Trung Quốc hỗ trợ các nước bất hảo
Iraq và Trung Quốc ký 1 thỏa thuận năm 1997 cho phép Trung Quốc khai thác mỏ dầu al-Ahdab cách Baghdad 180 km. Hình: AP
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm kiếm tài nguyên và năng lượng để phục vụ cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng của họ đã đưa Bắc Kinh tới những nơi mà nhiều nước phương Tây không muốn hoặc không thể tới. Theo tường thuật của thông tín viên William Ide của đài VOA, quan hệ giữa giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc với các nước như Iran, Zimbabué, Sudan và Miến Điện đã giúp cho Bắc Kinh chẳng những có được quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết mà còn giành thêm ảnh hưởng chiến lược.
Có một việc thường xảy ra là nơi nào trên thế giới có vấn đề là Trung Quốc có mặt ở nơi đó để hỗ trợ cho các chính phủ bị tố cáo vi phạm nhân quyền và những vi phạm khác nhằm đổi lấy tài nguyên và năng lượng.
Hơn 1 phần 3 số dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ các nước Phi châu, và hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nếu không có được số nhập khẩu đó Trung Quốc sẽ khó lòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Hoàng An (Peter Pham), Giám đốc Trung tâm Phi châu của Hội đồng Đại tây dương (Atlantic Council), Trung Quốc không phải chỉ muốn lấy được năng lượng từ các nước Phi châu. Chuyên gia người Mỹ gốc Việt này giải thích như sau:
"Trung Quốc cũng muốn nâng cao vị thế của họ trên thế giới. Phi châu, hiện nay có 53 nước và trong nay mai sẽ là 54 nước. Những ảnh hưởng về mặt ngoại giao của châu lục này tại các diễn đàn quốc tế, cũng như việc hình thành một thế giới đa cực hơn, giúp cho các quyền lợi quốc gia của Trung Quốc được thăng tiến rất nhiều."
Tại Phi châu, Trung Quốc có những mối quan hệ mật thiết với Sudan và Zimbabué, là hai nước bị cộng đồng quốc tế chế tài và bị các nhà tranh đấu nhân quyền chỉ trích rất kịch liệt trong nhiều năm nay.
Tổng thống Robert Mugabe, người nắm quyền cai trị Zimbabué trong 30 năm qua, là một đồng minh lâu đời của Bắc Kinh.
Để đổi lấy sự hỗ trợ của Bắc Kinh, Zimbabué dành cho Trung Quốc quyền khai thác các nguồn tài nguyên phong phú với hơn 40 loại khoáng sản khác nhau. Ngoài ra, Zimbabué còn cho Trung Quốc thuê đất để trồng trọt những loại hoa màu với mục đích phục vụ cho nhu cầu của người dân Trung Quốc.
Tiến sĩ Peter Navarro, giáo sư kinh tế học của Đại học California ở Irvine, nhận định như sau về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Harare:
"Zimbabué có tất cả mọi thứ -- từ kim cương, thuốc lá cho tới đất canh tác. Trung Quốc đã tới đó và nhiều nông dân Trung Quốc đang canh tác trên đất đai của Zimbabué để trồng các loại hoa màu để chở về Trung Quốc trong khi người dân Zimbabué phải chịu nạn đói kém."
Trung Quốc là nước nhập khẩu thuốc lá nhiều nhất của Zimbabué, và theo lời Tiến sĩ Phạm Hoàng An, Công ty Điện Nước Quốc tế Trung Quốc đã thuê hơn 100 ngàn héc ta đất ở miền nam Zimbabué để trồng trọt. Ông An cho biết thêm như sau:
"Trung Quốc đang mất dần đất đai nông nghiệp vì nạn ô nhiễm và xu thế đô thị hóa, trong khi ở đây có những vùng đất rộng lớn, trong đó có những nông trại mà chế độ Mugabe tịch thu rồi mang cho những người thân của chế độ thuê lại."
Để đổi lại, Trung Quốc hậu thuẫn cho ông Mugabe và đảng của ông tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Nhưng với những người bạn như vậy, Bắc Kinh thường xuyên bị chỉ trích và điều này đã buộc Trung Quốc tìm cách thích ứng. Trong hai trường hợp Sudan và Iran, Bắc Kinh đã tìm được một cách thức để làm việc với cả hai phía của vụ tranh chấp và hưởng lợi.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán đồng 4 chương trình chế tài Iran, nhưng họ cũng ngăn chận những nỗ lực nhằm tăng cường các biện pháp chế tài hoặc nới rộng những hạn chế về thương mại.
Tại Sudan, Trung Quốc đã phủ nhận các cáo giác cho rằng họ là tòng phạm của nạn diệt chủng ở Dafur và tìm cách không để bị lôi kéo vào vụ xung đột giữa hai miền nam, bắc Sudan.
Khi phong trào chỉ trích về sự hậu thuẫn của Trung Quốc -- như cố vấn, cung cấp vũ khí và che chở chính trị, cho Sudan lên tới cao điểm trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh năm 2008, một đại hội thể thao bị các nhà tranh đấu gọi là “đại hội diệt chủng”, chính phủ Trung Quốc đã bổ nhiệm đại diện đặc biệt đầu tiên của họ về Phi châu. Và sau đó họ đã phái binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp Liên hiệp quốc - Liên hiệp Phi châu ở Dafur.
Tiến Sĩ Phạm Hoàng An cho biết Trung Quốc đã thay đổi dần cách hành xử của họ ở Phi châu vì quyền lợi của chính họ:
"Trong vài năm gần đây Trung Quốc cũng liên hệ với miền nam Sudan, đảo ngược một chính sách là chỉ tiếp xúc với các chính quyền cấp quốc gia. Dĩ nhiên, một phần của sự thay đổi này là để phục vụ cho quyền lợi của chính Trung Quốc. Phần lớn trữ lượng dầu lửa của Sudan là nằm ở miền nam. Vì vậy một phần của việc này là một sự tiến hóa trong cách tương tác của Trung Quốc với các nưóc Phi châu và người dân Phi châu."
Tại Á châu, Trung Quốc đã lấp đầy một khoảng trống ở Miến Điện và Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ và các nước khác không thể làm được.
Trung Quốc đang xây dựng nhiều đập thủy điện ở miền bắc Miến Điện để cung cấp điện cho các thành phố ở Hoa Nam đang phát triển nhanh chóng. Họ cũng xây các ống dẫn để đưa dầu lửa và khí đốt tới Trung Quốc từ những khu vực ngoài khơi duyên hải Miến Điện và những nơi khác.
Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho biết như sau về việc này:
"Trung Quốc chú tâm rất nhiều vào việc tranh thủ các nguồn năng lượng dài hạn và Miến Điện cung cấp cho họ cơ hội để đạt mục tiêu. Miến Điện có những trữ lượng khí đốt khổng lồ. Họ cũng có một ít dầu lửa ở ngoài khơi, nhưng hiện nay người ta chưa thực sự biết được trữ lượng này nằm ở mức nào."
Về phần Bắc Triều Tiên, ông Marcus Noland, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng quan điểm chính yếu của chính phủ Trung Quốc là Bắc Triều Tiên là một con cờ hữu dụng, tuy trong học giới và chính giới Trung Quốc có những cái nhìn khác nhau về nước đồng minh Cộng Sản này.
Ông nói: "Bắc Triều Tiên hợp tác với Pakistan, Iran và một số nước khác trong lãnh vực phát triển phi đạn và vũ khí hạt nhân. Điều này mang lại cho Trung Quốc một cơ hội để gây khó khăn cho các đối thủ của mình. Đó là Hoa Kỳ và Ấn Độ, những đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Nhưng điều này cũng đồng thời giúp cho Bắc Kinh có thể chối cãi một cách mạnh dạn là họ không làm như vậy."
Tuy nhiên, ông Bower của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói rằng việc để cho Miến Điện và Bắc Triều Tiên tiếp tục là những nước bất hảo và bị cô lập gây phương hại tới vị thế của Trung Quốc trong khu vực. Ông cho rằng nếu không nhận ra những thiệt hại mà điều này gây ra cho uy tín của mình, Trung Quốc khó lòng có được quyền lực mềm ở Á châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét