Wikileaks: Quan hệ Việt-Trung và biểu tình 2007
Hàng trăm người đã biểu tình ôn hòa ở Hà Nội và TP HCM cuối năm 2007 |
Những điện tín ngoại giao của Mỹ, bị tiết lộ qua Wikileaks, cho người ta biết thêm một số chi tiết mới quanh căng thẳng ngoại giao Việt - Trung năm 2007, góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình ở Hà Nội và TP. HCM cuối năm đó.
Vào tháng 12 năm 2007, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã xảy ra một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Nguyên nhân trực tiếp khi đó được nói là xuất phát từ việc Trung Quốc lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa vào tháng 11/2007.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với truyền thông rằng biểu tình khi đó là việc làm "tự phát" và "chưa được phép của các cơ quan chức năng".
Các điện tín của giới chức ngoại giao Mỹ trong năm 2007 không nói liệu chính phủ đứng đằng sau biểu tình hay không, tuy vậy, cũng đã tiết lộ những bức xúc của chính giới Việt Nam quanh những trục trặc liên quan hợp đồng dầu khí ở Biển Đông.
Hội đàm đổ vỡ
Bước vào đầu năm, tháng Giêng 2007, điện tín từ Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết vòng đàm phán lần thứ 13 về biên giới Việt - Trung, tổ chức từ 18 đến 20 tháng Giêng ở Quảng Tây, đã đổ vỡ.
Ban đầu hai nước dự kiến làm hai cuộc đàm phán riêng rẽ, một liên quan biên giới trên bộ và một về biển đảo.
Nhưng do hạn chế nguồn lực, hai cuộc hội đàm kết hợp làm một và trong khi đường biên giới trên bộ tỏ ra dễ dàng hơn, thì hai nước đã tranh cãi về Hoàng Sa.
Kết quả, theo lời một viên chức ngoại giao Việt Nam, phái đoàn Trung Quốc đã "bỏ ra về" giữa chừng trong khi cuộc họp chưa xong.
Sang tháng Tư, Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh lại cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đến để khiển trách quanh hoạt động khảo sát của Việt Nam ở Biển Đông.
Mặc dù phản đối của Trung Quốc khi ấy được công khai trên báo chí, nhưng qua điện tín, người ta biết Trung Quốc phản đối ba điểm, và riêng điểm thứ ba chỉ được nói riêng chứ không lên báo.
Điểm thứ ba ấy là Trung Quốc phản đối một dự án, có sự can dự của Nga, mà Việt Nam nói nhằm đo thềm lục địa để xác định chính xác hơn về chủ quyền theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc.
Đáng chú ý, việc triệu tập đại sứ Việt Nam xảy ra ngay vào lúc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng còn đang ở thăm Bắc Kinh.
Giám đốc Vụ châu Á của Trung Quốc gọi điện cho Đại sứ Việt Nam chỉ trước một giờ đồng hồ, dọa rằng nếu ông này không đến, chuyến thăm của ông Trọng sẽ bị ảnh hưởng.
Hợp đồng dầu khí
Một điện tín của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, vào tháng Sáu, cho biết về cuộc gặp với công ty năng lượng ConocoPhillips.
Lúc này, ConocoPhillips đang cùng công ty Anh BP hợp tác với PetroVietnam để khảo sát ở hai khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Theo đại diện của ConocoPhillips, BP khi đó, theo sau sức ép của chính phủ Trung Quốc, đã quyết định tạm dừng hợp đồng.
Nhưng theo ConocoPhillips, phía Việt Nam , PetroVietnam, vẫn muốn ép ConocoPhillips tiếp tục tham gia.
Một phó chủ tịch của ConocoPhillips đã gặp cả Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng để bàn về dự án bị trục trặc này.
Trong những tháng mùa hè năm 2007, rắc rối xảy ra cho nhiều dự án dính líu các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí ở Biển Đông.
PetroVietnam, trong tháng Tám, gửi thư cho nhà thầu khoan ngoài khơi Transocean yêu cầu dừng hoạt động mà họ ký với PetroChina. Phía Việt Nam nói Block Hua Guan 2/4 nằm trong Block 141 của Việt Nam .
Một điện tín tháng Chín của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội tiết lộ kể từ tháng Tư năm đó, đã có đến năm hợp đồng dầu khí bị tạm dừng hoặc hủy bỏ.
Khảo sát của Mỹ cho thấy khi đó, tranh chấp lãnh hải Việt - Trung đã dính đến bốn công ty Mỹ và tám công ty nước ngoài khác.
Trong khi một số nước như Malaysia, Indonesia và Philippines cũng có thỏa thuận khai thác với công ty nước ngoài ở vùng biển tranh chấp, khi đó Trung Quốc không gửi thư phản đối cho các công ty làm ăn ở các nước khác, mà chỉ phản đối với Việt Nam.
Việc một loạt hợp đồng khai thác bị đổ vỡ khiến Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Dũng có cuộc gặp riêng với Đại sứ Mỹ Michael Michalak ngày 10/09.
Ông Vũ Dũng cho biết Trung Quốc đã buộc ba công ty năng lượng Mỹ - Chevron, ExxonMobil và ConocoPhillips - ngừng thỏa thuận với PetroVietnam.
Ông nói Việt Nam ngày càng lo ngại rằng chiến thuật hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ dẫn tới "bất ổn" trong khu vực.
Thứ trưởng Việt Nam nói Hoa Kỳ có "vai trò quan trọng" trong vùng, và rằng "ổn định ở Biển Đông có ích cho tất cả".
Đại sứ Mỹ nhắc lại nước ông không có lập trường đối với tranh chấp chủ quyền. Ông kêu gọi hai nước Việt - Trung giải quyết bất đồng một cách hòa bình, và không làm hại cho giao thông của tàu bè trên Biển Đông.
10 ngày sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có cuộc gặp Đại sứ Michael Michalak, chủ yếu để nói công ty Mỹ Gannon sẽ không nhận được giấy phép xây nhà máy điện.
Tuy vậy, trong cuộc gặp, ông Hải cũng kêu gọi Đại sứ Mỹ thúc ConocoPhillips đẩy nhanh hoạt động ở Block 5-3 tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Sang tháng 11, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam ), trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các cuộc biểu tình năm 2007 sau đó bị chính quyền ngăn chặn
Ngày 3/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, nói: "Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước."
Ngày 5/12, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Đại sứ Mỹ, chuẩn bị cho chuyến đi Washington dự Phiên họp về Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.
Điện tín từ Hà Nội cho biết hai bên cũng bàn một số vấn đề có thể nảy sinh trong chuyến thăm, gồm nhân quyền, tranh chấp Biển Đông, và lo ngại Việt Nam có thể rút khỏi thỏa thuận cho phép công ty Mỹ Chevron xuất khẩu khí đốt.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói thảo luận Việt - Trung sẽ tiếp tục "như láng giềng tốt".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét