Hội thảo Paris

Hội thảo Paris - Ðông Á và Việt Nam giữa làn sóng dân chủ thứ tư
TL 270

“...Về đe dọa, giới đối lập Việt Nam thích những hành động gây tiếng vang hơn là xây dựng một tổ chức có tầm vóc lâu dài...”
Buổi hội thảo về "Đông Á và Việt Nam giữa làn sóng dân chủ thứ tư" đã được Tập Hợp Dân Chủ
Đa Nguyên, Phân bộ Paris, tổ chức tại Hội trường Centre des Deux Moulins, 185 rue du Château des Rentiers, 75013 Paris, ngày Chủ nhật 15 tháng 5 năm 2012, từ 14g30 đến 17g30. Đặc biệt lần này, trong số khách tham dự có nhiều người đến từ Bỉ, Hòa Lan và Đức.

Khai mạc buổi hội thảo, ông Lê Mạnh Tường, chủ tịch Phân bộ Paris, nói: Một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đang trào dâng. Sau các chế độ độc tài Ả Rập và Châu Phi, làn sóng dân chủ thứ tư đang đến Đông Á. Chế độ Putin tại Nga đang bị chống đối mạnh mẽ, chế độ cộng sản Trung Quốc bộc lộ sự bối rối, chế độ quân phiệt Miến Ðiện đột ngột chuyển hướng về dân chủ một cách quả quyết. Ðất nước đang đứng trước một vận hội trọng đại mà chúng ta không thể bỏ lỡ, làn sóng dân chủ mới này chắc chắn sẽ không dừng lại ở biên giới Việt Nam, nhưng cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam đang có những triển vọng nào và những đòi hỏi nào. Đó là câu hỏi mà ông Tường đặt cho cho cử tọa.

Để tìm câu trả lời, ông Lê Mạnh Tường giới thiệu thuyết trình đoàn gồm các ông Diệp Tường Bảo, Nguyễn Gia Dương, Trần Duy Nhân và Nguyễn Gia Kiểng.
Trong phần dẫn nhập, ông Diệp Tường Bảo nhắc lại những diễn biến của làn sóng dân chủ thứ tư đã và đang diễn ra tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông với sự sụp đổ của các chế độ độc tài.

Ông Nguyễn Gia Dương, bằng phương pháp dương bản (powerpoint), cho biết lịch sử của thế giới là cuộc hành trình cùa con người về tự do. Lịch sử cũng là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ vì dân chủ là phương thức tổ chức xã hội đặt nền tảng trên cá nhân và các quyền tự do cá nhân. Dân chủ là cách thể hiện tự do trong đời sống xã hội. Đây là cuộc hành trình rất khó khăn bởi vì cho tới cuối thế kỷ 18, trừ một vài ngoại lệ nhỏ, nhân loại đã chỉ biết đến các chế độ chuyên chính, thông thường là các chế độ quân chủ thần quyền.

Nhưng thế nào là dân chủ? Theo ông Dương, dân chủ là công thức tổ chức xã hội để thực hiện các quyền tự do đó, tuy nhiên tự do của A dừng lại để tự do của B bắt đầu. Đây là một định lý tuy rất dễ nói nhưng rất khó thực hành vì cho đến thế kỷ thứ 18, các dân tộc trên thế giới chỉ biết các chế độ độc tài. Nền tảng lý thuyết của các chế độ độc tài là độc quyền lãnh đạo, tức độc quyền quyết định về sự sống còn của người khác.

Làn sóng dân chủ thứ nhất, khởi đầu cuối thế kỷ 18 với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ (1776) và cuộc Cách Mạng Pháp (1789) đánh đổ các chế độ quân chủ thần quyền, bắt đầu bằng các chế độ đặt nền tảng trên Thiên Chúa Giáo.

Làn sóng dân chủ thứ hai bùng lên cùng với Thế Chiến II đánh gục chủ nghĩa dân tộc sô vanh (chauvinism) và các chế độ lấy nó làm cứu cánh: phát-xít Ý, quốc xã Đức và quân phiệt Nhật.

Làn sóng dân chủ thứ ba xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản và chấm dứt chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu bằng cách loại bỏ các chế độ độc tài sống nhờ chiêu bài chống cộng, sau đó đánh sập chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.

Làn sóng dân chủ thứ tư là đánh đổ các chế độ độc tài thực tiễn. Làn sóng dân chủ mới này đã bùng nổ tại các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông. Nó sẽ chỉ dừng lại khi tất cả các chế độ độc tài sống nhờ chủ nghĩa thực tiễn đã chuyển hóa về dân chủ hoặc sụp đổ.

Để hiểu làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang chứng kiến, ông Dương nhắc lại nền tảng bối cảnh hěnh thŕnh của chủ nghĩa thực tiễn. Năm 1989, thế giới đã quá vui mừng sau khi chủ nghĩa cộng sản sup đỗ và nghĩ rằng dân chủ đã thắng. Chính trong hơi thở phào nhẹ nhõm sau chiến tranh lạnh, chủ nghĩa thực tiễn (realism) đã nhanh chóng trở thành luật chơi trong bang giao quốc tế. Nó bắt đầu từ thời tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993-2001) với khẩu hiệu của Clinton là "chỉ biết có kinh tế" (Economy, stupid !).

Tại Trung Quốc, chủ nghĩa thực tiễn, ấn bản kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tích lũy đủ mâu thuẫn nội bộ để không thể tiếp tục. Vả lại chế độ cộng sản Trung Quốc đã chỉ sống sót nhờ chính sách đối ngoại thực tiễn Hoa Kỳ và Châu Âu. Đó là hậu quả của chính sách đối ngoại thực tiễn của các nước dân chủ trong hơn hai mươi năm qua. Người ta hy sinh các giá trị đạo đức và nhân quyền, bỏ mặc hàng tỷ người dưới những ách thống trị dã man nhân danh kinh tế. Nhưng cuối cùng chủ nghĩa thực tiễn đã chỉ đem đến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất, dài nhất và trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới. Ngày nay nó đã phơi bày sự độc hại và bị bác bỏ. Chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ thích nghi như thế nào? Bài toán dân chủ hóa Trung Quốc sẽ rất gay go vì gắn liền với sự thống nhất của Trung Quốc. Điều chắc chắn là Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác hơn là dân chủ hóa.

Ông Duơng cho biết làn sóng dân chủ thứ tư đã bắt đầu tại Đông Á trước khi bùng lên tại Bắc Phi. Tại Thái Lan, dân chủ đã được thiết lập từ 1997 sau cuộc khủng hoảng Châu Á. Năm 2006 quân đội đảo chính và cầm quyền nhưng đã gặp sự chống trả mạnh mẽ và liên tục của các lực lượng dân chủ. Năm 2008, họ đã phải trao lại phần lớn quyền lực cho một chính quyền dân sự, để rồi phải triệt thoái hoàn toàn khỏi chính trị sau cuộc bầu cử tháng 7- 2011.

Tại Mã Lai cũng như tại Singapore dân chủ hình thức đang nhường chỗ cho dân chủ thực sự. Đối lập Singapore đã giành được trên 33% số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội và trên 40% số phiếu trong cuộc bầu cử tháng 7-2011. Trong hai năm 2007 và 2008 Liên Minh Vì Bầu Cử Lương Thiện, Bershi, đã tổ chức được các cuộc biểu tình bất bạo động chống bầu cử gian trá với hàng chục ngàn người tham gia. Trong cuộc bầu cử quốc hội 2008, đảng cầm quyền Mặt Trận Quốc Gia mất đa số 2/3 số ghế và có rất nhiều triển vọng sẽ mất luôn đa số quá bán cňn lại trong cuộc tổng tuyển cử năm tới. Vào lúc này không ai còn có thế nói Singapore và Mã Lai là những chế độ không dân chủ.

Nhưng biến cố ngoạn mục nhất đã xảy ra tại Miến Điện. Một cách đột ngột chính quyền quân đội Miến đã chuyển biến 180°, tách hẳn khỏi ảnh hưởng Trung Quốc, phóng thích các tù nhân chính trị, bắt tay với Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi và tổ chức bầu lại một phần quốc hội trong đó Liên Minh Dân Chủ đại thắng, giành được 33 trong tổng số 34 đơn vị được bầu lại.

Tình hình tại Lào và Cao Miên cũng đang chín muồi cho những chuyển biến thuận lợi về dân chủ.

Còn Việt Nam? Ông Dương nói vòng vây dân chủ đang xiết lại.

Bằng cánh nào? Ông Dương trình bày những ưu và khuyết cũng như những cơ hội và đe dọa, theo phương pháp SWOT, về viễn ảnh làn sóng dân chủ thứ tư tại Việt Nam.

Về ưu điểm, Việt Nam có một dân số trẻ (60% dưới 40 tuổi) sẵn sàng tiếp thu liến thức đến từ bên ngoài, có trình độ giáo dục cao, có 3 triệu dân oan, 35 triệu dân mạng (internauts), 125 triệu điện thoại di động. Một đồng thuận căn bản đã đạt đến: tất cả mọi người đều muốn thay đổi chế độ.

Về khuyết điểm, di sản văn hóa Khổng giáo vẫn còn đè nặng trong cách suy nghĩ và hành động của người Việt Nam, nhất là thiếu vắng một giai cấp trí thức chính trị. Thêm vào đó, Việt Nam là một dân tộc kiệt quệ mặc dù chiến tranh đã chấm dứt cách đây 37 năm, không ai muốn dấn thân để trở thành con thiêu thân. Đối lập Việt Nam thiếu vắng một tổ chức dân chủ có tầm vóc và một lãnh tụ. Sự xuống cấp của môi trường và đạo đức cũng ảnh hưởng đến ý chí và quyết tâm của người Việt Nam.

Về cơ hội, phong trào đối lập Việt Nam, được chuyên chở bởi làn sóng dân chủ thứ tư, có thể tranh thủ sự ủng hộ của các trào lưu dân chủ khu vực. Trước sự thất bại của chính quyền cộng sản trên các phương diện và sự hình thành những băng đảng mafia trong các cấp chính quyền, phong trào đối lập Việt Nam có thể tranh thủ lòng dân bằng cách đưa ra những dự án tổ chức xã hội dân chủ.

Về đe dọa, giới đối lập Việt Nam thích những hành động gây tiếng vang hơn là xây dựng một tổ chức có tầm vóc lâu dài. Do mất niềm tin vào tương lai, người Việt Nam dễ có tâm lý bất mãn, bất tuân và bất chấp, và rã hàng. Thêm vào đó, nỗi lo sợ Trung Quốc và nguy cơ mất nước ám ảnh trong tâm lý mọi người.

Trong phần thảo luận, ông Diệp Tường Bảo và ông Phạm Việt Vinh đặt ra hai câu hỏi. Một là, sự vươn lên của phe Hồi giáo tại các quốc gia Bắc Phi có phủ nhận những thắng lợi của làn sóng dân chủ thứ tư hay không ? Hai là, làn sóng dân chủ thứ tư có phải là sự chống lại sự ngự trị của đồng tiền hay không?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, ông Nguyễn Gia Kiểng giải thích. Làn sóng dân chủ mới này đã bùng nổ một cách ngoạn mục và dữ dội tại các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông. Trong tương lai rất gần chế độ độc tài Al-Assad sẽ bị đánh đổ và cả khối Ả Rập sẽ bước vào kỷ nguyên dân chủ. Tuy vậy sẽ là một sai lầm lớn nếu coi nó là một hiện tượng Hồi Giáo. Sở dĩ nó ngoạn mục và dữ dội tại các nước này là vì, ngoài vấn đề chung của các nước chưa có dân chủ, các nước Hồi Giáo còn có một vấn đề đặc biệt đáng lẽ đã phải giải quyết từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết, đó là đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị và về địa vị của một tôn giáo. Mùa Xuân Ả Rập chỉ là một phần của một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ đích thực nhất và toàn cầu nhất trong lịch sử thế giới.

Trả lời câu hỏi thứ hai, ông Kiểng xác nhận: Đúng, làn sóng dân chủ thứ tư chống lại sự ngự trị của đồng tiền, vì đó là kết quả của chủ nghĩa thực tiễn. Nhưng đồng tiền chỉ là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Chủ nghĩa thực tiễn là một chọn lựa chính trị dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nhắm vào những quyền lợi trước mắt. Nó chỉ là một tên gọi khác của sự thiển cận. Chủ nghĩa thực tiễn đã bị các nhà lãnh đạo chính trị lớn nhận diện từ lâu và gạt bỏ; tuy vậy nó vẫn tồn tại vì có sự cám dỗ của một giải pháp dễ dàng.

Trong gần 20 năm áp dụng, chủ nghĩa thực tiễn đã bỏ qua các giá trị đạo đức và nhân quyền để bình thường hóa các chế độ độc tài bạo ngược đã rất chao đảo sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Các chế độ này không những được củng cố nhờ trao đổi thương mại với các nước dân chủ phát triển mà còn liên kết với nhau và trở thành một đe dọa cho dân chủ và hòa bình. Quan hệ thương mại với các nước dân chủ đã không khiến các chế độ độc tài trở thành cởi mở và thân thiện, trái lại chỉ giúp chúng thêm sức mạnh để đối đầu. Lý do là vì ý thức hệ bao giờ cũng quyết định sự chọn lựa bạn và thù.

Ông Trần Đình Nhân hỏi: Mùa Xuân Ả Rập có thể xảy ra ở Việt Nam không?

Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời: Việt Nam là nước độc tài duy nhất có tầm vóc trong khối ASEAN và sẽ ngày càng bị cô lập, có triển vọng còn bị lên án vì những vi phạm nhân quyền. Ngoài sự kiện bị nhân dân thù ghét chính quyền cộng sản còn có những mâu thuẫn nghiêm trọng khác. Họ thách thức thế giới khi chà đạp các giá trị dân chủ và nhân quyền, nhưng lại lệ thuộc rất nặng nề vào thế giới. Việt Nam có tất cả mọi yếu tố cần có cho một cuộc cách mạng. Và đàng nào thì làn sóng dân chủ này cũng không thể dừng lại ở biên giới Việt Nam. Logic của nó là quét sạch chủ nghĩa thực tiễn và đánh đổ mọi chế độ sống nhờ chủ nghĩa thực tiễn mà chế độ cộng sản Việt Nam là một trường hợp điển hình. Nó chỉ có chọn lựa giữa thích nghi hoặc sụp đổ. Thay đổi nhất định phải đến.

Một nữ cử tọa hỏi: Người Việt Nam sợ ai? Công sản Việt Nam (Việt cộng) hay cộng sản Trung Quốc (Trung cộng)?

Ông Kiểng trả lời, người Việt Nam không có gì để phải sợ Trung Quốc. Chỉ có chính quyền cộng sản Việt Nam mới sợ Trung Quốc. Tổng số xuất và nhập khẩu của Việt Nam gần bằng hai lần GDP (chính xác là 167%), một mức độ lệ thuộc ngoại thương chỉ thấy ở một vài nước rất nhỏ. Đã thế, kinh tế Việt Nam lại còn lệ thuộc vào thế giới vì tuy là một kinh tế hướng ngoại dựa vào xuất khẩu Việt Nam thâm thủng mậu dịch kinh niên. Thâm thủng mậu dịch sớm muộn cũng biến thành nợ nước ngoài nên con số nợ nước ngoài thực sự của Việt Nam chắc chắn phải nhiều lần lớn hơn. Chính quyền cộng sản Việt Nam dựa vào Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại chính là nước chèn ép và gây thiệt hại cho Việt Nam nhất. Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam chủ yếu là thâm thủng đối với Trung Quốc.
Ông Diệp Tường Bảo bổ túc thêm: Thực trạng xã hội Trung Quốc ngày nay rất là bi đát nhưng Bắc Kinh biết giấu nhẹm nên ít ai biết đến. Tỷ lệ người già tại Trung Quốc tăng lên rất nhanh trong khi số trẻ em sinh ra không đủ để lo cho người già bởi chính sách một con. Trước sự suy thoái toàn cầu, khả năng cạnh tranh của Trung Quốc rất yếu kém vì chưa đủ khả năng sản xuất những hàng hóa tinh vi trong khi chưa tìm ra cách giải quyết khối lượng và máy móc sản xuất hàng hóa giá rẻ vào trong nội địa. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang khựng lại ở mức 8%, trong khi tăng trưởng dưới 10% là một dấu hiện suy thoái. Bên cạnh đó, nạn suy đồi văn hóa và đạo đức đang lan tràn trong khắp xã hội, sinh hoạt kiểu tư bản rừng rú ngự trị trong khắp các sinh hoạt trao đổi. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đứng trước một đe dọa môi trường trầm trọng là nạn sa mạc hóa đang tiền dần đến thủ đô Bắc Kinh.

Cuộc thảo luận sau đó xoay quanh số người đắc cử vào quốc hội Miến Điện của đảng Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, 33 trên 34 ghế. Ông Kiểng nói, trong giai đoạn còn yếu, đối lập phải biết chấp nhận những thỏa thuận giai đoạn, để chuẩn bị giành những thắng lợi lớn hơn sau đó.

Buổi thảo luận chấm dứt lúc 17g30, ban tổ chức thân mời cử tọa và thuyết trình đoàn tiếp tục trao đổi trong tinh thần thân ái bên chén trà và bánh ngọt.
Nguyễn Văn Huy tường thuật

Không có nhận xét nào: