Tổng Thư Ký LHQ Tái Đắc Cử
Ông Ban Ki-moon vừa chính thức tái cử nhiệm kỳ 2 trên cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong công việc mà ông đảm nhiệm từ 5 năm qua, lời khen cũng lắm, lời chê cũng nhiều. Dư luận cho rằng việc tái đắc cử sẽ giúp ông mạnh dạn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề khó khăn trên thế giới.
Thực tế là ông Ban Ki- moon tái nhiệm nhờ sự ủng hộ nồng nhiệt của các cường quốc phương Tây trong Hội đồng Bảo an. Việc ông Ban Ki-moon được bầu lại là hầu như chắc chắn, vì không có ứng viên nào ra tranh chức, hơn nữa, cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đều ủng hộ.
Trong số rất nhiều lời chúc mừng ông Ban tái cử xin nhấn mạnh các lời tán thưởng của Chủ tịch Đại Hội đồng
Joseph Deiss - người Thụy Sĩ (đồng minh của Mỹ), của đại diện Pháp và Mỹ.
Ông Deiss nói: "Trong môi trường quốc tế phức tạp và khó khăn, ngài đã củng cố vai trò và tính minh bạch của LHQ bằng việc thông qua các biện pháp cải cách; đưa ra những sáng kiến thú vị và sáng tạo; kêu gọi một cách trung thực và bền bỉ việc tôn trọng các quyền con người, pháp quyền và các giá trị khác nằm trong khuôn khổ Hiến chương của LHQ". Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì “ghi công” ông vì "thái độ dấn thân trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên nhằm phục vụ LHQ và cho hòa bình, an ninh thế giới".
Đại diện Mỹ tại LHQ, bà Susan Ricetán dương ông Ban Ki-moon: "Không ai hiểu rõ những gánh nặng của vai trò này hơn ông và chính phủ (Mỹ) rất vui mừng vì ông đã nhận trách nhiệm đó. Tổng thư ký Ban đã là một nhà vô địch vì hòa bình và an ninh". Bà Rice cũng cho rằng vị trí của ông Ban là "một trong những công việc khó khăn nhất thế giới".
Tuy nhiên, đa số các nhà ngoại giao cho rằng, những lời ca ngợi trên không đúng với thực tế. Ông thường bị phê bình về phong cách e dè, thậm chí lu mờ, và thiếu khả năng thu hút đám đông so với người tiền nhiệm, Kofi Annan. Một quan chức tại LHQ tóm lược các hành động can thiệp của ông Ban bằng những từ mỉa mai "quá ít và quá trễ". Ông này cũng đề cập đến cái gọi là "ngoại giao hậu đài" thời Ban Ki-moon.
Góc nhìn này, theo tờ Le Monde của Pháp ra ngày 21/6, được thể hiện qua việc vị Tổng thư ký LHQ thiết lập quan hệ với một vài nhà lãnh đạo bị thế giới phê phán, thay vì lên án họ. Chẳng hạn như việc ông Ban đến thăm Sri Lanka và Myanmar. Hành động này, theo báo chí, đã vô tình công nhận tính hợp pháp của những người đang nắm quyền ở các nước này. Một giáo sư chuyên về ngoại giao của Mỹ nhận định, điểm mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Ban Ki-moon được thể hiện trong lĩnh vực chống thay đổi khí hậu, thành lập văn phòng phụ nữ LHQ, đấu tranh giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Các nhóm nhân quyền phương Tây thì lại không hài lòng về kiểu "ngoại giao im lặng" của ông. Họ chỉ trích ông đã không chú ý đúng mức đến vấn đề Myanmar và việc Lưu Hiểu Ba, nhà ly khai được giải Nobel hòa bình của Trung Quốc, hiện đang bị giam giữ, trong cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tháng 11/2010. Người ta cho rằng ông quá thận trọng đối với 5 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc).
Phát biểu sau khi được bầu lại vào cương vị Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon nói rằng, LHQ hiện đang ở tuyến đầu trên nhiều mặt trận chống xung đột hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong quá khứ, đồng thời nhấn mạnh các nhà lãnh đạo thế giới cần phải phối hợp hành động hơn nữa để bảo vệ người dân cũng như góp phần xây dựng hòa bình tại Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Afghanistan, Iraq và Trung Đông... Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích, ông Ban nói: "Tôi hiểu rằng tôi không phải là một người hoàn hảo. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Tôi cũng là người có điểm yếu, nhưng điểm yếu có thể được bù đắp bằng trí tuệ, bằng sự ủng hộ của các bạn và của những cố vấn lâu năm của tôi".
Theo giới ngoại giao, ông Ban được tái nhiệm chẳng qua là vì đã ủng hộ phương Tây mà cụ thể là Mỹ, Pháp và Anh trong các cuộc can thiệp và giật dây ở Trung Đông và Bắc Phi vừa qua. Theo Le Monde, phong trào "Mùa xuân Arập" đã tạo ra một bước ngoặt cho ông Ban Ki-moon. Tờ báo viết: "Ông đã thoát khỏi sự e dè của mình để ủng hộ hăng hái những người nổi dậy. Thậm chí có khi ông còn lên tiếng trước cả các nước phương Tây và Hội đồng Bảo an LHQ. Nhất là đối với Ai Cập và Libya. Ông cũng giữ thái độ này với Yemen và Syria".
Không thể phủ nhận thành quả của LHQ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường nhưng cũng chẳng vì thế mà không thấy được nhiều lúc tổ chức này chỉ là công cụ phục vụ lợi ích cho một số quốc gia lớn. Và số phận của người đứng đầu nó cũng phải tuân theo quy luật của kẻ mạnh.
Thái độ cứng rắn của ông Ban với Libya và Syria, theo AFP, khiến Trung Quốc và Nga không hài lòng, nhưng ông cũng không có hành động gì trong 5 năm nhiệm kỳ trước để làm mất lòng các thành viên của Hội đồng Bảo an đến mức họ phải dùng đến quyền phủ quyết loại ông ra. Nếu bất cứ một trong 5 thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an phủ quyết việc tái bổ nhiệm ông Ban, ông sẽ không được giữ chức vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.
Các nhà ngoại giao và phân tích nhận định ông Ban đặc biệt nhạy cảm với những mong muốn của Mỹ và tỏ ra là một đồng minh vững chắc của Washington. Điều này khiến một số chính phủ cánh tả của Mỹ Latinh và đại sứ của một số nước đang phát triển không hài lòng. Bằng chứng rõ về việc một Tổng thư ký LHQ nếu muốn tái nhiệm thì phải "thân Mỹ" là trường hợp của ông
Boutros Boutros-Ghali, người Ai Cập. Kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 1996, ông Boutros Boutros-Ghali đã không thể tái nhiệm vì bị Mỹ phủ quyết do được cho là không thể hiện tốt vai trò trong cuộc chiến tại Bosnia.
Năm nay 67 tuổi, ông Ban Ki-moon sinh ra tại Chungju, tỉnh Chungcheong, phía tây nam của thủ đô Seoul,Nam Hàn . Ông tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế tại Trường đại học Quốc gia Seoul và tiếp tục học cao học về hành chính công tại Đại học Harvard. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc ở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Năm 2001, trong phiên họp thứ 56 của Đại hội đồng LHQ, khi Hàn Quốc giữ ghế Chủ tịch luân phiên, ông bất ngờ được lựa chọn vào ghế Chánh văn phòng của
Chủ tịch Han Seung-soo.
Năm 2003, ông được Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun chọn làm Cố vấn ngoại giao và một năm sau thì trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngày 13/6/2006, ông được bầu làm người kế nhiệm ông Kofi Annan, trở thành người Hàn Quốc đầu tiên làm Tổng thư ký LHQ và là người châu Á thứ hai nhận nhiệm vụ này.
Theo quy luật bất thành văn của LHQ, vị trí Tổng thư ký LHQ luân phiên cho các nước trên thế giới nhưng công dân của 1 trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an không được nắm giữ vị trí này.
Ông Ban Ki-moon đã đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký LHQ từ tháng 1/2007. Sự nổi bật của ông Ban Ki-moon là vào tháng 9/2009, chưa từng có tiền lệ, ông đã lên tiếng yêu cầu mạnh mẽ các nhà lãnh đạo thế giới loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Thường thì Tổng thư ký LHQ làm việc không quá hai nhiệm kỳ, nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của ông sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2012 và kết thúc năm 2016. Khi thoát khỏi gánh nặng tìm kiếm sự hỗ trợ để được bầu lại, dư luận cũng đoán rằng lần này ông Ban sẽ tự do hành động hơn và cũng có thể vượt qua cả quy luật của kẻ mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét