ăn của quân đội và các tướng lãnh, xưa nay là cột trụ của chế độ.
Khi phá giá đồng bạc và cho phép trao đổi với thực giá của thị trường, chính quyền cũng hiểu rằng các trung tâm quyền lợi là hệ thống doanh nghiệp nhà nước sẽ mất mát rất nhiều nếu được tư nhân hóa, tức là bán tài sản quốc doanh cho tư nhân ở ngoài sẽ mua về với giá rất rẻ. Dĩ nhiên là các nhóm quyền lợi này sẽ tìm cách chống đỡ hoặc gian lận để bảo vệ tài sản ăn cướp của họ, nhưng về căn bản thì luật chơi đã thay đổi. Vì thế, tôi mới coi là xứ này đang muốn cải tổ thật.
Cải tổ chính trị
Vũ Hoàng:
Tổng thống Myanmar Thein Sein (giữa) và Thủ tướng Lào Thongsin Thamavong (Thứ 2 bên trái) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 20 tại Phnom Penh vào ngày 2/4/2012. AFP
Xuyên qua một thí dụ về kinh tế, ông nói đến một nỗ lực cải tổ sâu rộng hơn về chính trị. Nếu vậy, ta sẽ tìm hiểu ngọn nguồn của quyết định cải tổ này. Vì sao chế độ độc tài Miến Điện lại chấp nhận cải tổ sau rất nhiều lần phủ nhận kết quả bầu cử, kể từ năm 1990 đến nay, và còn bắt giữ đối lập hoặc thậm chí đàn áp các sư sãi biểu tình vào năm 2007?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đa số dân Miến Điện, kể cả thành phần trong quân đội chứ không riêng gì những người đấu tranh cho dân chủ, đều ý thức được là xứ sở tụt hậu, quốc gia bị Liên hiệp quốc phê phán, các nước tẩy chay hoặc thậm chí trừng phạt về kinh tế vì tội đàn áp nhân quyền. Trong hoàn cảnh xứ sở bị cô lập như vậy trên diễn đàn quốc tế, Miến Điện ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, và trong một chừng mực nào đó vào nguồn đầu tư từ Thái Lan.
Chính là áp lực đó của thế giới bên ngoài và ý thức về sự lạc hậu ở bên trong khiến cho mọi người đều muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào để không dẫn tới động loạn và thậm chí nội chiến. Lý do là bên trong có nhiều sắc tộc thiểu số, sống tập trung trên các vùng núi rừng hiểm trở tiếp cận với Trung Quốc và thực tế là sống nhờ làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc.
Vì thế mà chính quyền độc tài chấp nhận giải tỏa sự cấm đoán một cách tiệm tiến và đảng dân chủ đối lập cũng chấp nhận một giải pháp tạm chứ không đòi hỏi tối đa. Đó là tham gia tranh cử vào một Quốc hội hiện vẫn do chế độ và quân đội kiểm soát đến 90% số ghế. Nói cách khác, tiến trình dân chủ hóa tại xứ này đã khởi đầu, khá mong manh chập chững và có nhiều chướng ngại vì sự cấu kết về quyền lực chính trị với quyền lợi kinh tế. Mục tiêu sau cùng là nhờ tiến tới chế độ đa nguyên, có thể chỉ tạm thành hình sau cuộc bầu tử toàn phần của Quốc hội vào năm 2015, Miến Điện có hy vọng phát triển trong 10 năm tới. Trong khi ấy, thế giới vẫn theo dõi....
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì hình như chúng ta đang chứng kiến một cuộc thử nghiệm dân chủ tại Miến Điện dưới sự quan sát của quốc tế. Mà quốc tế không chỉ có Liên Hiệp Quốc hay các nước Tây phương đang chậm rãi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế theo tiến độ dân chủ hóa ở tại chỗ. Quốc tế cũng còn có Trung Quốc hay các nước lân bang, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đang theo dõi triển vọng ổn định và kinh doanh trong một quốc gia có nhiều tài nguyên. Nếu đúng như vậy, chúng tôi xin đề nghị là ta cùng lùi lại để nhìn trên toàn cảnh của xứ này để hiểu ra từng bước chuyển hóa của Miến Điện.
Chính quyền độc tài chấp nhận giải tỏa sự cấm đoán một cách tiệm tiến và đảng dân chủ đối lập cũng chấp nhận một giải pháp tạm chứ không đòi hỏi tối đa.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là tại Đông Nam Á, có hai quốc gia mà số phận hay tương lai có thể đảo lộn trật tự của toàn khu vực, đó là Việt Nam và Miến Điện. Lý do là ngoài tài nguyên nhân vật lực còn có vị trí địa dư tiếp cận với vùng sinh hoạt hoặc tranh chấp của các xứ khác.
Khi đành chuyển hóa qua chế độ dân chủ mà không bị rủi ro mất hết, chính quyền dân sự và quân đội Miến Điện ở đằng sau quan tâm nhất đến phản ứng của quốc tế, là dư luận và các chính quyền dân chủ và cả sự thẩm định về rủi ro của các doanh nghiệp có thể đầu tư vào xứ này.
Họ chỉ giải toả chính trị theo mức độ giải toả cấm vận của quốc tế và ngược lại quốc tế sẽ chỉ tháo gỡ rào cản khi thấy chế độ thực lòng cải cách. Tiêu chuẩn thẩm định ở đây là khả năng hợp tác trong thế đối lập của đảng dân chủ và bà Aung San Suu Kyi. Vị phu nhân đáng kính này sẽ vào Hạ viện, có khi tham gia nội các, và thúc đẩy cải cách hơn nữa với hậu thuẫn của người dân và của cả quốc tế ở bên ngoài. Thuần về chính trị, ta sẽ chứng kiến một cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt phản ảnh dân trí và dân khí của người Miến Điện.
Vũ Hoàng: Thưa còn về mặt kinh tế, theo như ông thấy thì những gì có thể sẽ xảy ra vì như ông thường nói kinh tế cũng chỉ là một mặt của chính trị và nếu không có dân chủ thì chẳng thể có phát triển kinh tế.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng là nếu không có dân chủ về chính trị thì chẳng thể có phát triển kinh tế. Việt Nam là chứng cớ hiển nhiên khi đã được thiện cảm và sự yểm trợ của thế giới để tăng trưởng mạnh sau đổi mới mà rốt cuộc lại gây thất vọng như hiện nay và còn di hại cho hậu thế vì nạn tham nhũng và sự băng hoại tinh thần dưới cái vẻ ổn định của một chế độ độc tài.
Ngoài sự hoài nghi chính đáng của thế giới về triển vọng kinh tế của Việt Nam, các nước còn e ngại lập trường mờ ảo bất nhất của lãnh đạo Hà Nội trước đà bành trướng của Trung Quốc. Trừ lãnh đạo Bắc Kinh, không ai muốn giúp Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế mà là chư hầu của Trung Quốc. Với Miến Điện cũng thế, người ta muốn xứ này trở thành độc lập và trung lập chứ không là mũi nhọn của Trung Quốc để nối kết Ấn Độ dương với Thái bình dương.
Trở lại câu hỏi của về kinh tế Miến Điện, chế độ hiện hành có lẽ sai lầm vì sống quá lâu trong cõi ảo của quyền lực tuyệt đối. Họ sai lầm khi tưởng sẽ nhượng bộ vừa đủ để tháo gỡ lệnh cấm vận của Liên hiệp Âu châu hay Hoa Kỳ. Và rằng khi lệnh này được bãi bỏ như Tây phương đã hứa hẹn và đang nghiên cứu việc áp dụng thì kinh tế Miến Điện sẽ dễ dàng tiếp nhận được đầu tư của quốc tế. Sự thật nó rắc rối hơn vậy vì nhiều lý do rất cụ thể.
Triển vọng kinh tế
Vũ Hoàng:
Mọi người chờ đợi để đổi tiền tại một trung tâm đổi tiền tại Yangon vào ngày 02 Tháng Tư năm 2012. AFP photo
Ông bắt đầu đi vào những biện pháp cụ thể để Miến Điện thật sự hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới. Thưa ông, những biện pháp ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có hai mặt của một vấn đề mà người ta thường chỉ nhìn thấy một mặt, như chuyện đã xảy ra tại Việt Nam. Quốc gia cần chế độ dân chủ để bảo đảm sự bình đẳng của mọi người dân và để tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất cho đa số. Nhưng ngoài hệ thống chính trị, người ta còn cần đển khả năng quản lý kinh tế ở cấp quốc gia. Việt Nam bị khủng hoảng do tầm quản lý vĩ mô quá tệ mà lại không cải tiến được vì thiếu dân chủ khi một thiểu số khai thác quyền lực độc tài để trục lợi và còn cản trở việc cải cách chế độ quản lý kinh tế. Nay Miến Điện đang bước vào tiến trình thử nghiệm với quyền bầu cử và quyền tự do báo chí là mặt nổi của hệ thống chính trị. Mặt bên kia là chuyện quản lý kinh tế.
Xứ này đã nghiên cứu và sẽ cải thiện đạo luật đầu tư nước ngoài, như Việt Nam 20 năm trước, cũng với các khoản miễn thuế cho dăm ba năm đầu hoặc về quyền mua bán đất đai, hồi hương doanh lợi, v.v... Kế tiếp là biện pháp giải tỏa hối đoái và phá giá đồng bạc mà ta nói đến hồi nãy. Sau này, họ cần cải tổ hệ thống ngân hàng như đang trắc nghiệm một số giải pháp là cho ngân hàng ngoại quốc vào kinh doanh, giao dịch về ngoại hối, v.v... Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Vũ Hoàng: Ông cho là Miến Điện đang chậm rãi giải tỏa chế độ chính trị và tuần tự thử nghiệm một số chính sách và biện pháp kinh tế mà vấn đề không chỉ có vậy. Thế thì còn những trở ngại nào khác để hoàn thiện mặt quản lý kinh tế?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi vừa nhắc đến luật đầu tư nước ngoài trong đó có quyền mua bán và sử dụng đất đai, hay quyền kinh doanh ngân hàng nằm ngoài quỹ đạo của ngân hàng quốc doanh. Ta còn nên để ý tới lĩnh vực viễn thông hiện ở trong tay nhà nước và là một sở trường của Trung Quốc trong một xứ còn quá lạc hậu như Miến Điện. Lĩnh vực này cũng sẽ được cổ phần hoá cho tư doanh tham gia như chế độ đã thông báo.
Nhưng khi áp dụng những luật lệ chính thức ấy, làm sao đảm bảo là các thế lực kinh tế và chính trị không trục lợi bất chính như ta đã thấy tại Nga thời hậu Xô viết 20 năm trước hoặc tại Việt Nam hiện nay? Nếu doanh nghiệp Trung Quốc lại cấu kết với tay chân của chế độ tại Miến Điện nhờ quan hệ gắn bó lâu đời thì việc giải toả hình thức này vẫn không cải tiến nổi khả năng quản lý vĩ mô và Miến Điện chưa có môi trường đầu tư lành mạnh, chưa là thị trường hấp dẫn. Và người dân vẫn chưa có tương lai sáng sủa hơn mà chỉ đi làm công cho thiên hạ trong khi tài nguyên quốc gia bị khai thác, an ninh quốc gia bị đe doạ.
Nếu các đại biểu dân chủ có thực quyền, họ sẽ xem xét lại những dự án loại bauxite của Việt Nam hoặc thủy điện của Miến Điện đang do Trung Quốc thiết kế và tiến hành.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, tức là ngoài bước tiến về chính trị là phải có cơ chế dân chủ hơn trong thời gian tới, Miến Điện cũng cần khả năng quản lý kinh tế hữu hiệu và liêm chính hơn?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy vì ngoài phần nổi là văn bản luật lệ kinh tế kinh doanh, Miến Điện còn thiếu một điều kiện khác là khả năng áp dụng luật lệ. Nôm na là khả năng phối hợp và điều tiết của bộ máy công quyền. Mà khả năng quản lý này thật sự khởi đầu từ Quốc hội, từ các dân biểu, tức là từ hệ thống chính trị, để đảm bảo là quốc gia có một nền tư pháp độc lập, có người được quyền diễn giải luật lệ cho đúng mục tiêu và nhất là có khả năng bảo vệ người dân trước các thế lực của chế độ cũ đang dần dần chuyển hóa. Như đã thấy tại Việt Nam, xứ này cũng có quốc hội và đại biểu, cũng có luật doanh nghiệp hay đất đai mà cả hệ thống hình thức ấy lại vô quyền, thậm chí chỉ là bình phong bao che cho lạm dụng và tham nhũng.
Cho nên câu kết luận ở đây là nền dân chủ mới bảo đảm phát triển và bảo vệ được nền độc lập của quốc gia. Nếu các đại biểu dân chủ có thực quyền, họ sẽ xem xét lại những dự án loại bauxite của Việt Nam hoặc thủy điện của Miến Điện đang do Trung Quốc thiết kế và tiến hành. Lợi ở đâu và hại như thế nào về môi sinh hay an ninh? Họ sẽ bảo vệ được sân chơi bình đẳng trên doanh trường chứ không bảo vệ quyền lợi của doanh gia ngoại quốc và tiếng nói của họ sẽ giúp người dân tìm ra giải pháp tốt đẹp hơn cho đa số.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét